Ninh Bình: Phát hiện mộ gạch nghi từ thế kỷ III sau Công nguyên
(Dân trí) - Trong khi đào móng xây thêm phòng học tại khuôn viên trường Tiểu học Gia Thủy ở Ninh Bình, công nhân điều khiển máy xúc đã làm phát lộ một kiến trúc mộ gạch nghi từ thế kỷ III sau Công nguyên.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, mới đây trong khi đào móng xây dựng thêm phòng học trong khuôn viên trường Tiểu học xã Gia Thủy, công nhân điều khiển máy xúc đã làm phát lộ một kiến trúc gạch cổ.
Sau khi phát hiện, người dân đã thông báo đến các cấp chính quyền và ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình. Sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình đã tổ chức đoàn công tác đến khảo sát hiện trường di tích và có đánh giá, khả năng đây là công trình kiến trúc mộ gạch xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ X, xây kiểu cuốn vòm, trong lòng thông thủy…
Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã ban hành quyết định giao Bảo tàng tỉnh Ninh Bình chủ trì, tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp kiến trúc gạch ở trường Tiểu học Gia Thủy. Đoàn khai quật có các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Ninh Bình, Viện Khảo cổ học và Viện Sử học.
Quá trình khai quật, đoàn công tác xác định: Mộ gạch có kiến trúc hình chữ nhật, mái vòm, hướng Bắc – Nam, cửa mộ hướng Bắc; lòng mộ chia thành 2 gian tiền thất và hậu thất. Ngôi mộ này đã nhiều lần bị dân đào đồ cổ xâm phạm, quá trình xây dựng trường Tiểu học Gia Thủy trước đây cũng đã phạm vào một phần của hậu thất ngôi mộ.
Tổng quan ngôi mộ được xây dựng bằng gạch bìa với hai loại chính là gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi. Các viên gạch hình chữ nhật đều có trang trí hoa văn dọc theo một cạnh chiều dày viên gạch. Các viên gạch múi bưởi đa phần có trang trí hoa văn dọc theo một cạnh mỏng hơn của viên gạch.
Người xưa đã xếp gạch theo dạng bên dưới hình cũi chữ nhật, bên trên cuốn vòm. Những viên gạch chữ nhật được dùng để lát nền và xây tường dưới. Gạch hình múi bưởi được sử dụng để xây cuốn vòm mộ.
Bên trong mộ, đoàn khai quật đã phát hiện các đồ tùy táng gồm: Trong lòng tiền thất xuất lộ 6 hiện vật (1 chậu đồng mủn nát, 1 đĩa đất nung, 4 vò gốm men xương màu trắng ngà); Vị trí gần cửa vào hậu thất xuất lộ 1 gương đồng có đường kính 11,5cm, còn rất tốt với mặt gương ngoài patin màu xanh bóng, mặt dưới có hoa văn tinh xảo, ở giữ là núm hình cầu nổi cao, băng chính rộng trang trí 4 con vật, trong đó có 1 con vật giống hình chim lạc trên trống đồng Đông Sơn.
Đặc biệt, trong lòng mộ đã tìm thấy 3 hạt chuỗi: Hạt chuỗi bằng vàng có dạng hình cầu đường kính 4,5mm, lỗ xuyên chính giữa có đường kính 1mm, mặt ngoài có trang trí các vân song song chạy vòng quanh thân; Hạt chuỗi thứ 2 đá ngọc màu xanh dương nhạt có hình dạng nhiều cạnh dài 0,7cm rộng 0,5cm lỗ xuyên đường kính 1mm; Hạt chuỗi thứ 3 làm bằng đá ngọc màu xanh dương nhạt có nhiều cạnh gần giống hình lục lăng, dài 0,7cm, rộng 0,7cm, lỗ xuyên qua có đường kính 1,5cm.
Các chuyên gia kết luận sơ bộ, niên đại ngôi mộ và đồ tùy táng đã thu thập có thể bước đầu nhận định, mộ có niên đại thế kỷ III sau Công nguyên. Căn cứ vào kích thước của gò, quách mộ và đồ tùy táng còn lại có thể dự đoán được chủ nhân của hai ngôi mộ này là quan lại cấp cao trong xã hội đương thời.
Khu mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của vùng đất nơi đây. Bảo tàng Ninh Bình đề xuất các phương án, sẽ di rời toàn bộ ngôi mộ về bảo tàng và lắp ghép lại thành nơi trưng bày riêng hoặc lựa chọn một số viên gạch tiêu biểu với hoa văn sắc hay một đoạn trụ gạch cùng các hiện vật phát hiện trong lòng mộ đưa về bảo quản trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Phó Chủ tịch xã Gia Thủy chia sẻ thêm, khi phát hiện mộ gạch cổ, nhiều người dân đồn đoán là mộ vua Đinh Tiên Hoàng vì mộ có nhiều chứng tích huyền thoại gắn liền với vùng đất được ghi nhận trong các câu truyện truyền miệng dân gian rằng nơi đây là quê ngoại vua Đinh Tiên Hoàng. Nơi phát hiện mộ cũng gần với đền thờ và miếu thờ vua Đinh tại địa phương.
“Kết quả khai quật đã làm rõ được những tin đoàn đoán gây hoang mang dự luận. Chính quyền xã mong muốn, cơ quan chức năng có thẩm quyền sau khi tiếp tục khai quật các điểm tiếp theo trong sân trường Tiểu học Gia Thủy, nhanh chóng có phương án xử lý các di tích để có hướng thi công công trình mở rộng phòng học cho nhà trường” – ông Đức nói.
Thái Bá