Những phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (I)
(Dân trí) - Điện ảnh phương Tây vốn được cho là phát triển nhanh và mạnh hơn điện ảnh phương Đông, nhưng trong suốt tiến trình phát triển của mình, vẫn có những siêu phẩm điện ảnh Châu Á khiến kinh đô điện ảnh của thế giới - Hollywood - phải choáng ngợp và làm lại.
“Seven Samurai” (“Bảy võ sĩ đạo”, đạo diễn Akira Kurosawa, phim Nhật, 1954)
Làm lại: “The Magnificent Seven” (“Bảy tay súng oai hùng”, đạo diễn John Sturges, 1960)
Bộ phim điện ảnh nổi tiếng của đạo diễn Akira Kurosawa xoay quanh bảy võ sĩ đạo hành tẩu giang hồ, họ được thuê để bảo vệ những người dân thường nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ thường xuyên bị đe dọa bởi những tên thổ phỉ.
Bộ phim đen trắng đã đưa vào những chuẩn mực khắt khe của điện ảnh Nhật với rất ít lời thoại, bên cạnh đó là những màn võ thuật được thực hiện cầu kỳ.
Về sau, bảy võ sĩ samurai trong bộ phim của Nhật đã được thay thế bằng bảy tay súng trong bộ phim của Hollywood. Một phiên bản làm lại thứ hai sẽ được đạo diễn Hollywood - Antoine Fuqua - cho ra mắt vào tháng 9 năm nay.
“Yojimbo” (Đạo diễn Akira Kurosawa, phim Nhật, 1961)
Làm lại: “A Fistful of Dollars” (“Một nắm đô la”, đạo diễn Sergio Leone, 1964)
Sanjuro là một võ sĩ samurai phiêu bạt giang hồ, có lần, Sanjuro dừng chân ở một ngôi làng hẻo lánh, nơi người dân sống trong sợ hãi bởi sự hoành hành của hai băng đảng thù địch. Sanjuro quyết định sẽ triệt hạ cả hai băng đảng để đem lại sự yên bình cho người dân vô tội. Tuy vậy, kế hoạch của Sanjuro gặp khó khi thời kỳ này bắt đầu có sự xuất hiện của súng lục.
Về sau, đạo diễn Hollywood - Sergio Leone - đã lấy cảm hứng từ bộ phim này để thực hiện nên “Một nắm đô la” - bộ phim mở đầu cho bộ ba phim nổi tiếng của ông. Hai phim sau là “Thêm vài đô nữa” (For a Few Dollars More - 1965) và “Thiện, ác, tà” (The Good, the Bad and the Ugly - 1966).
Bộ ba phim kể trên của đạo diễn Sergio Leone được xem là điển hình của công thức phim “mì ăn liền” làm về đề tài miền Tây nước Mỹ.
Trong phim của Sergio Leone, nhân vật võ sĩ samurai phiêu bạt giang hồ được thay thế bằng tay súng đơn độc nay đây mai đó. Không chỉ nội dung phim “Yojimbo” khiến Sergio Leone bị mê hoặc mà cả thủ pháp nghệ thuật và triết lý nhân sinh của phim cũng tác động mạnh đến ông.
Ngoài ra, còn có một bộ phim Hollywood nữa cũng lấy cảm hứng từ “Yojimbo”, đó là “The Last Man Standing” (Tay súng cuối cùng - 1996) của đạo diễn Walter Hill.
“Godzilla” (Đạo diễn Ishiro Honda, phim Nhật, 1954)
Làm lại: “Godzilla” (Đạo diễn Roland Emmerich, 1998)
Godzilla là nhân vật kinh điển của điện ảnh Nhật và là khởi nguồn của dòng phim “kaiju” làm về những quái vật hủy diệt khổng lồ. Về mặt lịch sử, nhân vật Godzilla được sinh ra từ nỗi sợ đối với bom nguyên tử mà người Nhật đã từng phải trải qua.
Trong bộ phim gốc của Nhật, quái vật Godzilla được sinh ra bởi phóng xạ, khi đã đủ lớn mạnh, nó định hủy diệt cuộc sống loài người. Bộ phim đen trắng là một ẩn dụ về hậu họa của của năng lượng nguyên tử.
Về sau, nhân vật Godzilla đã trở thành một trong những quái vật “con cưng” của điện ảnh Hollywood. Phim của đạo diễn Roland Emmerich đã tận dụng hiệu ứng kỹ xảo và nhạc phim kịch tính, khiến tác phẩm mang nhiều tính giải trí. Điểm yếu của nhân vật Godzilla do Hollywood xây dựng là thiếu chiều sâu và diễn biến tâm lý so với phim gốc của Nhật.
