Những tư liệu quý giá về Tướng Giáp
(Dân trí) - Cùng nhìn lại những hình ảnh tư liệu quý giá về Tướng Giáp để thêm một lần cúi mình trước linh cữu vị tướng tài ba của dân tộc Việt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại trong lịch sử quân sự Việt Nam, nhân vật kiệt xuất có công lớn trong việc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ra khỏi biên giới Việt Nam đã qua đời ở tuổi 103. Ra đi ở tuổi bách niên giai lão, Đại tướng là nhân vật lịch sử sống thọ nhất so với những bạn chiến đấu khác. (Ảnh AFP)
Cách đây 3 năm, nhân dịp Đại tướng mừng thọ 100 tuổi, rất nhiều báo chí quốc tế đã đăng tin về sự kiện này, trong đó từ Sydney Morning Herald của Úc có một tít báo thật đặc biệt - “Vị anh hùng của dân tộc Việt Nam vẫn không thể bị đánh bại ở tuổi 100”.
Tối 4/10, khi tin tức về sự ra đi của Đại tướng bắt đầu được phía Việt Nam đăng tải, ngay lập tức các hãng tin lớn của báo chí thế giới cũng đồng loạt đưa tin. Họ đều dành những ngôn từ đẹp nhất để nói về vị anh hùng của lịch sử quân sự Việt Nam.
Các bài báo đưa tin về sự ra đi của Đại tướng đều ca ngợi ông là một vị tướng tài ba, lỗi lạc, đã sử dụng khéo léo, tài tình chiến lược chiến tranh du kích và thế trận lòng dân, đem lại chiến thắng quân sự thần kỳ, đánh bại những thế lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, góp phần đưa cái tên Việt Nam vào trang sử của nhân loại.
Bức ảnh được chụp ngày 22/12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) đang đọc mệnh lệnh quân sự đầu tiên trước Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại buổi lễ thành lập đội, được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 9/1945, sau khi Cách mạng Tháng 8 diễn ra thành công rực rỡ. (Ảnh: AP)
Ông là người đã dẫn dắt quân đội Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ cùng chính quyền bù nhìn tay sai Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975, đem lại hòa bình, độc lập toàn vẹn cho dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) tại một cuộc họp về vấn đề chiến tranh Đông Dương năm 1946. (Ảnh: TTXVN)
Bữa cơm thời chiến ở chân đèo Re, Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh chụp tháng 10/1948. Trong ảnh là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh (bên phải Bác), Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (bên trái Bác) và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Lê Đức Thọ. (Ảnh: Lao động)
Năm 37 tuổi (1948), Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại bàn làm việc ở chiến khu Việt Bắc năm 1949. (Ảnh: Lao động)
Một khoảnh khắc thân thương, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dân tộc với tác phong sinh hoạt vô cùng bình dị. Trong một lúc nghỉ trưa ven đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950, hai bác cháu tranh thủ bàn bạc công chuyện. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: Lao động)
Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công. Ảnh chụp ngày 13/5/1954. (Ảnh: Lao động)
Bức ảnh được chụp ngày 22/5/1954, lúc này đại tướng 43 tuổi, ông đang dẫn dắt lực lượng Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội thể dục thể thao quân đội tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội năm 1959. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965. (Ảnh: Lao động)
Bức ảnh chụp ngày 15/2/1968 ghi lại chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tuổi 57. (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng thăm thương bệnh binh ở Viện Quân y 108 nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 1969. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính nói chuyện tại một lán rừng ở Trường Sơn tháng 3/1973. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng đi thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa - đơn vị đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2/9/1973. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế tháng 4/1976. (Ảnh: Lao động)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay thân mật Chủ tịch Cuba - Fidel Castro trong chuyến thăm Cuba. Đại tướng và ngài Fidel là những người bạn cùng chung lý tưởng, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ chí tình chí nghĩa từ Cuba trong quá trình dốc toàn lực giải phóng miền Nam. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tướng ôn lại những kỷ niệm về sự kiện lịch sử này. Ông giải thích tại sao ngày đó lực lượng quân đội non trẻ của Việt Nam lại có thể đánh thắng quân đội thực dân sừng sỏ của Pháp. Chiến thắng lịch sử đã tạo đà để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc. Ngay sau đó, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ chiến đấu mới khi Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự tại Việt Nam. Ảnh chụp ngày 14/5/1984. (Ảnh: AFP)
Hai con người từng ở hai chiến tuyến - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara gặp gỡ và trò chuyện tại Hà Nội vào ngày 23/6/1997. (Ảnh: AP)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cuộc gặp mặt với báo chí thế giới được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/4/2004. (Ảnh: EFE)
Trong bức ảnh chụp ngày 18/4/2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống trong trận Điện Biên Phủ thần thánh tại đài tưởng niệm đặt trong nghĩa trang Điện Biên Phủ. (Ảnh: AP).
Vị tướng huyền thoại tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày ông trở thành đại tướng đầu tiên của quân đội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh chụp ngày 28/5/2008, lúc này đại tướng 97 tuổi (Ảnh: AFP).
Bích Ngọc
Tổng hợp