Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

(Dân trí) - Trong giới văn chương, có nhiều nhà văn chỉ cho ra đời một tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc duy nhất, sau đó không bao giờ cho ra đời thêm bất cứ một tác phẩm nào nữa. Có rất nhiều lý do khiến họ làm như vậy…

Emily Bronte - “Đồi gió hú”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nữ nhà văn Anh Emily Bronte (1818-1848) - tác giả cuốn tiểu thuyết “Wuthering Heights” (Đồi gió hú - 1847)

Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em đều yêu văn chương, viết lách, Emily Bronte từng viết khá nhiều thơ và xuất bản dưới bút danh nam giới bởi độc giả khi đó mới chỉ chấp nhận những cây bút nam. “Đồi gió hú” khi mới ra mắt đã phải đón nhận nhiều lời chỉ trích vì sự cách tân của nó.

Tuy vậy, vượt qua những chỉ trích đương thời, cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của Emily Bronte vẫn trở thành một tác phẩm văn học kinh điển. Có thể cô sẽ còn sáng tác thêm nữa nhưng do sức khỏe yếu nên Emily Bronte sớm qua đời ở tuổi 30 vì bệnh lao.

Anna Sewell - “Ngựa ô yêu dấu”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nữ nhà văn Anh Anna Sewell (1820-1878) - tác giả cuốn tiểu thuyết “Black Beauty” (Ngựa ô yêu dấu - 1877)

Sewell ban đầu không hề có dự định sẽ trở thành một tiểu thuyết gia. Thực tế, khi đã ở tuổi 51 bà mới bắt tay vào việc viết lách. Bà viết cuốn “Ngựa ô yêu dấu” với mong muốn tác phẩm này sẽ khiến con người đối xử nhân đạo hơn với những chú ngựa.

Để hoàn tất tác phẩm, bà đã phải mất 6 năm. Khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết nhanh chóng gây được tiếng vang. Tuy vậy, Anna Sewell đã qua đời ngay trước khi kịp biết độc giả sẽ tung hô bà. Sewell qua đời vì bệnh gan 5 tháng sau khi cuốn sách ra mắt.

Oscar Wilde - “Chân dung Dorian Gray”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nhà văn Ireland - Oscar Wilde (1854-1900) - tác giả cuốn tiểu thuyết “The Picture of Dorian Gray” (Chân dung Dorian Gray - 1890)

Oscar Wilde được biết tới với vai trò một nhà thơ, một nhà biên kịch, ông cũng từng thử sức với thể loại tiểu thuyết và cho ra đời tác phẩm từng gây tranh cãi lúc bấy giờ - “Chân dung Dorian Gray”. Chính cuốn tiểu thuyết này đã cho ông một vị trí trên văn đàn.

Đương thời, cuốn tiểu thuyết bị lên án, bị cho là quá khiếm nhã, bởi nó đề cập tới tình yêu đồng tính và chủ nghĩa khoái lạc. Vì phải đón nhận quá nhiều chỉ trích nên Wilde buộc lòng phải sửa lại tác phẩm, nhưng kể từ đó ông không bao giờ viết văn nữa, chỉ chuyên tâm sáng tác thơ trong suốt quãng đời còn lại.

Boris Pasternak - “Bác sĩ Zhivago”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nhà văn Nga Boris Pasternak (1890-1960) - tác giả cuốn tiểu thuyết “Dr. Zhivago” (Bác sĩ Zhivago - 1957)

Pasternak là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, khi thử sức với vai trò một tiểu thuyết gia, Pasternak cũng chứng tỏ mình tài hoa không kém. Xung quanh cuốn tiểu thuyết duy nhất của Pasternak có nhiều câu chuyện rắc rối liên quan tới vấn đề chính trị. Việc “Bác sĩ Zhivago” được xuất bản cũng đã là một kỳ tích.

Trong sự nghiệp, Pasternak từng đạt tới đỉnh cao thành công khi được nhận giải Nobel Văn học năm 1958, tuy vậy, vì lý do thời cuộc, ông đã từ chối đến nhận giải. Sau khi xuất bản cuốn “Bác sĩ Zhivago” được 3 năm, Pasternak qua đời vì bệnh ung thư phổi và không kịp hoàn tất một cuối tiểu thuyết khác còn đang dang dở.

Margaret Mitchell - “Cuốn theo chiều gió” 

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nữ nhà văn Mỹ Margaret Mitchell (1900-1949) - tác giả cuốn tiểu thuyết “Gone With the Wind” (Cuốn theo chiều gió - 1936)

Margaret Mitchell chưa từng kỳ vọng mình sẽ có một sự nghiệp văn chương thành công. “Cuốn theo chiều gió” được bà viết một cách bí mật sau khi bị một đồng nghiệp khích bác rằng bà chắc chắn không đủ khả năng viết nổi một cuốn tiểu thuyết ra hồn.

