Những nhạc công quốc tế mưu sinh bám trụ ở Việt Nam vì tình yêu đặc biệt

Phương Nhung

(Dân trí) - Ông Olivier Ochanine - nhạc trưởng dàn nhạc SSO kể câu chuyện về một gia đình nhạc công đã cố gắng mưu sinh, bám trụ Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh. Bởi họ coi Việt Nam là gia đình thứ hai của mình.

Vào đầu tháng 3 năm nay, dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời - SSO đã đưa ra thông báo sẽ chính thức tái khởi động từ tháng 10/2022. Nhạc trưởng có thể chia sẻ vì sao ông kiên trì gắn bó với Việt Nam để dẫn dắt dàn nhạc quay trở lại với phiên bản mới?

- Kể từ năm 2017, với tôi SSO đã là một dự án rất đặc biệt. Thời điểm đó và thậm chí cho đến bây giờ, việc thành lập một dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam là khá hiếm. Mặc dù 2,5 năm chờ đợi nhiều khó khăn nhưng "lửa thử vàng", kết quả sẽ càng "ngọt ngào" hơn.

Những nhạc công quốc tế mưu sinh bám trụ ở Việt Nam vì tình yêu đặc biệt - 1

Ông Olivier Ochanine - nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời - SSO (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Theo thông báo, dàn nhạc dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên mức lớn nhất để mang đến cho khán giả những buổi hòa nhạc thính phòng thăng hoa hơn. Ông có thể chia sẻ về quy mô dàn nhạc trở lại cho mùa diễn cuối năm nay?

- Mục tiêu của SSO không phải là phát triển thành dàn nhạc có số lượng nhạc công lớn nhất vì nhiều dàn nhạc trên thế giới có số lượng lên tới tận 150 nhạc công.

Chúng tôi sẽ thận trọng cân nhắc để có số lượng nhạc công phù hợp với các bản nhạc được biểu diễn cho khán giả Việt Nam.

Việc sử dụng số lượng nhạc công dự kiến chia làm 3 giai đoạn. Hiện tại, số lượng nhạc công của dàn nhạc chưa thực sự đạt đủ công suất và chúng tôi vẫn cần mời một số nhạc công Việt Nam và nước ngoài tham gia vào các buổi hòa nhạc của SSO.

Mục tiêu dài hạn sẽ là không cần có nhạc công khách mời nữa, các thành viên dàn nhạc cần cùng tập luyện, biểu diễn trong khoảng thời gian dài gắn bó mới là giải pháp lâu bền, hiệu quả.

Để dùng 3 từ miêu tả về phiên bản 2.0 của dàn nhạc, thì đó là 3 từ nào, thưa ông?

- Tươi mới, thu hút tâm trí, đậm xúc cảm. Chúng tôi mong rằng, khán giả sẽ cảm nhận được tinh thần này ngay từ những buổi hòa nhạc trong mùa diễn mới năm nay.

Những nhạc công quốc tế mưu sinh bám trụ ở Việt Nam vì tình yêu đặc biệt - 2

Nhiều nhạc công quốc tế lựa chọn quay lại vì một lý do chung, họ coi Việt Nam là nhà và yêu mến con người Việt Nam cũng như vinh dự vì được biểu diễn trong một dàn nhạc quy mô dành cho khán giả Việt (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Trong thời gian "án binh bất động" vì dịch Covid-19, ông cũng như dàn nhạc đã vượt qua khó khăn như thế nào? Có những nhạc công không thể trở về quê hương, có người bị mắc kẹt tại các nước trung chuyển, như cá nhân ông, dù rất muốn nhưng không thể quay lại Việt Nam trong thời gian đó. Chắc hẳn có nhiều câu chuyện xúc động khi nghĩ lại quãng thời gian đó...

- Một trong những câu chuyện cảm động đó là một gia đình có ba con mà bố mẹ đều là nhạc công của SSO. Cả gia đình họ cố gắng bám trụ lại Việt Nam trong suốt thời kỳ dịch bệnh vì họ coi Việt Nam là gia đình thứ hai của mình.

