NSND Đặng Thái Sơn: Tôi tìm thấy niềm vui trong nỗi cô đơn

Tôi may mắn được gặp NSND Đặng Thái Sơn trong những chuyến trở về Việt Nam. Lần nào ông cũng dành cho báo chí những cuộc trò chuyện thân tình, ấm áp để nói về những trăn trở, mong muốn của mình. Lần này, ông về Việt Nam trong một chương trình hòa nhạc đặc biệt, ông chơi lại bản concerto của Chopin đã đưa ông lên đến đỉnh vinh quang năm 1980.

35 năm mới chơi lại bản nhạc này cho người dân của đất nước mình, ông hồi hộp, chờ đợi. NSND Đặng Thái Sơn nói, ông mong muốn được về Việt Nam, đến từng vùng miền khác nhau để chơi đàn cho mọi người nghe. Ông coi đó là mong muốn rất lớn trong quãng đời còn lại của mình.

Tôi chịu ảnh hưởng từ cha và mẹ

- Ông xa đất nước từ khi còn nhỏ và phần lớn thời gian dành cho những chuyến lưu diễn. Ông nhớ gì về nơi mình đã sinh ra và lớn lên?

+ Tôi là dân Hà Nội, nhưng thực ra thời thơ ấu, lúc tôi lên 7, tôi cùng mẹ theo trường nhạc lên sơ tán ở Hà Bắc (tên gọi chung của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trước đây), phần lớn tuổi thơ tôi sống ở đó, giống như một cậu thiếu niên nhà quê, trồng cây chăn trâu, chăn bò nhiều hơn là chơi đàn piano. Vì thời đó, mang đàn lên cũng rất khó vì nó quá cồng kềnh. Những kỷ niệm về Hà Nội rất ít.


NSND Đặng Thái Sơn.

NSND Đặng Thái Sơn.

- Lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ, ông thấy mình chịu ảnh hưởng từ ai, từ má - một nghệ sĩ chơi piano hay từ ba - một nhà thơ?

+ Có lẽ là cả hai. Má tôi, NSND Thái Thị Liên đã giúp tôi trong âm nhạc, những gì liên quan đến cây đàn đều do má tôi lo. Một nghệ sĩ cần thế giới nội tâm phong phú. Ba tôi, nhà thơ Đặng Đình Hưng vốn không nhiều lời, tôi lại không sống nhiều với ông, có những lời nói của ba, dù rất ít, nhưng giờ ngẫm lại, nó như một sợi chỉ hồng giúp tôi đi đúng hướng. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình như thế.

- Cơ duyên nào đưa ông đến với âm nhạc để rồi cả đời gắn với cây đàn piano?

+ Là số phận, vì anh chị em tôi ai cũng chơi đàn cả. Đến lượt tôi, ba má không ép, không muốn tôi chơi đàn. Nhưng ba má không thích thì tôi lại thích. Tôi lại gần, lân la đến với cây đàn rồi dần dần tìm ra giai điệu của từng bài hát. Ba má quan sát và thấy tôi thực sự không hờ hững với âm nhạc. Họ thử khả năng nghe, lúc đó, ba má mới cho tôi học nhạc. Rất khó để xác định được thời điểm tôi đến với cây đàn.

Thời đó, con trai thường chơi bi, đánh xèng, chẳng có thú tiêu khiển nào, tôi coi cây đàn như một đồ chơi. Một cây đàn phát ra âm thanh, tôi thấy rất thú vị và tìm ra giai điệu của nó. Không giống như bây giờ, giới trẻ có nhiều lựa chọn về con đường của mình. Còn chúng tôi lúc đó, vào trường nhạc rồi, đánh hay, đánh dở cũng là cái nghiệp và tôi xác định, mình sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp.

Hãnh diện vì mình là người Việt Nam

- Có lẽ người ta thường nhìn thấy ông ở trên đỉnh cao vinh quang mà ít người nghĩ rằng, đằng sau những hào quang là mồ hôi, nước mắt của người nghệ sĩ. Ông đối diện với điều đó như thế nào?

+ Đến bây giờ, tôi không thể tin rằng mình đã trải qua rất nhiều khó khăn như vậy. Ở Việt Nam, tôi mất hẳn 19 năm học theo bản năng. Khi sang Nga, lúc đó tôi đã mất nhiều năm, làm lại từ đầu, tôi gây dựng lại trường sở. Chỉ sau 3 năm học tại Học viện Tchaikvosky đến khi thi tại Ba Lan, tôi đã giành giải Nhất.