Từ một lời nhạo báng, Margaret Mitchell đã làm nên một tác phẩm văn chương kinh điển, nhận được giải Pulitzer danh giá, tiểu thuyết của bà được chuyển thể lên màn ảnh rộng, là một trong những tác phẩm văn chương nổi tiếng và được yêu thích nhất mọi thời đại.

Mitchell có thể sẽ sáng tác thêm những cuốn tiểu thuyết khác sau “Cuốn theo chiều gió” nhưng bà đã gặp một tai nạn thảm khốc, bị xe hơi cán phải và qua đời năm 49 tuổi trên đường tới rạp chiếu phim.

J. D. Salinger - “Bắt trẻ đồng xanh”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nhà văn Mỹ Jerome David Salinger (1919-2010) - tác giả cuốn tiểu thuyết “Catcher in the Rye” (Bắt trẻ đồng xanh - 1951)

Trong suốt sự nghiệp viết lách của mình, Salinger đã cho xuất bản nhiều truyện ngắn nhưng “Bắt trẻ đồng xanh” là cuốn tiểu thuyết duy nhất ông từng công bố. Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết này, Salinger đã phải đương đầu với những phản ứng không mong muốn, đó chính là sự quan tâm thái quá mà dư luận, truyền thông dành cho ông.

Chính vì điều này mà sau khi “Bắt trẻ đồng xanh” ra mắt, Salinger đã chọn cách sống ẩn dật. Trong cuộc phỏng vấn hiếm có được thực hiện năm 1974, ông cho biết: “Có một sự yên bình tuyệt diệu khi tôi quyết định không xuất bản nữa. Tôi thích viết. Tôi yêu viết. Nhưng giờ tôi viết chỉ vì bản thân tôi và niềm vui thích của riêng tôi”.

Harper Lee - “Giết con chim nhại”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nữ nhà văn Mỹ Harper Lee (1926) - tác giả cuốn tiểu thuyết “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại - 1960)

Nữ nhà văn Harper Lee nổi tiếng là một cây bút sống ẩn dật, lẩn tránh mọi hào quang, xưng tụng. Thực tế, trước khi xuất bản cuốn “Giết con chim nhại”, Harper Lee đã rất sợ rằng “đứa con đầu lòng” của mình sẽ bị ghẻ lạnh, chê bai.

Thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì bà lo lắng, “Giết con chim nhại” ngay lập tức trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất, được giới phê bình khen ngợi nức nở, giành giải Pulitzer danh giá.

Harper Lee dù có cố gắng thực hiện cuốn tiểu thuyết thứ hai nhưng không thể hoàn thành nổi và đành bỏ dở. Bà chỉ công bố thêm 5 bài viết ngắn trên mặt báo kể từ năm 1961 đến nay.

Sylvia Plath - “Quả chuông ác mộng”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nữ nhà văn Mỹ Sylvia Plath (1932-1963) - tác giả cuốn tiểu thuyết “The Bell Jar” (Quả chuông ác mộng - 1963)

Khi xuất bản cuốn tiểu thuyết “Quả chuông ác mộng” năm 1963, Sylvia Plath đã sử dụng bút danh. Là một nhà thơ có tiếng, Plath không muốn để mọi người biết rằng mình đang rơi vào khủng hoảng. Sinh thời, cô bị chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi chồng cô ngoại tình và bản thân cô bị sảy thai.

Trong “Quả chuông ác mộng”, nhân vật nữ chính cũng bị suy sụp tâm lý và sau đó quyết định tự tử. Ở ngoài đời, số phận của Plath cũng tương tự. Cô đã tự sát chỉ vài tháng sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay được xuất bản.

Arthur Golden - “Hồi ức của một Geisha”

Nổi tiếng chỉ nhờ một cuốn tiểu thuyết duy nhất

Nhà văn Mỹ Arthur Golden (1956) - tác giả cuốn tiểu thuyết “Memoirs of a Geisha” (Hồi ức của một Geisha - 1997)

Arthur Golden đã dành ra 6 năm để nghiên cứu và viết cuốn tiểu thuyết “Hồi ức của một Geisha”. Ngay khi ra mắt, cuốn tiểu thuyết trở thành sách bán chạy nhất và tiếp tục nằm trong danh sách này suốt 2 năm sau đó.

Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng với sự tham gia diễn xuất của hai nữ diễn viên Trung Quốc - Chương Tử Di và Củng Lợi. Phim từng được đề cử 6 giải Oscar và rinh về 3 giải.

Kể từ khi thành công với tiểu thuyết đầu tay đến nay, tác giả Arthur Golden chưa cho ra mắt thêm tác phẩm văn học nào.

Bích Ngọc
Tổng hợp