Một số người phải làm công việc không liên quan đến âm nhạc và họ đã cố gắng hết sức trong thời gian đó. Bản thân tôi cũng học thêm cả chụp ảnh nữa.

Nhiều nhạc công lựa chọn quay lại vì một lý do chung, họ coi Việt Nam là nhà và yêu mến con người Việt Nam cũng như vinh dự vì được biểu diễn trong một dàn nhạc quy mô dành cho khán giả Việt.

Tôi hiện tại vẫn không tin được mình có thể gặp lại tất cả mọi người và dàn nhạc sau 2,5 năm phải tạm dừng.

Trong suốt 2 năm dịch bệnh, tôi cũng không biểu diễn ở đâu cả, gần nhất chỉ có buổi diễn với dàn nhạc giao hưởng Thái Lan tháng trước.

Giai đoạn dịch bệnh cũng là dịp để tôi có thể khởi động lại với góc nhìn thận trọng, mới mẻ hơn. Cũng qua giai đoạn này, tôi thấy mọi người đã có thêm những niềm hy vọng. Đam mê dành cho âm nhạc thậm chí còn mãnh liệt hơn trước đây.

Những nhạc công quốc tế mưu sinh bám trụ ở Việt Nam vì tình yêu đặc biệt - 3

"Tôi hiện tại vẫn không tin được mình có thể gặp lại tất cả mọi người và dàn nhạc sau 2,5 năm phải tạm dừng... Giai đoạn dịch bệnh cũng là dịp để tôi có thể khởi động lại với góc nhìn thận trọng, mới mẻ hơn", ông Olivier Ochanine chia sẻ (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Sẽ có cả thế hệ cũ và mới tồn tại trong một dàn nhạc. Ông cân bằng, hài hòa những giá trị mà mỗi thế hệ mang lại như thế nào? 

- Xét về thâm niên, các nhạc công hiện tại khá tương đồng vì tham gia SSO cùng thời điểm. Về kinh nghiệm thì khá là khác, nhiều người ít năm kinh nghiệm, trái lại có những người 30 năm kinh nghiệm với SSO và dàn nhạc khác.

Quan hệ của thế hệ cũ và mới như là một miếng bọt biển vậy, mọi người có thể học hỏi lẫn nhau. Theo như tôi quan sát, trong 2 năm trước khi dịch bệnh xảy ra, mọi người làm việc với nhau bằng sự tôn trọng, bình đẳng.

SSO dù sao vẫn là một dàn nhạc mới, sắp tới, chúng tôi sẽ tuyển thêm nhiều nhạc công. Tôi khá tò mò, háo hức xem quá trình tiếp theo sẽ như thế nào. Tôi đặt niềm tin lớn vào các nhạc công của mình và hy vọng thế hệ mới sẽ thích nghi với văn hóa dàn nhạc cũng như Việt Nam.

Khi dàn nhạc bắt đầu tập luyện, tôi từng nói, 3 yếu tố quan trọng nhất là: Tin tưởng, trung thực và tôn trọng. Nếu duy trì được 3 yếu tố này có thể phá vỡ mọi khó khăn và hướng đến được mục tiêu lớn nhất. Nhiều khách mời khi đến với SSO đều có thể cảm nhận được rằng, dàn nhạc có một "linh hồn" rất đặc biệt.

Mùa diễn trở lại lần này, những áp lực và kỳ vọng nào được đặt ra cho SSO? 

- Áp lực và kỳ vọng đến từ nhiều phía, khán giả, nhạc công, từ chính bản thân tôi. Thực ra, đó là điều tốt vì đây chính là yếu tố để thúc đẩy bản thân nhiều hơn.

Sau 2,5 năm tạm dừng, rất nhiều người mong chờ sự trở lại của SSO và hy vọng sẽ có nhiều điều đặc biệt. SSO sẽ không để khán giả phải thất vọng. Vì vậy, SSO đang làm việc hết công suất để mang tới những sản phẩm âm nhạc tốt nhất cho khán thính giả.

Về kỳ vọng cho hình ảnh của SSO trên thị trường quốc tế, tín hiệu mừng là nhiều concertmaster (người điều khiển buổi hòa nhạc, chơi vĩ cầm đầu tiên chính trong dàn nhạc) từ dàn nhạc giao hưởng London cùng nhiều khách mời quốc tế khác đã đồng ý tham gia biểu diễn do biết đến tên tuổi của dàn nhạc.

Với những áp lực này, SSO sẽ ngày càng nỗ lực để đạt được kỳ vọng của mọi người.

Dàn nghệ sĩ khách mời cho các show chính của mùa diễn năm nay dự kiến là những ai và lý do vì sao ông lựa chọn những nghệ sĩ đó?

- Nghệ sĩ độc tấu cho chương trình chính gần nhất vào 26/10 tại Hà Nội và 1/11 tại TPHCM là nghệ sĩ vĩ cầm Aylen Pritchin, mang trong mình dòng máu Nga -Việt.

Aylen là một nghệ sĩ trẻ tài năng, hiện đang là cái tên rất nổi của thị trường âm nhạc quốc tế, tham gia biểu diễn khắp châu Á, châu Âu. Anh sẽ biểu diễn bản concerto rất đẹp của Pháp. Sau hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên Aylen quay trở lại Việt Nam. Đây như một chuyến "hồi hương" của chàng nghệ sĩ tài năng này.

Đối với các nghệ sĩ độc tấu cho những chương trình tiếp, dàn nhạc xin phép được hé lộ sau.

Được biết công nghệ là một yếu tố mới hứa hẹn tạo nên sự đột phá cho các buổi hòa nhạc trở lại của dàn nhạc. Công nghệ ở đây cụ thể là gì và được áp dụng như nào thưa ông?

- Giai đoạn dịch Covid-19 đã giúp tôi có cái nhìn mới về áp dụng công nghệ biểu diễn hòa nhạc. Trước đây mọi người chỉ biểu diễn trong khán phòng thôi nhưng thực ra có nhiều cách khác nhau để có thể tiếp cận khán giả nhiều hơn nữa như livestream, liên kết với các nghệ sĩ, dàn nhạc khác bằng phương thức trực tuyến,…

Tôi hy vọng khán giả sẽ tiếp tục theo dõi dàn nhạc để hiểu rõ hơn về những công nghệ mới sẽ được áp dụng này.

Những nhạc công quốc tế mưu sinh bám trụ ở Việt Nam vì tình yêu đặc biệt - 4

"Cũng qua giai đoạn này, tôi thấy mọi người đã có thêm những niềm hy vọng. Đam mê dành cho âm nhạc thậm chí còn mãnh liệt hơn trước đây", ông Olivier Ochanine bày tỏ (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Theo ông, sức hút nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Cần có hướng đi, hoạt động đầu tư như thế nào để đưa âm nhạc cổ điển thế giới đến gần hơn với công chúng?

- Lần đầu tiên tôi biểu diễn tại Việt Nam là năm 2015 với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Theo như quan sát của tôi trong suốt 7 năm, qua từng năm, độ tuổi khán giả tiếp cận với nhạc cổ điển ngày một trẻ hơn.

Trước dịch, SSO từng tổ chức những buổi hòa nhạc giáo dục miễn phí để bất cứ ai muốn tham dự cũng có thể được thưởng thức âm nhạc của SSO hay những buổi giao lưu miễn phí trước buổi hòa nhạc chính.

Đây đều là những cách để SSO tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả trẻ. Chúng tôi mong muốn có thể kết hợp các yếu tố như phim ảnh để có thể mở rộng đối tượng khán giả của mình. 

Vào năm 2010, tôi từng làm việc với dàn nhạc giao hưởng Philippines, ban đầu đối tượng khán giả cũng khá lớn tuổi. Theo thời gian, những khán giả đó vẫn ở lại nhưng xuất hiện thêm lứa khán giả trẻ.

Tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra tại đây vì Hà Nội cũng như Việt Nam đang ngày càng đa dạng đối tượng thưởng thức nhạc cổ điển, hứa hẹn lấp đầy những khán phòng nhạc cổ điển.

Xin cảm ơn ông, chúc cho sự trở lại của SSO thành công!