Những vần thơ, câu hát gửi trái tim mình đến Trường Sa

(Dân trí) - “Biển giấu các con mẹ ở đâu, ở đâu/ Để người bạc đầu thay sóng/Những bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió/ Hàng đêm gối đầu lên nỗi nhớ”

Những vần thơ của nhà thơ Lê Tú Lệ trong bài “Những bà mẹ Gạc Ma” được nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đau đáu tim người hướng về Gạc Ma, về quần đảo Trường Sa trong những ngày tháng ba lịch sử

14/3/1988 - 14/3/2015, 27 năm đã trôi qua nhưng  lặng lẽ nước mắt mẹ cha vẫn nhớ con, những trái tim đồng đội, và triệu triệu tấm lòng luôn hướng về những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma bi hùng trong trang sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Những vần thơ, câu hát gửi trái tim mình đến Trường Sa

 Mẹ của liệt sỹ Phan Văn Sự - một trong 64 liệt sỹ hy sinh trong trận Gạc Ma 1988 vẫn giữ tấm áo Hải quân của con

Dân trí trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những bài thơ, trong đó có những bài thơ đã được phổ nhạc, của các văn nghệ sĩ sau những chuyến đi về với biển đảo Trường Sa trong dòng cảm xúc “Tâm nhang kính cẩn xếp hàng” (trích ca khúc “Lễ thả hoa đăng ở biển Đông”) tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đảo máu thịt của Tổ quốc.

Những bà mẹ Gạc Ma

(Thơ: Lê Tú Lệ - nhạc: Phạm Minh Tuấn)

Đất liền chiều nay trời có mưa không

Sao biển Trường Sa đong đầy nước

Con thay mẹ ra thăm anh

Thay mẹ gởi hoa cho sóng

Thay mẹ xoa mềm đá khóc

Chẳng thể nào cất đỡ mẹ gánh đau

 

Khánh Hòa, Quảng Nam chiều nay trời có dông không

Mà lòng người nổi bão

Biển sâu thế nỗi buồn sâu hơn biển

Hai mươi bốn năm rồi

Những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa

Đêm dầy thêm mỗi ngày

Nhớ đầy thêm mỗi khắc

Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi

 

Biển giấu các con mẹ ở đâu ở đâu

Để người bạc đầu thay sóng

Những bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió

Hằng đêm gối đầu lên nỗi nhớ

 

Lạy trời

Anh về…

 

Lễ thả hoa đăng trên biển Đông

(Thơ: Đặng Vương Hưng - nhạc: Trịnh Thùy Mỹ)

Này vòng hoa trắng tinh khôi

Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng

Tâm nhang kính cẩn xếp hàng

Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho

 

Nơi đây đảo rất xa bờ

Những hồn lính biển bây giờ ở đâu?

Hải âu bay, sóng bạc đầu

Cuối trời quê mẹ trắng mầu mây giăng

 

Trời cao ơi! Có nghe chăng?

Biển sâu ơi! Hãy nhớ rằng đảo xa

Những linh hồn lính Gạc Ma

Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời…

 

Trang sử của Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân còn ghi lại,  6h sáng 14/3/1988, lực lượng vũ trang của đối phương xông vào. Cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương, kết thành vòng tròn, kiên quyết bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc.

Đôi bên giằng co quyết liệt. Đối phương nổ súng, bắn vào thiếu úy Phương. Thiếu úy Phương ngã xuống. Vừa lúc ấy, binh nhất Nguyễn Văn Lanh  xông lên. Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay một chỉ huy của đối phương, thì một lính khác của đối phương đã dùng lưỡi lê sắc nhọn đâm vào Lanh từ phía sau. Lanh gục xuống, máu chảy nhuộm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc. Lanh bị thương nhưng lá cờ của Tổ quốc trên đảo không đổ. Trước sự kiên cường của chiến sĩ ta, đối phương rời đảo.

Rút về tàu chiến, đối phương nổ súng vào các cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đang bám giữ đảo và cả tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đang ở đó. Tàu HQ-604 chìm trong lòng biển. Sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 lịch sử, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đã anh dũng hy sinh.

(ghi theo lời Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó Chỉ huy về chính trị công binh E83)

Tâm An