Những tộc người sắp... “biến mất vĩnh viễn”
(Dân trí) - Một nhiếp ảnh gia đã mất 3 năm để chụp những bức ảnh về các bộ tộc ít người trên khắp thế giới trước khi họ… “biến mất vĩnh viễn”.
Trong 3 năm, nhiếp ảnh gia Jimmy Nelson đã tới những nơi hẻo lánh nhất thế giới để thăm 35 bộ lạc thổ dân sinh sống trên 5 lục địa. Sau khi thực hiện chuyến hành trình ý nghĩa này, nhiếp ảnh gia người Anh Jimmy Nelson sẽ cho ra mắt cuốn sách ảnh “Before They Pass Away” (Trước khi họ biến mất).
Cuốn sách đối với Nelson là một bộ sưu tập những khuôn hình đẹp về những nền văn hóa cổ xưa, giờ tồn tại mong manh “như ngọn nến trước gió” bởi tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa đã gần như không bỏ sót một vùng đất nào.
Sớm muộn những con người này sẽ hòa nhập vào cuộc sống “văn minh hiện đại” và những nét văn hóa truyền thống thuần chất của họ sẽ bị phai nhạt hoặc lai tạp. Vì vậy, đối với Jimmy, những bức hình này không chỉ là các tác phẩm nhiếp ảnh mà còn là dữ liệu văn hóa - lịch sử.
Người Tsaatan sống ở miền Bắc Mông Cổ - một bộ lạc du mục. Cuộc sống và sinh hoạt của họ có mối liên hệ chặt chẽ với loài tuần lộc. Sinh sống trong những cánh rừng taiga hẻo lánh và lạnh lẽo (nhiệt độ có khi xuống -50°C), người Tsaatan tồn tại nhờ chăn thả tuần lộc.
Trong suốt hàng ngàn năm, người Tsaatan đã quen với việc sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng núi, họ di chuyển liên tục, nhà của họ là những căn lều dựng tạm.
Người Kazakh sinh sống ở khu vực Bắc Trung Á (gồm các nước Kazakhstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Nga, Mông Cổ). Trong hơn 200 năm qua, những người đàn ông Kazakh kiếm ăn bằng cách săn bắn trên lưng ngựa. Người đồng hành trung thành và hiệu quả của họ là những con đại bàng lông vàng đã được thuần dưỡng.
Người Kazakh sống ở Mông Cổ. Trong hơn 200 năm qua, những người đàn ông Kazakh sinh sống và kiếm ăn bằng cách săn bắn trên lưng ngựa. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi rất giỏi, thường chăn thả những đàn gia súc lớn trên thảo nguyên.
Người Mursi là một tộc người du mục, sinh sống bằng nghề chăn thả gia súc ở đất nước Ethiopia (thuộc Châu Phi).
Những đứa bé trong bộ tộc Mursi.
Cuộc sống của người Mursi không thay đổi nhiều trong suốt hàng trăm năm qua. Họ sống rất đơn giản: đàn ông săn bắn, phụ nữ hái lượm, chăn nuôi gia súc và trồng cao lương.
Phụ nữ người Mursi có tục lệ kéo môi, theo đó, từ khi còn nhỏ, môi dưới của họ đã bị… khoét, sau đó, họ nhét vào một chiếc đĩa gốm nhỏ, dần dần, kích cỡ chiếc đĩa được nâng lên. Hiện giờ, người Mursi là một trong những bộ tộc cuối cùng trên thế giới còn duy trì tục lệ này. Những cô gái trẻ người Mursi giờ đây đã không còn thực hiện tục lệ này nữa.
Người Omo cho đến nay vẫn theo tôn giáo vật linh, họ thờ những hòn đá, gốc cây và tin rằng những vật linh này có linh hồn trú ngụ.
Người Huli nổi tiếng với những món đồ trang trí ở đầu, được làm từ chính tóc của họ. Người Huli sinh sống nhiều ở đất nước Papua New Guinea (thuộc Châu Đại Dương).
Người Gauchos ở Argentina là một bộ tộc du mục, họ sống trên lưng ngựa, rong ruổi khắp các thảo nguyên. Bộ tộc Gauchos bắt đầu hình thành từ thế kỷ 18.
Người Gaucho nổi tiếng với lối sống tự do, phóng khoáng. Những người đàn ông Gaucho giỏi săn bắn, chiến đấu thiện xạ và cũng rất lãng mạn, họ biết chơi đàn và ca hát.
Người Lo sinh sống ở vương quốc Mustang, một vương quốc nhỏ nằm trên cao nguyên Thanh Tạng, giáp với Nepal, Tây Tạng. Vùng cao này có khí hậu rất khắc nghiệt. Giờ đây, Mustang là một trong những “thành trì” cuối cùng của nền văn hóa thuần Tây Tạng. Người Lo theo đạo Phật, họ rất sùng đạo, việc cầu nguyện hằng ngày và những lễ hội tôn giáo đã tạo thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.
Người Lo cho đến nay vẫn duy trì cách thức tổ chức gia đình theo kiểu truyền thống: người con trai trưởng có quyền thừa kế tất cả tài sản, người con trai thứ sẽ được gia đình đem tặng cho các tu viện khi đứa trẻ được 6-7 tuổi.
Nhiếp ảnh gia Jimmy Nelson hy vọng với cuốn sách ảnh “Trước khi họ biến mất”, thế giới sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn cho những bộ tộc thiểu số cuối cùng còn sót lại. Những bộ tộc này cần phải được giúp đỡ để có cuộc sống ổn định hơn nhưng đồng thời họ cũng phải được bảo vệ để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của mình.
