Nỗi niềm của Đăng Dương, Xuân Bắc, Trần Ly Ly sau khi được phong danh hiệu
(Dân trí) - NSND Đăng Dương, NSƯT và NSƯT Trần Ly Ly là những người vừa được nhận danh hiệu trong đợt phong tặng vừa rồi. Cả ba đại diện cho ba lĩnh vực âm nhạc, sân khấu và múa nói lên những trăn trở của mình sau khi được nhận danh hiệu.
NSƯT Đăng Dương: Nên có những trường hợp được phong tặng trước thời hạn
Việc tôi được phong tặng NSƯT là một sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước trước những thành tích, đóng góp của tôi trong sự nghiệp ca hát. Đây là niềm vinh dự của cá nhân tôi cũng như của rất nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu đợt này.
Trước đây, những quy định về việc phong tặng danh hiệu NSND có nhiều thủ tục nhưng giờ đã cải cách hơn một chút. Ví dụ như rút ngắn thời gian từ NSƯT lên NSND. Tuy nhiên, tôi thấy rằng cần phải thay đổi thêm vì có những trường hợp xuất sắc nhưng chưa đủ năm thì cũng phải có những đặc cách riêng. Cống hiến trong nghệ thuật không chỉ định lượng bằng số năm công tác. Nếu có những trường hợp được phong tặng trước thời hạn sẽ góp phần động viên các nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ có tài năng xuất sắc.
Ngoài ra, cũng có một số bất cập như trường hợp của nhiều nghệ sỹ ở Đài Tiếng nói Việt Nam chuyên làm công việc thu thanh các tác phẩm mới hoặc các tác phẩm đi cùng năm tháng để phát trên sóng, không có điều kiện để đi thi các cuộc thi của Bộ VH,TT&DL thì cũng là một cái khó để có được huy chương, để đáp ứng được tiêu chí xét danh hiệu. Đây là một khó khăn cho các nghệ sĩ. Trước đây, khi theo học ở Liên Xô tôi thấy họ có một hội đồng của Nhà nước, do các nghệ sĩ tên tuổi của nhiều lĩnh vực nghệ thuật đứng ra xem xét các ảnh hưởng và đóng góp của các nghệ sĩ trong lĩnh vực của mình để phong danh hiệu.
NSƯT Xuân Bắc: Tất cả mọi sự cống hiến đều rất cần được ghi nhận
Tính đến thời điểm này tôi đã có 22 năm hoạt động nghệ thuật. Nhưng nếu tính về hoạt động chuyên nghiệp thì tôi tròn 20 năm biên chế ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Những nghệ sỹ biểu diễn như chúng tôi may mắn được khán giả yêu mến rồi lại được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều nghệ sỹ đang ngày đêm miệt mài cống hiến nhưng không phải trong lĩnh vực biểu diễn như: sáng tác, đạo diễn, họa sỹ, thiết kế sân khấu, quay phim... thì lại ít được biết đến.
Được phong tặng danh hiệu NSƯT tôi cảm thấy rất vinh dự nhưng tôi cũng xin nói rằng, có đến 90% nghệ sỹ biểu diễn hoặc hoạt động nghệ thuật không phải để nhận danh hiệu, không phải để trông chờ một sự tôn vinh. Nhưng thật tuyệt vời nếu những gì chúng tôi đã làm được công nhận, ghi nhận. Việc Đảng, Nhà nước và Nhân dân phong tặng danh hiệu lần này sẽ giúp chúng tôi có thêm niềm vui để hăng say làm nghề hơn. Và nếu người đi trước mà đạt được danh hiệu này thì cũng sẽ là động lực cho người đi sau cố gắng hơn.
Có nhiều người rỉ tai tôi bảo: “Này, có danh hiệu rồi cố gắng mà giữ nhé”. Tôi thì nghĩ rằng, không phải có danh hiệu rồi chúng tôi mới cố gắng giữ mà chưa có thì chúng tôi vẫn miệt mài cống hiến, vẫn xả thân vì nghệ thuật. Việc phong tặng danh hiệu là sự ghi nhận cho cả một quá trình cống hiến chứ không phải ban cho ai đó để họ có động lực phấn đấu.
