1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng

(Dân trí) - Tại làng Quần Thanh, thuộc xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) còn lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ của các triều đại phong kiến Hậu Lê và nhà Nguyễn phong tặng vị thần hoàng làng này.

Đây là một ngôi làng Việt cổ nằm ven sông Hoàng với lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Người dân nơi đây thờ thành hoàng làng là vị võ tướng cuối thời Trần có tên gọi Trần Huệ.

Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng - 1
Đền Quần Thanh, nơi lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ.

Tại làng Quần Thanh còn lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ. Với người dân làng Quần Thanh, các đạo sắc phong được coi là báu vật của làng. Hàng năm, vào các dịp hội làng, các đạo sắc phong được đem ra, đặt trang trọng lên kiệu để rước quanh làng.

Ông Đỗ Xuân Đạo, thủ từ đền Quần Thanh là người được dân làng tín nhiệm giao trông coi đền và gìn giữ các sắc phong này.

Sau khi dâng nén hương xin phép vị thành hoàng, ông Nguyễn Xuân Đống (86 tuổi), trưởng làng Quần Thanh cùng một số vị cao niên mới lấy “báu vật” của làng ra cho khách xem, ghi hình. Khi đưa hộp gỗ ra sân đền, người bê tráp phải nâng cao ngang đầu.

Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng - 2
Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng - 3
Các cụ cao niên trong làng giới thiệu những báu vật của làng.

Các bản sắc phong được cất giữ trang trọng trong tráp hình chữ nhật với sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn rồng phượng. Các bản sắc phong bằng giấy còn được cuộn tròn vừa vặn trong các ống nứa hình tròn.

Mỗi bản sắc phong thuộc các thời đại khác nhau nên hoa văn có nhiều sự khác biệt; kích thước các bản sắc cũng không đồng nhất, chiều dài từ 1,3 đến 1,5m, rộng chừng 50 cm.

Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng những dòng chữ Hán màu đen trên bản giấy vẫn còn hiện rõ. Dấu triện đỏ của các triều đình phong kiến, những hoa văn vẫn còn nguyên.

Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng - 4
Một sắc phong còn nguyên vẹn.

Căn cứ nội dung các bản dịch, các sắc phong này có từ thời Hậu Lê đến triều Nguyễn. Bản sắc cổ nhất được ghi nhận từ thời vua Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), và bản mới nhất được ban tặng vào thời vua Khải Định năm thứ 2 (1917).

Qua các thông tin dịch 12 đạo sắc phong của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, tướng Trần Huệ đã cùng Trần Khát Chân diệt giặc ngoại xâm Chế Bồng Nga (vua nước Chăm Pa) để ngăn họa ngoại xâm. Cuối thời Trần, đầu thời nhà Hồ, ngài phụ trách trông coi phòng tuyến sông Hoàng để bảo vệ vùng Na Sơn (Núi Nưa).

Đền thờ thành hoàng làng Quần Thanh là “Tối linh từ” thờ vị thần được các triều đại phong kiến sau này phong là: “Diên hy Quảng thí - Dực bảo Trung hưng - Đại sĩ Đại vương - Thượng đẳng thần”.

Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng - 5
Trải qua hàng trăm năm, các hoa văn, triện và chữ...còn rõ.

Thành hoàng làng Quần Thanh là người có công lao khai sinh tạo lập xóm làng, dẫn dắt dân làm ăn, giúp đỡ dân lúc đói kém, gây dựng thuần phong, mỹ tục. Sau khi ngài mất, nhân dân nhớ công ơn đã góp tiền của lập đền thờ.

Theo các vị cao niên trong làng và các tài liệu cho biết, đền Quần Thanh được xây dựng từ hàng trăm năm trước với những cột gỗ lim lớn hơn một người ôm. Sau nhiều lần tôn tạo, năm 1962, đền bị phá lấy gỗ làm trường học.

Dân làng phải bí mật mang 12 đạo sắc và những đồ thờ quý đi cất giấu. Người có công trong việc bảo tồn các hiện vật quý trong giai đoạn này là ông Đỗ Xuân Thông khi đưa các hiện vật về nhà mình để bảo vệ trong nhiều năm.  

Nơi gìn giữ những “báu vật” của làng - 6
Với dân làng Quần Thanh, những sắc phong cổ này như là những báu vật của làng.

Vào các năm 2000 và 2016, đền tiếp tục được tôn tạo khang trang như ngày nay và sau đó được công nhận Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Đây chính là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, nơi phát thưởng khuyến học khuyến tài, động viên khích lệ lẫn nhau xây dựng đời sống văn minh, phồn vinh ở địa phương.

Vào dịp mùng 10 tháng Giêng hàng năm, lễ hội làng Quần Thanh lại diễn ra để tưởng nhớ vị thần hoàng làng.

Duy Tuyên