Tôi nghĩ là, những năm tháng ham học nhất của tôi là ở Nga. Đúng là tôi đã trải qua những khó khăn nhưng tất cả phải phụ thuộc vào lý trí của mình. Bởi vì, ở Việt Nam, nhiều khi mình ham học nhưng không có điều kiện. Không có điện thì không thể nghe được băng đĩa, chẳng có ai dạy cho mình, cứ mò mẫm học.

Tôi nhớ có thời, lúc đó tôi khoảng 7-8 tuổi, đánh bài nào tự chép tay bài đó. Có bài tôi thích quá, phải đến Thư viện Quốc gia để chép tay và khi chép xong thì mình cũng thuộc luôn. Nên đến khi sang Nga, có thầy, trường tốt, tôi thấy việc học giản đơn hơn nhiều.

- Ông còn nhớ khoảng khắc mình chạm tay tới vinh quang, cách đây 35 năm?

+ Không ai đi thi mà tài tử như tôi lúc bấy giờ. Đơn thi chỉ có vài dòng, liệt kê ngày, tháng, năm sinh, quê hương và hiện đang học tại Học viện Tchaikovsky, không có một dòng tiểu sử nào về biểu diễn như chưa một lần chơi với dàn nhạc, chưa một lần dành giải quốc tế…

NSND Đặng Thái Sơn: Tôi tìm thấy niềm vui trong nỗi cô đơn - 2

Lúc đầu, người ta từ chối. Sau đấy, Ban tổ chức suy xét lại với 2 lý do: lần đầu tiên Việt Nam cử một đại diện đi thi từ một nơi xa xôi và cậu này học ở Học viện Tchaikovsky. Cả đời tôi chưa một lần biểu diễn. Qua 3 vòng, đến vòng chơi với dàn nhạc, tôi mới cuống lên, không lo đến bản concerto mà chỉ lo sao có quần áo mặc. Cuối cùng, tại sao tôi lại có thể đạt được thành công? Vì Học viện Tchaikovsky cho tôi sự chuyên nghiệp.

- Và vì ông là "Người được Chopin chọn"nữa chứ?

+ Tôi nghĩ đó là số phận, lúc ở Việt Nam khó khăn đủ điều nhưng riêng đối với Chopin, năm 1970, má tôi được mời sang cuộc thi đó với tư cách khách mời. Sau đấy, má đem toàn bộ sách về Chopin và kể về cuộc thi khiến tôi rất hào hứng. Tôi chẳng có điều kiện học Mozart hay các nhà soạn nhạc khác nên tôi ngấm Chopin từ nhỏ. Vì vậy, Chopin là một thế giới âm nhạc cho tôi thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình.

- Ông từng nói, ông trò chuyện với khán giả bằng âm nhạc của Chopin. Vậy có mối liên hệ nào giữa ông và Chopin chăng?

+ Âm nhạc Chopin thơ mộng và rất đẹp. Chopin rất gần với tôi ở tâm hồn luôn hướng về nguồn cội, về Ba Lan. Cuộc đời tôi sống xa đất nước nên có sự đồng cảm với Chopin.

- Có phải vì vậy mà ông luôn hướng về đất nước?

+ Hướng về đất nước có nhiều dạng, không phải cứ về tận đất nước mới hướng về quê hương. Tôi cứ nhớ các buổi diễn trang trọng không có một bóng người Việt nào, nhưng tôi thấy hãnh diện vì mình là người Việt. Chuyện đấy chẳng ai biết. Mà có lẽ sự hãnh diện đầu tiên là tại cuộc thi Chopin, lúc đó tôi chỉ là một cậu sinh viên quèn, nhưng trên sân khấu lớn của thế giới, tôi thấy hãnh diện mình là người Việt, sự hãnh diện từ bên trong.

Muốn phát triển cần được bật đèn xanh

- Ông đạt đến đỉnh vinh quang âm nhạc của một người Việt trên thế giới. Nhưng sau ông, hình như chưa có người Việt nào chạm tới đỉnh vinh quang đó. Ông có thể chia sẻ về nỗi cô đơn khi làm nghệ thuật của ông?

+ Cô đơn là cần thiết cho nghệ thuật nói chung. Cô đơn là lúc nạp điện, còn lúc diễn là phóng điện. Nghệ sĩ cần một khoảng không gian, thời gian và sự im lặng để làm việc. Cô đơn thì buồn nhưng nhiều lúc tôi tìm thấy niềm vui ở trong đó chứ không hoàn toàn tiêu cực.

Bây giờ, ngoài sự nghiệp biểu diễn, tôi còn mở rộng các hoạt động như giảng dạy, làm giám khảo nên không có nhiều thời gian để cô đơn nhiều lắm. Xung quanh luôn luôn có học trò trẻ trung, đấy là niềm vui rất lớn cho tôi.