“Oldboy” (“Báo thù”, đạo diễn Park Chan-wook, phim Hàn, 2003)
Làm lại: “Oldboy” (“Báo thù”, đạo diễn Spike Lee, 2013)
Bộ phim gốc xoay quanh Dae Su, một người đàn ông có cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhưng bi kịch bất ngờ ập đến khiến Dae Su mất tất cả và bỗng rơi vào cảnh giam cầm một cách bí ẩn trong suốt 15 năm. Khi bất ngờ được thả ra cũng theo cùng một cách bí ẩn như trước, Dae Su chỉ biết rằng mình cần phải trả thù.
Điều duy nhất mà người đàn ông đang chất chứa đầy thù hận này biết được một cách chắc chắn, đó là anh ta chỉ có 5 ngày để làm tất cả những gì mình muốn. Chủ đề chính của “Oldboy” là báo thù và từ đó khơi gợi lên cảm giác về sự hối hận.
“Oldboy” có rất nhiều cảnh bạo lực “hạng nặng” khiến diễn xuất của nam chính được đẩy lên cao trào đỉnh điểm. Đây là một trong những phim mang màu sắc bạo lực hiếm hoi được công nhận về mặt nghệ thuật bởi giới điện ảnh quốc tế, “Oldboy” từng được đề cử Cành Cọ Vàng và nhận về Giải thưởng Lớn ở LHP Cannes (Pháp).
Đạo diễn Spike Lee về sau đã đạo diễn lại một bộ phim tôn trọng nguyên bản với những ý tưởng và kết cấu tương tự, dù vậy, mức độ bạo lực được giảm tông.
“Infernal Affairs” (“Vô gian đạo”, đạo diễn Lưu Vĩ Cường, phim Hồng Kông, 2002)
Làm lại: “The Departed” (“Điệp vụ Boston”, đạo diễn Martin Scorsese, 2006)
Trần Vĩnh Nhân là một cảnh sát chìm thâm nhập vào thế giới tội phạm, còn Lưu Kiến Minh là một tên tội phạm nằm vùng trong tổ chức cảnh sát. Khi tổ chức xã hội đen mà cả Vĩnh Nhân và Kiến Minh đều đang phục vụ (hoặc giả vờ phục vụ) quyết định thực hiện một phi vụ lớn, hai con người này bắt đầu trở thành những đối thủ không lộ diện.
Đạo diễn Lưu Vĩ Cường đã dàn dựng một bộ phim kịch tính đỉnh cao về đề tài cảnh sát - tội phạm. Có những cảnh phim đã trở thành kinh điển trong dòng phim tội phạm xét cả về kỹ thuật dàn dựng và tính nghệ thuật của cảnh quay.
Về sau, đạo diễn tài danh Martin Scorsese đã chuyển cuộc chiến không ngơi nghỉ của hai nhân vật chính sang một bối cảnh mới - thành phố Boston. Điểm khác biệt trong phim của Martin Scorsese là tên tội phạm trùm sò trong băng đảng xã hội đen được ông xây dựng ấn tượng và có chiều sâu hơn hẳn nguyên gốc.
“Eat Drink Man Woman” (“Ẩm thực nam nữ”, đạo diễn Lý An, phim Đài Loan, 1994)
Làm lại: “Tortilla Soup” (“Súp ngô ngọt”, đạo diễn Maria Ripoli, 2001)
“Ẩm thực nam nữ” lấy bối cảnh thập niên 1990 ở Đài Bắc, Đào Loan, đầu bếp Chu tài danh một thuở nhận ra rằng những món ăn tuyệt ngon do mình chuẩn bị đã không còn đủ sức cuốn hút ba cô con gái nữa, điều đó khiến lòng tự tôn của một người cha nấu ăn giỏi như ông bị tổn thương. Với hy vọng giành lại sức hút đối với các con, ông đã lên một kế hoạch…
Lý An đạo diễn bộ phim này với tâm điểm tập trung vào đề tài gia đình, sự cô đơn và nhu cầu tìm kiếm bạn đời. Cách thức thực hiện bộ phim rất đơn giản nhưng đầy tính nghệ thuật, cộng thêm diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên.
Nữ đạo diễn Maria Ripoli đã đưa chuyện phim vào trong bối cảnh một gia đình Mỹ gốc Mexico và tạo nên một bộ phim vui vẻ, nhẹ nhàng, nhưng đầy ý nghĩa, tương tự như “Ẩm thực nam nữ”. Cả hai bộ phim đều có phần hình ảnh ẩm thực rất ấn tượng.
“A Tale of Two Sisters” (“Câu chuyện hai chị em”, đạo diễn Kim Jee-woon, phim Hàn, 2003)
Làm lại: “The Uninvited” (“Khách không mời”, đạo diễn Charles Guard - Thomas Guard, 2009)
Hai chị em Su-mi và Su-yeong chuyển đến ở tại căn nhà mới nằm ở vùng quê cùng với mẹ kế và cha đẻ. Cả hai cô bé đều không quý mến mẹ kế và đều cảm thấy đau khổ vì thiếu vắng mẹ đẻ. Mọi việc bắt đầu từ một bữa tối, sau những cãi cọ kịch liệt, Su-mi bỏ về phòng và cha của cô bé đem tới cho cô hai viên thuốc.
