Liên hoan phim VN lần thứ 18:
“Những người viết huyền thoại” sẽ tỏa sáng trước những “thảm họa”?
(Dân trí)- So sánh tương quan trên bối cảnh chung của các phim điện ảnh dự Liên hoan phim (LHP) Quốc gia năm nay, đặt bên cạnh la liệt những “siêu nhảm”, “thảm họa”- bộ phim “Những người viết huyền thoại” trở thành cái tên sáng giá.
Khi bắt đầu dự án phim của mình, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có hứa hẹn sẽ làm một bộ phim xoay quanh câu chuyện huyền thoại về những người lính xây đường ống dẫn xăng dầu vào chiến trường, rằng câu chuyện phim sẽ thể hiện, mỗi giọt xăng đã phải trả giá bằng máu như thế nào. Tuy nhiên, khi bộ phim được chọn chiếu khai mạc Tuần phim chào mừng LHP Quốc gia lần thứ 18, “Những người viết huyền thoại” khiến khán giả ngạc nhiên bởi nội dung về những người lính xây dựng đường ống dẫn xăng dầu vào chiến trường chỉ được đề cập rất mờ nhạt. Chuyện về đường ống dẫn xăng dầu chỉ còn là cái cớ để đạo diễn miêu tả, khai thác những câu chuyện khác.
Chuyện phim xoay hướng sang chuyến đi B của tướng Dinh và mối tình hé nở giữa chiến sỹ giao liên Nghĩa với cô văn công Hà. “Những người viết huyền thoại” đặt gánh nặng “huyền thoại” lên vai những nhân vật anh hùng với số phận riêng biệt, đó là tướng Dinh, đó là anh chiến sỹ giao liên dũng cảm, mưu trí, là cô văn công Hà Nội xinh đẹp, là em bé hậu phương quả cảm… Là tất cả những người đã góp mặt, đã đứng lên chiến đấu và sẵn sàng hy sinh trong máu lửa, đạn bom.
Với cách dẫn chuyện theo hướng bám sát các tuyến nhân vật, “Những người viết huyền thoại” có một kịch bản tương đối logic. Cuộc chiến ở hậu phương và cuộc chiến nơi chiến trận đều khốc liệt như nhau. Nếu ở chiến trường, chuyện sinh- tử mỏng manh trong gang tấc, ở hậu phương, trẻ em đã biết… vô cảm trước tiếng bom nổ, đạn rơi.
“Những người viết huyền thoại” có nhiều điểm nhấn sáng giá, nhiều tình tiết “đắt”. Phim đưa đến cho khán giả những phút rợn người trước đạn bom sinh tử, nhưng cũng có thể đưa đến tiếng cười trước những tình tiết hài hước, dí dỏm. Bùi Tuấn Dũng bằng những “cú” cắt cảnh lạnh lùng đã thể hiện sự sững sờ, chóng vánh trong “trò chơi” sinh-tử, được- mất của cuộc chiến.
Phim được khen ngợi về bối cảnh, đạo cụ và những cảnh khói lửa, bom đạn...
Tuy nhiên, có lẽ, chính vì “say” tình tiết, Bùi Tuấn Dũng đã để bộ phim rơi vào tình trạng “tham” chi tiết. Phim có nhiều chi tiết rườm rà khiến câu chuyện có phần lê thê. Tình tiết, Nghĩa đột nhiên xuất hiện giữa rừng để cứu em gái bị cho là chưa thuyết phục. Chưa kể, phim còn có những nhân vật thừa, không được “giải quyết” triệt để, đơn cử như nhân vật nhà báo do Thiện Tùng đóng. Có lẽ, nhà báo cũng nằm trong tuyến “những người viết huyền thoại” nhưng khai thác chưa tới.
Phim được ngợi khen về bối cảnh. Bối cảnh được chọn trong cánh rừng giáp biên giới Lào đã mang đến hình ảnh một Trường Sơn hùng vĩ với núi rừng, thác ghềnh. Đạo cụ, phục trang cũng thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của một bộ phim chiến tranh được đầu tư nghiêm túc.
Lời thoại là một điểm cộng cho "Những người viết huyền thoại". Các nhân vật đã có được đời sống riêng, sức sống riêng qua những phân cảnh diễn thoại tự nhiên, giản dị. Chính lối diễn thoại, diễn xuất đời thường, gần gũi đã mang đến sức sống cho “Những người viết huyền thoại”.
Trương Minh Quốc Thái đã có một vai người hùng nhiều dấu ấn
Trương Minh Quốc Thái đã có một vai diễn anh hùng gây thiện cảm với khán giả. Từ lâu, phim Việt vốn thiếu vắng những nhân vật anh hùng. Khán giả lâu nay không thể tìm thấy trong phim Việt những nhân vật, những hình ảnh để tôn vinh, để hâm mộ. Với vai Nghĩa lần này, Trương Minh Quốc Thái đã có được một vai anh hùng, tuy chưa thật tầm vóc, nhưng đã đủ để anh được yêu mến hơn, được hâm mộ hơn.
Với những điểm cộng của mình, “Những người viết huyền thoại” đã có thể trở thành gương mặt sáng giá tại LHP Quốc gia lần này.
H.H