- Ông có mong muốn gì vun đắp cho thế hệ trẻ ở Việt Nam? Tôi nhớ trong một cuộc phỏng vấn ông từng nói rằng, âm nhạc cổ điển Việt Nam đang đi thụt lùi. Bây giờ thì sao thưa ông?

+ Những gì tôi làm đang rất hạn chế, nhỏ giọt. Các cuộc thi piano trong nước tôi cố gắng thu xếp thời gian về chấm, trao giải, kết nối cho các em đi ra nước ngoài. Các em có tài, cần có sự đầu tư lâu dài để phát triển. Nhưng nhiều lúc cũng thấy xót xa vì Việt Nam nói về truyền thống, lịch sử nhạc cổ điển có từ rất sớm, mấy chục năm trước, các nước láng giềng không có nhiều lắm.

Nhưng gần đây, họ phát triển một cách dữ dội, trong khi Việt Nam, dù đau lòng thì cũng phải nói rằng chúng ta đang đi thụt lùi. Điều này tôi muốn nói để mọi người có suy nghĩ nghiêm túc về nó. Câu chuyện này lần nào về Việt Nam trò chuyện với báo chí, tôi cũng ca cẩm, và đưa ra đề nghị chúng ta phải giải quyết, nhưng bao nhiêu năm rồi, vẫn thế. Có lẽ bây giờ nhận thức của mọi người về vấn đề này đã đỡ hơn, tức có sự giác ngộ hơn, nhưng vẫn còn xa lắm.

- Rõ ràng đối với người Việt, nhạc cổ điển vẫn còn rất xa lạ, thậm chí gần như vắng bóng trong đời sống. Vì sao vậy thưa ông?

+ Đây là tình trạng chung trên thế giới. Để tự mọi người thấy nhạc cổ điển hay rất khó, nên mình phải giúp đào tạo những khán giả mới. Các nước họ có chương trình giáo dục đi sâu vào các trường phổ thông, đại học, đào tạo lớp khán giả trẻ. Cuối cùng vẫn là sự quan tâm của những người có trách nhiệm, nếu không được bật đèn xanh và trợ giúp thì cũng khó.

- Nhưng cũng có một thực tế là ở Việt Nam có những "thần đồng" mà tài năng chỉ tỏa sáng trước 14 tuổi thôi. Theo ông thì vì sao?

+ Chính xác, vì tuổi nhỏ theo bản năng, chúng ta có nhiều người giỏi. Nhưng do chương trình giảng dạy nên càng lên cao càng đuối dần. Một phần, do các em có sự chọn lựa nghề nghiệp, nhiều em chọn nghề khác cho cuộc sống dễ dàng hơn, nên về số lượng đã giảm đi. Chưa nói, chương trình dạy có nhiều vấn đề. Nếu chúng ta không làm được ở hệ thống trường công, thì chúng ta chờ đợi ở những trung tâm tư nhân. Đó sẽ là nơi phát hiện và đào tạo tài năng. Chúng ta đành phải chờ thôi.

- Ông dạy nhiều học trò khác nhau, có gì khác biệt giữa những học trò ở một số khác trong khu vực Á Đông với học trò người Việt?

- Tôi thấy có nhiều yếu tố, khách quan, chủ quan của từng nền văn hóa khác nhau. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, họ có sự năng động trong cuộc sống, điều đó cũng giúp ích cho việc chơi đàn. Còn nước mình, chịu sự ảnh hưởng của hai nền văn hóa, từ Trung Quốc, có chút năng động, còn từ xứ Ấn Độ, lại rất mềm mại.

Độ năng động của mình không thể so với Hàn Quốc, Trung Quốc. Một yếu tố nữa, do dân tộc mình là dân tộc của dân ca trữ tình, thiên về giai điệu, nhưng thiếu tiết tấu. Mình mạnh về giai điệu nên lúc học đàn cũng được khen là tình cảm.

- Một câu hỏi cuối khá riêng tư, ông nói ông là người rất lãng mạn, vậy ông có thể chia sẻ quan điểm về tình yêu, hẳn ông đã từng có trong đời?

+ Tôi nghĩ ngôn ngữ tế nhị nhất là không nên nói ra lời. Qua âm nhạc tôi chơi, đó là những điều mà tôi thủ thỉ để mọi người dễ hiểu nhất. Trước cây đàn, tôi không thể giấu mình được. Mọi người sẽ biết ngay cá tính, tình cảm của mình thế nào. Thôi, hãy cứ lắng nghe.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (ghi)

Theo Công An Nhân Dân