Tôi biết có nhiều nghệ sỹ là bậc tiền bối sau bao nhiêu năm mới được phong tặng danh hiệu. Và những người này dù có được phong tặng NSND hay NSƯT đều có những sự thiệt thòi nhất định. Cá nhân tôi thấy rằng, tất cả mọi cống hiến nghệ thuật rất cần được ghi nhận trong bất kỳ xã hội hay thời đại nào. Xã hội càng phát triển thì các hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao, sáng tác văn học... rất được quan tâm.
Nhiều nghệ sỹ chưa được phong tặng, tôn vinh hoặc ghi nhận xứng tầm với công lao họ đóng góp cho nghệ thuật nước nhà... nhưng trong lòng khán giả họ đã được định vị ở một vị trí vinh quang nhất rồi.
NSƯT Trần Ly Ly: Tiếc cho những nghệ sỹ múa
Tôi thấy tiếc cho những nghệ sỹ múa, nhất là những người trực tiếp biểu diễn vì thời gian chuyển đổi thông tư để xem xét phong tặng danh hiệu nghệ sỹ quá lâu. Vì thế rất nhiều người bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, khách quan để nhìn nhận thì đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT lần này Hội đồng làm việc khách quan, có ba rem tương đối rõ ràng và cả có sự linh hoạt nữa nên đỡ được chuyện kiện cáo hơn trước.
Riêng về lĩnh vực múa, tôi vẫn mong có nhiều sự thay đổi hơn trong việc xem xét. Trong lĩnh vực này nếu bị thiệt về thời gian là vô cùng đáng tiếc. Vì thời gian cống hiến của các nghệ sỹ múa chỉ diễn ra trong khoảng 10 năm. 10 năm đó người nghệ sỹ tỏa sáng hết cỡ và nếu trong thời điểm đó anh chưa được công nhận NSƯT thì tất cả sẽ đổ sông đổ biển bởi sau đó không còn thời gian và sức lực để cống hiến nữa. Mới đây tôi thấy việc điều chỉnh 10 năm tham gia hoạt động nghề đã có thể được xét NSƯT rồi là điều đáng mừng. Nhiều học trò của tôi nhờ sự điều chỉnh này mà cũng được phong danh hiệu đợt này, tôi thấy mừng lắm.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy tiếc cho những nghệ sỹ không tham gia cuộc thi để lấy danh hiệu nhưng họ lại tham gia biểu diễn vô cùng nhiều. Ví dụ như Cao Chí Thành - bạn ấy biểu diễn ba lê rất nhiều nhưng ba lê đấy không thi trong các kỳ liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Những bạn này rất giỏi và cống hiến rất nhiều, trong ngành mọi người đều công nhận nhưng lại chưa có huy chương vàng nào cả nên không biết dựa vào tiêu chí nào mà xét. Rất may vừa rồi Cao Chí Thành cũng đã được xét rồi. Đây chỉ là một trường hợp điển hình vì trong ngành múa còn rất nhiều trường hợp như Cao Chí Thành chưa được xét NSƯT. Theo tôi nên linh hoạt bằng cách thành lập một hội đồng chuyên môn xem xét sự ảnh hưởng và đóng góp của những người nghệ sỹ đối với nghề để họ bớt sự thiệt thòi.
Nói thật là có nhiều nghệ sỹ biểu diễn nhưng dân chúng không hề biết đến vì lĩnh vực nghệ thuật rất rộng và sâu. Tôi nói chẳng hạn như các nghệ sỹ trong dàn nhạc giao hưởng, họ xuất hiện trên sân khấu nhiều nhưng thầm lặng. Vì thế, không mấy khán giả nhớ tên tuổi của họ nhưng lại chỉ nhớ tiếng nhạc của họ. Vậy thì phải làm sao đó để những người như thế không bị thiệt thòi quá cũng cần phải được xem xét.
Tôi cũng thấy tiếc cho những người chuyển đổi nơi công tác, họ không được cơ quan cũ biết đến nhiều nên khi xem xét thành tích cơ quan cũ lại không chứng nhận cho. Cái đó là một sự thiệt thòi mà nhiều người vấp phải.
Hà Tùng Long
Ảnh: HBN