Kể từ đó, chuyện phim bắt đầu chuyển hướng sang dạng siêu thực kinh dị và trở thành cơn ác mộng đối với hai chị em Su-mi.
Đạo diễn Kim Jee-woon đã thực hiện bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian Hàn Quốc xoay quanh đề tài mẹ kế - con chồng. Chuyện phim đã lồng vào những yếu tố kinh dị, đặc biệt là cách phối màu trong bối cảnh góp phần đẩy cao kịch tính, nỗi sợ hãi và sự rùng rợn.
Hai anh em nhà Guard về sau đã làm lại bộ phim với ít tính mơ hồ, bí ẩn hơn phiên bản gốc khi chi tiết nhân vật Su-mi vừa trở về từ bệnh viện tâm thần được hé lộ ngay từ đầu.
“Hachiko Monogatari” (“Chú chó trung thành”, đạo diễn Seijiro Koyama, phim Nhật, 1987)
Làm lại: “Hachi: A dog’s Tale” (“Hachiko chú chó trung thành”, đạo diễn Lasse Hallstrom, 2009)
Cả hai bộ phim đều được thực hiện dựa trên một câu chuyện có thật từng xảy ra hồi năm 1932 ở thành phố Tokyo, Nhật Bản. Nhân vật chính là chú chó Hachiko luôn chờ chủ ở nhà ga vào một giờ nhất định để đón ông trở về từ nơi làm việc. Một hôm, chủ của Hachiko - giáo sư Ueno - bị đau tim và đột tử ngay tại nơi làm việc, không bao giờ còn trở về với Hachiko được nữa.
Tuy vậy, trong suốt những năm tháng sau đó, cho tới tận ngày cuối cùng trong cuộc đời, chú chó Hachiko vẫn đều đặn ra nhà ga vào một giờ quen thuộc để ngóng đợi chủ. Lòng trung thành của chú chó đã khiến người Nhật cảm động.
Sự gắn bó lúc sinh thời giữa giáo sư Ueno và chú chó Hachiko, và sau này là sự trung thành của Hachiko dành cho người chủ quá cố là nội dung chính của cả hai bộ phim.
“Il Mare” (“Người tình không chân dung”, đạo diễn Lee Hyun-seung, phim Hàn, 2000)
Làm lại: “The Lake House” (“Ngôi nhà bên hồ”, đạo diễn Alejandro Agresti, 2006)
Năm 1997, Sung-hyun chuyển tới sống ở một ngôi nhà ven biển xinh xắn, ở đây, anh nhận được một lá thư do cô gái có tên Eun-joo gửi đến. Thư nói rằng Eun-joo là chủ nhân trước của ngôi nhà và đề nghị anh chuyển cho cô một lá thư quan trọng sắp được gửi tới đây.
Thoạt tiên, Sung-hyun nghĩ đây là trò đùa bởi anh là người đầu tiên dọn vào ở ngôi nhà này và lá thư do cô Eun-joo nào đó gửi đến cho anh được viết ở thời tương lai - năm 1999. Tuy vậy, Sung-hyun vẫn quyết định hồi đáp lá thư và phát hiện ra rằng thực sự Eun-joo đang sống ở thời tương lai. Hai người họ bắt đầu liên lạc với nhau vượt thời gian…
Bộ phim làm lại do đạo diễn Alejandro Agresti thực hiện đã quy tụ được hai ngôi sao nổi tiếng Sandra Bullock và Keanu Reeves với bối cảnh mới là thành phố Chicago.
“Bangkok Dangerous” (“Hiểm nguy ở Bangkok”, đạo diễn Danny Pang - Oxide Pang, phim Thái, 2000)
Làm lại: “Bangkok Dangerous” (“Hiểm nguy ở Bangkok”, đạo diễn Danny Pang - Oxide Pang, 2008)
Phim gốc ban đầu khai thác sâu nhân vật Kong - một thanh niên người Thái vừa bị câm vừa bị điếc nhưng có tài bắn súng cừ khôi. Kong thu hút sự chú ý của một sát thủ tên Joe và bị Joe lôi kéo vào một loạt những phi vụ ám sát.
Cuối cùng, Kong đem lòng yêu Fon, một cô bán thuốc, nhưng khi “tay đã nhúng chàm”, muốn dừng lại để bắt đầu cuộc sống mới như chưa từng có gì xảy ra không hề đơn giản.
Trong bộ phim Mỹ làm lại (cũng do anh em nhà Pang thực hiện), kịch bản có sự thay đổi khi nhân vật sát thủ Joe được khai thác sâu hơn, một sát thủ máu lạnh người Mỹ tìm đến Thái Lan với một hợp đồng ám sát.
Bích Ngọc
Theo Taste of Cinema