Nhiếp ảnh gia Jimmy Nelson chia sẻ: “Dự án nhiếp ảnh của tôi nhằm mục đích nhấn mạnh cá tính văn hóa của những bộ tộc ít người. Trong mắt những con người hiện đại, đây là những con người lạc hậu, kém phát triển nhưng thực sự họ đang nắm giữ những giá trị quý báu mà thế giới này hầu như đã đánh mất cùng với những cuộc công nghiệp hóa”.
Thế giới này đang thay đổi từng ngày, không ai có thể ngăn quá trình hiện đại hóa đó chạm tới những vùng quê dù xa xôi, hẻo lánh nhất nhưng Jimmy Nelson hy vọng những nền văn minh tiên tiến sẽ biết cách trân trọng, bảo vệ những nền văn minh cổ hiếm hoi còn sót lại.
Người Maori sinh sống ở New Zealand từ thế kỷ 13, họ nổi tiếng là bộ tộc gan dạ và thông minh.
Một cô gái người Maori ở New Zealand.
Người Chukchi là một tộc người cổ sống ở vùng Bắc Cực, thuộc bán đảo Chukotka của Nga. Họ có hai nhóm chính: nhóm sống du mục, chuyên chăn thả tuần lộc, được gọi là Chauchu; nhóm chuyên đi săn các loài động vật biển, sống dọc bờ Bắc Băng Dương, biển Chukchi và biển Bering, được gọi là Ankalyn.
Tộc người Himba bắt đầu tồn tại từ thế kỷ 16, họ sinh sống dọc con sông Kunene ở miền Tây Bắc Namibia và miền Tây Nam Angola.
Dù đã được hưởng những thành tựu của nền văn minh hiện đại như điện lưới, nước sạch nhưng người Himba vẫn tiếp tục duy trì tốt những nét văn hóa truyền thống của mình.
Những người phụ nữ Himba đi bộ trên sa mạc Namib. Họ thường bôi một hợp chất được tạo thành từ bơ động vật và đất hoàng thổ lên da để bảo vệ da khỏi cái nắng bỏng cháy của sa mạc.
Người Ladakh sống ở vùng núi cao giữa dãy Himalaya và Karakoram thuộc miền Bắc Ấn Độ. Người Ladakh có nhiều nét tương đồng về tôn giáo với người Tây Tạng.
Đối với những bộ tộc mà Jimmy Nelson đã tới thăm, anh nhận thấy rằng dù họ có sự khác biệt về tôn giáo, trang phục, lối sống nhưng điểm tương đồng cũng rất nhiều: “Những người trong cùng một bộ tộc luôn biết đoàn kết với nhau, họ phân chia công việc rõ ràng. Người già vì cả cuộc đời đã lao động nên được nghỉ ngơi và nhận được sự tôn trọng của cả bộ tộc. Những người trẻ sống với nhau thân tình. Họ thực sự là những con người tử tế”.
Là một nhiếp ảnh gia từng có những năm tháng tuổi thơ sinh sống ở 3 châu lục - Á, Mỹ, Phi, nhiếp ảnh gia người Anh Jimmy Nelson dễ dàng có được sự thấu hiểu đối với những nền văn hóa xa lạ mà anh tiếp cận.
Jimmy Nelson đã hứa với những người đồng ý xuất hiện trong cuốn sách ảnh này rằng, khi nào sách ra mắt, anh sẽ mang sách đến cho họ được xem hình ảnh in màu trên giấy trông sẽ thế nào. Giờ đây, khi cuốn sách đã được xuất bản, Nelson chuẩn bị thực hiện chuyến hành trình quay lại như đã hứa.
Người Maasai sống ở miền Nam Kenya và miền Bắc Tanzania - những nơi rất khô cằn. Họ sống du mục, tìm đến những nơi có nguồn nước dồi dào để chăn thả gia súc và sinh sống một thời gian rồi lại chuyển đi khi nước đã cạn.
Người Maasai đo độ giàu có của một gia đình bằng số lượng gia súc mà họ có.
Người Ni-Vanuatu sinh sống ở khu vực quần đảo Vanuatu gồm 83 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương.
Ở quần đảo Vanuatu có nhiều nhóm dân cư đa dạng sinh sống. Mỗi nhóm lại có ngôn ngữ riêng, phong tục tập quán riêng. Theo thống kê, ở đây có tới hơn 100 ngôn ngữ.
Người Ni-Vanuatu có những cách bắt cá đa dạng.
Bộ tộc Dani và Yali sinh sống ở thung lũng Baliem thuộc vùng núi Jayawijaya, tỉnh Papua, Indonesia. Họ sống trên những bình nguyên có độ cao 1.600m so với mực nước biển.
Người Drokpa với dân số khoảng 2.500 người, sinh sống ở thung lũng Dha-Hanu thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ.
Người Drokpa sống ở vùng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thế giới hiện nay còn khoảng 5,5 triệu người Tây Tạng. Họ là một tộc người có nền văn hóa phát triển với lịch sử hình thành lên tới 4.000 năm.
Người đàn ông Nenet sống ở vùng Bắc Cực, thuộc khu vực Siberia của Nga. Giống như nhiều bộ tộc du mục sinh sống ở vùng cực, họ chăn thả tuần lộc.
Người Huaorani sinh sống trong rừng Amazon với số dân khoảng 2.000 người. Đất đai của họ hiện đang bị thu hẹp dần vì những công ty khai thác dầu mỏ và khai thác gỗ đã tìm đến đây.