NSND Hoàng Dũng xót xa: "Sau thành công của vai diễn là… sự cô đơn"
(Dân trí) - "Có vở diễn thành công rực rỡ, vai diễn được rất nhiều người khen, nhận nhiều hoa, những cái ôm thật chặt. Cũng có vai diễn, mình nhận những bàn tay… không mặn mà lắm", NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ.
Trong không khí bàng hoàng, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của NSND Hoàng Dũng, người nghệ sĩ tài hoa để lại nhiều dấu ấn trên sân khấu kịch cũng như trong phim ảnh, MC Lê Anh đã chia sẻ lại talk show về cố nghệ sĩ từng phát sóng trên truyền hình.
Tại chương trình "Khoảng trời riêng" với MC Trịnh Lê Anh, NSND Hoàng Dũng rút lòng chia sẻ về nghề, về quãng thời gian gắn bó với sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội.
Trên sân khấu rạp Công nhân, NSND Hoàng Dũng có nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở kịch như: vai Lãm trong vở "Hà Nội đêm trở gió", Phó giám đốc Chính trong "Tôi và chúng ta", Cả Khoa trong vở "Cát bụi"…
Khi được hỏi về vai diễn đáng nhớ nhất, NSND Hoàng Dũng trải lòng: "Tôi ra trường năm 1977, cái sân khấu của rạp Công nhân - sân khấu diễn kịch đầu tiên của mình. Lần đầu tiên, tôi bước lên sân khấu diễn có khán giả xem cũng là rạp Công nhân, từ những vở diễn tốt nghiệp khi đang học ở trường cũng được diễn ở rạp Công nhân. Sau khi ra trường, tôi cũng về rạp Công nhân.
Nói về vai diễn đáng nhớ thì thực ra vai nào tôi cũng yêu, vai nào tôi cũng say đắm, vai nào mình cũng có cảm giác làm được một chút cái này, và vai nào cũng cảm thấy còn những chỗ mình phải làm nhiều hơn nữa. Tôi không nghiêng về vai diễn nào cả. Bởi vì thực sự, khi bước lên sân khấu diễn, vai diễn nào tôi cũng rất là say".
Nhưng cũng có vai diễn NSND Hoàng Dũng thích đó là vai Lãm trong "Hà Nội đêm trở gió". Đó là vai anh bộ đội gốc Hà Nội. "Tôi thích vai Lãm vô cùng. Vì ở nhân vật này có hai chất: chất lính và chất thanh niên Hà Nội. Hai cái chất này thể hiện đậm nét, kể cả cá tính hay khí chất. Tôi cảm thấy rất hay. Khi được diễn những vai như thế, tôi cảm thấy như mình được sống với chính mình", NSND Hoàng Dũng tiết lộ.
Khi so sánh những vai diễn trên sân khấu và những vai diễn trong phim truyền hình, NSND Hoàng Dũng khẳng định: "Nói một cách chính xác, tôi là người của sân khấu. Với những vai diễn truyền hình, phản ứng của khán giả là gián tiếp, còn với những vai diễn trên sân khấu, phản ứng của khán giả là trực tiếp. Nên đôi khi cái sự rung động, hồi hộp, lúng túng, thăng hoa tại sân khấu nó nhiều hơn so với trên truyền hình".
Để có một tên tuổi Hoàng Dũng như ngày hôm nay, ông khẳng định: "Tôi không khiêm tốn, nhưng tôi nghĩ mình là người có năng khiếu. Và tôi có thể khẳng định, nếu như chia 50- 50 giữa năng khiếu và lao động thì tôi là 40- 60".
NSND Hoàng Dũng chia sẻ, ông thích tập một mình trên sân khấu: "Khi chỉ có một mình trên sân khấu, cảm giác của tôi về sân khấu mạnh lắm. Thậm chí là một mình trong bóng tối. Khi tập, tôi không cần ánh sáng, vẫn tập được. Tôi hay tập một mình. Sân khấu có sự thiêng liêng của nó, có ma lực của nó và mỗi khi bước chân lên sàn gỗ này thì nó gây cho tôi cảm giác, tôi muốn được tập, tôi muốn được diễn vô cùng".
NSND Hoàng Dũng cũng nhớ lại cảm giác lần đầu tiên về Nhà hát kịch Hà Nội, lần đầu tiên ông được bước chân lên sàn diễn này, được góp mặt với một vai quần chúng trong vở kịch của Nhà hát. "Chỉ đứng thôi, tôi cũng run bắn. Tôi run không phải vì sợ sệt mà vì… hồi hộp, sung sướng. Cái cảm giác mình là một phần rất nhỏ bé của cả một tập thể", ông kể.
Chính tại sân khấu kịch, NSND Hoàng Dũng trải qua đầy đủ các cung bậc hỉ nộ ái ố, niềm vui tột cùng khi vai diễn thành công rực rỡ, sự nuối tiếc khi vai diễn chưa được hưởng ứng mặn mà. Ông gọi hiệu ứng tích cực của vai diễn sau mỗi suất diễn là những cái đích, nhưng sau cái đích đó là sự… cô đơn.
"Có rất nhiều thái cực sau mỗi vở diễn. Có những vở diễn thành công rực rỡ, vai diễn của mình được rất nhiều người khen. Ngay tại sân khấu này, tôi được nhận rất nhiều hoa, được nhận rất nhiều lời động viên, những bàn tay, những cái ôm chân tình.
Cũng có vở diễn mình nhận những bàn tay… không mặn mà lắm. Không mặn mà không phải là tình cảm của người ta đối với mình nhạt nhẽo. Mà sự hưởng ứng đối với vai diễn của mình không được mặn mà.
Có những vai diễn, vừa kết thúc, khán giả lao vút từ xa lên để ôm một cái thật chặt. Ngày hôm đó, ta tạm gọi là cái đích của những ngày lao động lủi thủi một mình trên sàn tập. Nhưng, sau cái đích ấy là… sự cô đơn.
Khán giả đi về, họ dứt ra được không khí của vở diễn. Nhưng mình chưa dứt ra được. Mình vẫn còn đang muốn sống với vai diễn.
Khi khán giả, đồng nghiệp của mình dần dần rút khỏi sân khấu. Mình ở lại lâu hơn. Không biết bạn bao giờ có cảm giác một mình đứng tại chỗ, xung quanh là vài chục bó hoa mà bạn thấy buồn không?
Tôi không muốn rời khỏi không khí vừa rồi nhưng tôi phải rời khỏi. Tôi phải quay trở lại với đời sống thường ngày.
Nếu vai diễn thành công, còn có sự an ủi với bản thân rằng ngày mai, ngày kia tôi sẽ được hưởng không khí đó nữa. Nhưng nếu nó rơi vào vai diễn thất bại thì ngày mai tôi lại đón nhận thực trạng này nữa. Buồn lắm!
Cái nghề này cứ như con tằm, cứ nhả tơ mà không biết người ta dùng nó vào việc gì. Nó có giá trị hay không, mình cứ nhả tơ thôi, nhả bao giờ hết thì thôi", NSND Hoàng Dũng trải lòng.
NSND Hoàng Dũng cũng nhắn nhủ: "Tôi chỉ muốn nói một điều thôi, cái sàn gỗ này đối với tôi, cho tôi rất nhiều, cũng lấy đi của tôi rất nhiều, bảo ban tôi rất nhiều. Cũng chính chiếc sàn gỗ sân khấu này dạy tôi rất nhiều. Nhưng không phản bội tôi!"