Nông nghiệp tuần hoàn - "thước đo" mức độ bền vững của quốc gia
(Dân trí) - Trong hai năm qua, bất chấp hàng loạt thách thức từ đại dịch và biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam vẫn là "trụ đỡ" của nền kinh tế nước nhà với mức tăng trưởng đáng tự hào. Tuy nhiên, làm thế nào để nông nghiệp nước ta phát triển bền vững?
VUCA - "Biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ" - Thuật ngữ được biết đến từ những năm 90 để mô tả về thế giới "đa cực" xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh. Theo Forbes, tạp chí kinh doanh hàng đầu nước Mỹ, tác động từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh bùng phát trong những năm gần đây đã đưa thế giới vào trạng thái VUCA. Nền nông nghiệp không nằm ngoài bốn thuộc tính chung trên.
Tại "Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị gia tăng toàn ngành (VA) năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%. Kết quả tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã góp phần khẳng định nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, thế giới đang ở giai đoạn thích ứng, sống chung với đại dịch trong điều kiện bình thường mới. Vậy, làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam giữ vững vai trò "trụ cột vững chắc" trong "thế giới VUCA" như hiện nay?
Tiếp cận xu thế, thay đổi để thích nghi - Giải pháp giúp nông nghiệp "vượt bão"
Năm 2020, những đợt dịch đầu tiên tại nước ta được ví như "lửa thử vàng", chỉ những doanh nghiệp có đủ nội lực mới có thể tồn tại. Nhưng, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 trong quý 2 năm 2021 như một "ngọn lửa dữ dội", ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động canh tác, sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, khả năng thích ứng trở thành yếu tố sống còn đối với sự tồn tại của bất kỳ nền kinh tế nào, đặc biệt là nông nghiệp.
"Cái khó ló cái khôn", trong thách thức lại hé ra những cơ hội. Ngành nông nghiệp của chúng ta đang có sự chuyển đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc. Từ một nền nông nghiệp thiên về năng suất, sản lượng, chúng ta đang dần trở thành nền nông nghiệp công nghệ cao - sinh thái - trách nhiệm - bền vững.
Ở cấp độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị đang dịch chuyển từ theo đuổi giá sang ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tối ưu dòng vật chất, khai thác trọn vẹn "tinh hoa" của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí môi trường.
Tập đoàn Cà phê Minh Tiến, được biết đến như một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê hạt xanh hàng đầu Việt Nam, là doanh nghiệp điển hình trong việc tiên phong ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trong nghiên cứu và sản xuất tại nước ta.
Đại diện Tập đoàn Cà phê Minh Tiến nhận định: "Trước những thách thức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng về nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất là một xu thế tất yếu."
Kinh tế tuần hoàn - "liều kháng sinh" đưa nông nghiệp phát triển bền vững
Kinh tế tuần hoàn với mục tiêu cốt lõi là hướng đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đã và đang được nhiều cường quốc áp dụng một cách hiệu quả. Trung Quốc đã bắt đầu ban hành Luật Xúc tiến Kinh tế tuần hoàn từ năm 2008, góp phần đưa đất nước tỷ dân này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thụy Điển là quốc gia hàng đầu về quản lý và tái chế rác thải trong nông nghiệp, thực phẩm. Trong đó, 53% nhựa tiêu dùng được tái chế, 99% rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp được tái chế thành điện năng, phấn đấu hướng tới một xã hội không rác thải.
Tại Việt Nam, "hình bóng" của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã xuất hiện từ đầu những năm 80. Vài năm gần đây, áp lực từ dịch bệnh, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày một cấp bách, mô hình này được nhắc đến và áp dụng nhiều hơn. Đặc biệt, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nét nhất giá trị bền vững của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Với vị thế "lá cờ đầu" trong phát triển hệ sinh thái sản phẩm dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Minh Tiến khai thác triệt để mọi thành phần của cây cà phê. Phụ phẩm từ khâu chế biến sản phẩm trước sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của sản phẩm tiếp theo trong hệ sinh thái.
Cụ thể, hạt cà phê phục vụ xuất khẩu và sản xuất cà phê thành phẩm Coffilia; vỏ cà phê được thu gom để làm trà Cascara Hà Chúc; sản phẩm sinh học Namigo từ vỏ trấu và bã cà phê; phân bón hữu cơ Mộc Khang có nguồn gốc từ vỏ trấu, vỏ cà phê và một số thành phần không thể tái chế khác, được doanh nghiệp này sử dụng để chăm sóc cây cà phê trên vùng nguyên liệu của mình.
Nhờ tư duy đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp Minh Tiến đem đến "sức sống mới" cho phế phẩm nông nghiệp, giảm thiểu triệt để chất thải ra môi trường; tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, chi phí xử lý chất thải; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh; đem lại nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển bền vững ngay trong đại dịch.
"Trong nhiều năm qua, chiến lược phát triển "Chắp cánh nền kinh tế xanh" luôn là cốt lõi trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Minh Tiến. Thông qua hệ sinh thái của mình, Minh Tiến mong muốn lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp về giá trị và ý nghĩa của sự phát triển bền vững.", đại diện Tập đoàn Cà phê Minh Tiến chia sẻ.
Phát triển nông nghiệp "xanh" theo hướng hình kinh tế tuần hoàn không thể chỉ dựa vào những doanh nghiệp dẫn đầu, mà cần tới sức mạnh tổng hợp của các Bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cả nước và toàn thể người dân. Qua đó, nông nghiệp Việt Nam có thể phát huy vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn và đủ sức trở thành "thước đo" mức độ bền vững của quốc gia.