Việt Nam thân thương:

Nơi ấy cánh đồng thơm rơm

(Dân trí) - Tôi thích đi trên cánh đồng đã gặt xong, chợt thấy mình thanh thản lạ lùng và ngêu ngao câu hát: “Đời sao yên vắng, như đồng lúa gặt xong”. Từng đàn vịt đi tìm những hạt lúa sót trên cánh đồng thơm rơm như tìm kiếm từng hạt ngọc không thể đánh rơi!

(Ảnh: phuot.vn)


(Ảnh: phuot.vn)

Nếu ai hỏi trong những mùi hương tôi thích mùi gì? Tôi sẽ trả lời không đắn đo là mùi… rơm.

Quê tôi nằm trên một cù lao bao bọc bởi hai dòng sông, hai dòng sông mang trong mình văn hóa và lịch sử: sông Thạch Hãn và sông Hiếu. Nghề làm nông ở đâu cũng có những nỗi vất vả, cơ cực khác nhau mà cơ cực để đủ ăn, đủ mặc thì chẳng nói làm chi, còn quê tôi luôn thiếu đói vì ruộng chỉ làm được một vụ, đến mùa nước lợ không làm gì được, ruộng chuyển qua trồng rau, đậu, cà…

Trong ký ức tuổi thơ của một đứa trẻ, nhà tôi ở cuối làng, nằm sát bên cánh đồng, trước mặt là dòng sông trong xanh. Tôi thường được mẹ đưa đi đồng, cánh đồng lúa chín vàng thơm sữa đến kỳ lạ, men theo bờ đê cỏ xanh rì còn đẫm ướt giọt sương đêm, tôi thả dép đi chân, bàn chân mát rượi, gió từ ngoài sông thổi vào tạo nên những lớp sóng lúa trên cánh đồng.

Mẹ bảo: “Hạt lúa chắc thì quả trĩu xuống, hạt lúa lép thì ngẩng lên trời”, tôi mong sao cả cánh đồng lúa đều trĩu xuống.Còn bà tôi thường bảo hạt lúa phải một nắng hai sương, từ gieo cấy đến trổ bông, gặt rồi phơi là một quá trình đầy mồ hôi và nước mắt.

Nước mắt của bà con nhà nông là khi lúa chín vàng trên đồng, bội thu mà chưa kịp gặt, nước về ngập úng dài ngày, hạt nảy mầm, hạt theo nước cuốn đi; là lúc hạt lúa đã đưa về nhà, lụt cao nước dâng, không có chỗ cất giữ cũng bị ướt... Nói chung có trăm ngàn thứ khổ mà tạo hóa đã cày xới trên lưng người nông dân.

Cho nên mỗi lúc ăn cơm khi tôi vụng về để rơi vương vãi, mẹ thường nhặt lên để cho mèo, chó chứ không được bỏ đi. Còn bà mỗi lầndỗ em tôi ngủ thường ru: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”...

Nghe bà kể ba mẹ lấy nhau cũng nhờ những lần đi tát nước, đi làm cỏ dại. Khi đất nước thống nhất ba trở về quê, ruộng đồng bị quân giặc cày xới, cái đói cái khổ ập đến từng nhà nhưng ai cũng phấn khởi ra sức sản xuất vì đã chiến thắng kẻ thù!

Cũng như những người dân trong làng, tay ba vẫn cày, cuốc thật dẻo sau những năm cầm súng, ba gặp mẹ trên đồng đầy rẫy những hố bom sâu, dường như hai người tìm thấy mùi thơm của quê hương, mùi thơm của rơm rạ trong những giọt mồ hôi.Những hình ảnh để cuối cùng có được hạt lúa, hạt cơm sẽ theo họ đi suốt cuộc đời…

Tôi thích đi trên những cánh đồng đã gặt xong, chợt thấy mình thanh thản đến lạ lùng và rêu rao câu hát của Trịnh “đời sao yên vắng, như đồng lúa gặt xong”. Rồi từng đàn vịt đi tìm những hạt lúa sót trên cánh đồng thơm rơm, như chui rúc tìm kiếm từng hạt ngọc không thể đánh rơi được kết tinh từ mồ hôi, nước mắt!

Khi mùa gặt đã xong, rơm được trải dài và phơi trên những con đường làng, những đứa trẻ tinh nghịch lăn dài, rúc mình vào hương rơm dù tối về thấy xót nhưng đứa nào cũng muốn. Rơm được chất thành từng đống để đưa về nhà nhóm lửa, phần còn lại để trên đồng gần đến mùa gieo lại thì đốt làm phân nuôi dưỡng những mầm non mới!

Lớn lên tôi đi học và công tác xa, mỗi lần về làng tôi chọn đúng mùa gặt. Mùi thơm của rơm làm sống dậy tuổi thơ ngày nào, tôi dạo chơi trên cánh đồng chỉ còn lại rạ, lại thấy những đàn cò, đàn vịt đi tìm những hạt lúa sót! Rồi được bà nhóm bếp bằng lửa rơm để nướng củ khoai, củ sắn, mùi khói cay mắt, xanh lam trên nền trời bình yên.

Để rồi theo chuyến đò ngang tôi qua sông về lại thành phố, mang theo mùi thơm của rơm, của rạ, của đôi mắt mẹ, bàn tay bà… Và đến mỗi khi nằm ốm li bì hoặc những lúc cuộc đời sóng gió, nhớ về nơi ấy có cánh đồng thơm rơm.

Tốn Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm