Những nhà văn nổi tiếng từng... ngồi tù

(Dân trí)– Ngay cả những án tù tội, với các nhà văn nổi tiếng- cũng có... hữu ích. Chính những ngày tù tội, chính cuộc sống khốn khổ ấy đã mang đến cho họ sự trải nghiệm, sự ám ảnh để bắt đầu những trang viết mới, đầy sức nặng.

O. Henry (1862 – 1910)

Những nhà văn nổi tiếng từng... ngồi tù



O. Henry, tên thật là William Sydney Porter, ông là tác giả của tập truyện ngắn nổi tiếng “Chiếc lá cuối cùng”. Trước khi là một nhà văn nổi tiếng của Mỹ, O. Henry từng là nhân viên của ngân hàng First National Bank tại thành phố Austin, bang Texas.

Năm 1896, nhà nước mở cuộc điều tra vì tình nghi ông biển thủ công quỹ. Nhưng kỳ thực, từ trước đấy, O. Henry đã trình báo là ông không thể nào khớp sổ sách vì việc quản lý của ngân hàng trước đó đã diễn ra quá lỏng lẻo.

Mặc dù bố vợ ông đã nhận chi trả toàn bộ số tiền thất thoát giúp con rể nhưng chính quyền liên bang vẫn tiến hành truy tố hình sự. Nếu chấp nhận ra hầu tòa, O. Henry rất có thể được tha bổng hoặc chỉ phải chịu án treo vì số tiền bị mất không lớn và luật sư có thể bào chữa rằng sự thất thoát đó là do hậu quả quản lý lỏng lẻo của người tiền nhiệm để lại. Nhưng vì nghe theo bạn bè, ông đã bỏ vợ con ở lại Texas để tới Honduras lẩn trốn.

Sáu tháng sau, nghe tin vợ đang trải qua cơn thập tử nhất sinh, ông liều quay trở về Mỹ. Nhà cầm quyền đợi khi đám tang của vợ ông được cử hành xong xuôi mới đưa ông ra xét xử. Lúc này, vì tội danh bỏ trốn, ông bị kết án tù nhưng cũng ở mức nhẹ nhất có thể - 5 năm.

Trong nhà tù ở thành phố Columbus, Ohio, ông được ưu tiên làm dược tá cho bệnh viện vì có nhiều hiểu biết về y học. Ngoài giờ làm việc, ông vẫn sáng tác để gửi tiền về nuôi con gái. Bắt đầu từ đây, ông dùng bút danh O. Henry như một cách để ghi nhớ trải nghiệm cay đắng của cuộc đời. O. Henry là những chữ cái được nhặt ra từ cụm từ “Ohio penitentiary” (nhà tù Ohio).

Truyện ngắn “A retrieved reform” của ông là tác phẩm thể hiện rõ nét nhất hình ảnh của tác giả trong thời gian ngồi tù. Sau này, nó đã được chuyển thể thành tác phẩm kịch nói rất thành công. Sau thời gian ngồi tù này, O. Henry bắt đầu tập trung khai thác đối tượng mới trong các tác phẩm của mình là những tội phạm và tù nhân.

Là nhà văn của những tác phẩm mang dư hương nhẹ nhàng nhưng O. Henry có cuộc đời khá bất hạnh. Người vợ ông yêu thương nhất sớm qua đời, cuộc hôn nhân thứ hai không đầm ấm. Những năm tháng cuối đời, ông gặp khó khăn về tài chính, mắc bệnh lao và nghiện rượu dẫn tới bệnh xơ gan. Cuối cùng, ngày 5 tháng 6 năm 1910, O. Henry qua đời sau một cơn đau nặng.

Oscar Wilde (1854 – 1900)

Những nhà văn nổi tiếng từng... ngồi tù



Oscar Wilde, tên đầy đủ là Oscar Fingal O'Flahertie Wills Wilde, ông là nhà văn nổi tiếng của Anh. Wilde sinh ra trong một gia đình thượng lưu, là công tử nổi tiếng bảnh bao lịch lãm và có thành tích học tập xuất sắc. Ông cũng từng lập gia đình và có hai con.

Wilde được xem là một trong những nhân vật nổi bật nhất trên văn đàn Anh dưới thời kỳ Nữ hoàng Victoria. Nhưng một vụ bê bối đã xảy ra làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của chàng công tử xứ Ai-len.

Năm 1891, Oscar Wilde gặp nhà thơ điển trai Alfred Douglas. Hai người yêu nhau đắm đuối và bắt đầu sống cuộc đời của những người đồng tính. Cho tới ngày nay, Oscar Wilde và Alfred Douglas vẫn là cặp tình nhân đồng tính nổi tiếng nhất trên văn đàn thế giới.

Cha của Alfred là Hầu tước John Sholto Douglas xứ Queensberry không chấp nhận mối quan hệ này và đã đưa Oscar Wilde ra tòa. Theo đạo luật chống đồng tính luyến ái năm 1885, Oscar Wilde bị tuyên án 2 năm lao động khổ sai.

Với một chàng công tử con nhà giàu và một nhà văn mơ mộng như Wilde, nhà tù chẳng khác nào chốn địa ngục, sức khỏe của Wilde bắt đầu suy sụp vì ông phải chịu đựng những điều kiện vô cùng khắc nghiệt trong nhà tù.

Ở trong tù, ông vẫn tiếp tục sáng tác và gửi các tác phẩm qua đường bưu điện về cho người tình đồng giới - Alfred Douglas. Trong khi đó, gia sản của ông đã bị tịch thu với lý do là chi trả tiền án phí khiến vợ con ông phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Sau khi mãn hạn tù, Wilde viết tác phẩm “The Ballad of Reading Gaol” (Khúc ballad của nhà tù Reading) trong đó Wilde vạch trần những điều kiện tàn tệ và sự đối xử vô nhân đạo mà ông đã phải chịu đựng khi ở trong nhà tù Reading.

Sau khi hoàn thành tác phẩm này, Wilde qua đời trong một phòng trọ rẻ tiền ở Paris lúc mới 46 tuổi. Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, chỉ có cô đơn và nghèo khó ở bên chàng công tử - nhà văn lừng lẫy một thời.

Jean Genet (1910 – 1986)

Những nhà văn nổi tiếng từng... ngồi tù



Genet là một trong những nhà văn, nhà biên kịch, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị - xã hội… nổi tiếng và cũng tai tiếng nhất nước Pháp. Trong những tháng năm tuổi trẻ, Genet là một thanh niên vô gia cư, luôn dính vào những vụ án đường phố.

Mẹ của Genet là một cô gái bán hoa, sau khi sinh ra Genet, bà chỉ nuôi con có một năm rồi sau đó đem đi cho. Dù gia đình nhận nuôi Genet đối xử với ông rất tốt, yêu thương quan tâm ông và khi đi học, Genet cũng tỏ ra rất thông minh và luôn nhận được điểm số tốt nhưng Genet luôn dính vào những trận ẩu đả ở trường vì sự trêu chọc của bạn bè, dần dần ông trở thành một tội phạm nhí.

Vì liên tục dính vào những hành vi phạm tội, Genet phải vào tù năm 15 tuổi. Sau khi ngồi tù 3 năm, Genet được thả và xin gia nhập đội lính lê dương nhưng ở trong quân đội, Genet có quan hệ đồng tính với những binh lính khác và bị trục xuất. Genet lại quay về với cuộc sống lang thang, phạm tội, mại dâm, ra tù – vào tù như cơm bữa.

Năm 1944, lần đầu tiên khi ngồi trong tù, Genet bắt đầu sáng tác thơ và viết nên một tác phẩm tiểu thuyết có tên “Our Lady of the Flowers”, sau đó, Genet đã dùng số tiền ít ỏi mình có để đem in những tác phẩm này ra rồi gửi cho nhà xuất bản. Chủ nhà xuất bản khi đó là Jean Cocteau đã rất ấn tượng với những gì Genet viết và nhanh chóng dành thiện cảm cho chàng thanh niên có tiểu sử “đáng gờm”.

Lúc này, tòa án thu thập được chứng cứ đầy đủ để khởi tố Genet với 10 tội danh nghiêm trọng và Genet phải đối mặt với mức án tù chung thân nhưng nhờ chủ nhà xuất bản và họa sĩ Pablo Picasso đã viết thư khẩn khoản đề nghị Tổng thống Pháp hãy tha thứ cho quá khứ lầm lỗi của người thanh niên trẻ mà Genet tránh được vòng lao lý. Kể từ đây, Genet làm lại cuộc đời và không bao giờ còn phải quay lại nhà tù nữa.

Bằng những trải nghiệm của chính bản thân mình, Genet từng viết nên tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của ông - The Thief’s Journal (Nhật ký của một tên trộm – 1949). Trong đó, ông kể lại thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời mình hồi thập niên 1930 gắn liền với hàng loạt tội danh. Những tác phẩm của Genet thường khắc họa cuộc đời của những tội phạm và vì thế đã có lúc sách của ông đã bị cấm lưu hành tại Mỹ.

Tuy đã làm lại cuộc đời nhưng chương cuối trong đời Genet vẫn có nhiều nét buồn thương. Ông bị ung thư vòm họng và qua đời trong cô đơn, không ai hay biết tại một phòng trọ ở Paris. Một ngày, ông bị chóng mặt và ngã xuống, chính vết thương ở đầu đã lấy đi mạng sống của ông trước khi căn bệnh trầm kha kịp ra tay. Vì không có ai ở bên, nên ông đã qua đời trong đau đớn và đáng thương như thế.

 
Bích Ngọc
Theo Listverse

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm