Niềm tự tôn dân tộc từ “Lễ khao lề thế lính”

(Dân trí)- Lễ Khao lề Thế lính là lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn và ý chí của người xưa đã ra khơi tìm kiếm hải vật và cắm mốc hải phận quốc gia mà nhiều khi có đi mà không có về.

Trong thời kỳ Nhà Nguyễn, cha ông ta không chỉ mở mang bờ cõi trên bộ về phía Nam, mà còn nghĩ tới mở rộng biên giới ra hướng biển. Minh chứng cho việc này là Triều đình đã ra nhiều chiếu chỉ cho ngư dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thực hiện việc đi biển tìm kiếm sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo trên. Do tính chất nguy hiểm của những chuyến đi biển thời gian đó, mà gần 200 năm nay, tại đảo Lý Sơn đã hình thành một nghi lễ hết sức độc đáo - Lễ Khao lề Thế lính.

Lễ Khao lề Thế lính là lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn và ý chí của người xưa đã ra khơi tìm kiếm hải vật và cắm mốc hải phận quốc gia mà nhiều khi có đi mà không có về. Lễ hội này được tổ chức hàng năm từ ngày 16 - 18.3 (âm lịch). Có tài liệu nói, lễ hội này kéo dài tới 10 ngày.
 
Niềm tự tôn dân tộc từ “Lễ khao lề thế lính”

Lễ Khao lề Thế lính được chia thành hai phần: Khao lề và Tế thế lính. Khao lề là bữa tiệc người dân Lý Sơn tổ chức để tiễn các hùng binh Hoàng Sa trước ngày họ ra khơi; còn Tế thế là hoạt động chuyển giao sau mỗi năm. Dù đoàn hùng binh năm trước có trở về hay mất tích, thì các tráng binh Lý Sơn vẫn lập ra một đội hùng binh mới thay thế.

Tối hôm trước là Khao lề, bữa sáng hôm sau là Tế thế. Hai hoạt động này là một nghi lễ tế sống những anh hùng sẽ dong buồm ra khơi với bao nhiêu thách thức, hiểm nguy chờ họ ở phía trước.

Tầm nhìn của cha ông ta hướng ra biển từ mấy trăm năm nay có thể nói là hết sức chiến lược, khi thế kỷ XXI được thế giới coi là thế kỷ đại dương. Các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có biển đều xây dựng chiến lược hướng ra biển vì tài nguyên trên đất liền đang cạn kiệt, trong khi đó, nguồn tài nguyên biển (thuỷ, hải sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy...), nguồn lợi từ giao thông vận tải biển... còn nhiều tiềm năng. Và chính tiềm năng to lớn và vị trí địa - chiến lược quan trọng của biển đã làm cho việc tranh chấp, khẳng định chủ quyền ở các vùng biển khác nhau (trong đó có Biển Đông) càng trở thành vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế.
 
Niềm tự tôn dân tộc từ “Lễ khao lề thế lính”

Gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành thêm hàng loạt văn bản hết sức quan trong như: Nghị quyết số 09/TW, ngày 9.2.2007 của Hội nghị Trung ương IV (khoá X) về Chiến lược Biển Việt Nam tới năm 2020; Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30.5.2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09/TW; Quyết định số 373/QĐ-TTg , ngày 23.3.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” ; Quốc hội Khoá XIII cũng đã thông qua Luật Biển ngày 21/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đảng và Nhà nước cũng có chủ trương hiện đại hoá không quân, hải quân... nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Qua các văn bản, chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước cho thấy tầm quan trọng của biển trong không gian sinh tồn quốc gia và việc khai thác nguồn lợi biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trọng tâm, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân…

Hiện nay, ở hầu hết các Bộ, Ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đều có ngày truyền thống (ngày thành lập), như Ngày Biên phòng toàn dân, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Thương gia Việt Nam, Ngày Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Ngày vì người nghèo...

Với tầm quan trọng của biển, đảo và nêu cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thiết nghĩ nên hay không việc chúng ta có thêm Ngày Bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia?
 
Niềm tự tôn dân tộc từ “Lễ khao lề thế lính”

Ngày này sẽ tuyên truyền, giáo dục vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong chiến lược phát triển quốc gia ; xây dựng ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thêm nữa, đó sẽ là ngày tôn vinh những người con đất Việt đã bất chấp hiểm nguy, không tiếc xương máu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia thời bình cũng như thời chiến, ở các giai đoạn lịch sử khác nhau .

Tôn vinh những cá nhân, tập thể (cả trong và ngoài nước) đã đóng góp tinh thần, trí tuệ, tài chính cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ủng hộ Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên biển. Đó cũng là ngày huy động tiềm lực của toàn xã hội, đồng bào ta ở nước ngoài, cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia...

Để kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, nên chăng lấy ngày 16.3 (âm lịch) hàng năm - ngày Khao lề Thế lính của nhân dân huyện đảo Lý Sơn là Ngày Bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia ?

Thiếu tướng Từ Linh
Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin KHQS/BQP