Nơi lưu dấu ấn Bác Hồ và bậc thân sinh trên quê hương Bình Định
(Dân trí) - (Dân trí) – Ngày 23/5, tại Di tích Huyện đường Bình Khê (thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc.
Đây là công trình lịch sử - văn hóa mang ý nghĩa quan trọng thể hiện tấm lòng, tình cảm cũng như niềm tự hào của người dân vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định về dấu ấn lịch sử đặc biệt của Bác Hồ và thân sinh của Người - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên quê hương Bình Định.
Công trình Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc là quần thể kiến trúc độc đáo được xây dựng trên mặt bằng rộng hơn 2,6ha, với tổng kinh phí khoảng 67 tỷ đồng. Công trình bao gồm: Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc; trước mặt và hai bên Đền là nhà lưu niệm, nhà Huyện đường Bình Khê phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định trong những năm đầu thế kỷ 20), nhà bia di tích, nhà tiếp khách và bán hàng lưu niệm, nhà vọng cảnh, cột cờ, hồ sen...
Bên trong khu vực nhà lưu niệm trưng các hiện vật với hai chủ đề chính: Phần chủ đề về “Nguyễn Sinh Sắc, thân thế cuộc đời và sự nghiệp” chiếm 70%, còn lại là chủ đề “Nguyễn Tất Thành với Bình Định”.
Ngoài ra, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định cũng có nhiều chuyến đi đến Nghệ An, Huế, Phan Thiết, Đồng Tháp và một số địa phương trong tỉnh để tìm kiếm, sao chép, biên tập lại một cách cô đọng những tư liệu gắn với cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định cho biết: “Việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, tận tụy vì dân, vì dân. Đây cũng là nơi cha con Bác Hồ gặp nhau và chia tay để rồi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ngày ấy nuôi chí lên đường tìm đường cứu nước, cứu dân”.
Theo lịch sử, tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau đó, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê vào tháng 7/1909.
Hai người con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định. Nguyễn Tất Đạt ở với cha tại Huyện đường Bình Khê, Nguyễn Tất Thành được gửi ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn để học tiếng Pháp.
Khi giữ chức Tri huyện Bình Khê, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành.
Tháng 1/1910, cụ bị vu tội “lạm quyền” dẫn đến cái chết của một điền chủ và bị triều đình Huế triệu về kinh bãi chức. Sau đó, cụ rời Huế vào Nam Bộ sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học. Đến tháng 11/1929, cụ qua đời tại tỉnh Đồng Tháp.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc:
Doãn Công