Những người chuyển giới thi hoa hậu để thay đổi số phận lần nữa

Ở nơi có tới 100.000 người chuyển giới như Thái Lan, những câu chuyện xoay quanh các chàng trai quyết định sống thật với giới tính của mình luôn là chủ đề nóng, nhất là khi quốc gia này đang cổ vũ cho quá trình cấm phân biệt đối xử giới tính.

Tìm đến cuộc thi như một cứu cánh

"Tôi rất tự hào về giới tính của mình" - Pimnara Atipatdechakorn (tên thân mật là Sand), Á hậu 2 của cuộc thi Miss Tiffany 2015, chia sẻ về bản thân. Cô cảm thấy hạnh phúc vì là hiện thân cho sự kết hợp giữa đàn ông và phụ nữ, sở hữu cả sự mạnh mẽ và mềm dẻo.

Trước đây, gia đình Sand từng vô cùng lo lắng cho số phận của người đẹp. Họ chỉ thay đổi và trở nên vui vẻ hơn khi cô tỏa sáng tại đấu trường sắc đẹp đặc biệt này: "Nó thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi, thay đổi nhận thức và suy nghĩ trong tôi" - người đẹp 24 tuổi cho biết.

Vượt qua những định kiến vẫn tồn tại trong xã hội, Sand chia sẻ rằng mình đã không còn thu mình như trước, cô trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn khi bước ra từ cuộc thi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ Rajamangala ở Bangkok, Sand hoạt động với vai trò người mẫu tự do.

Cận cảnh vẻ đẹp nữ tính của tân hoa hậu cuộc thi Miss Tiffany Universe
Cận cảnh vẻ đẹp nữ tính của tân hoa hậu cuộc thi Miss Tiffany Universe

Người chiến thắng của cuộc thi năm ngoái Hoa hậu Tiffany 2015 là Baimon 23 tuổi đưa ra nhận định: "Cơ thể của người chuyển giới có thể còn đẹp hơn cả những người được sinh ra trong hình hài phụ nữ và ngược lại. Đó là nhờ những tiến bộ trong phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay. Nếu một người chuyển giới cư xử tốt và đúng mực, tôi tin rằng cô ấy sẽ được đối xử như phụ nữ và được cộng đồng chấp nhận”.

Baimon cho biết, bản thân cô cũng từng chịu nhiều điều tiếng với những lời đồn lan truyền khắp thị trấn mình và gia đình sinh sống. Mọi chuyện chỉ khác đi khi Baimon đăng quang ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Miss Tiffany Universe. Cô hy vọng mình có thể trở thành hình mẫu cho những người chuyển giới trong xã hội.

Động lực đằng sau Miss Tiffany Universe

Được tổ chức vào năm 1998, cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới quy mô nhất Thái Lan thu hút khoảng 100 thí sinh mỗi năm. Thí sinh Jiratchaya Sirimongkolnawin người vừa vượt qua 29 đối thủ trong đêm chung kết diễn ra hồi giữa tháng 5/2016, đã trở thành tân hoa hậu năm nay và nhận được giải thưởng khoảng 4.200 USD tiền mặt cùng một chiếc ô tô.

Với chiến thắng này, người mẫu kiêm nhà thiết kế thời trang 22 tuổi cũng sẽ được đại diện Thái Lan để tranh tài tại cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế (Miss International Queen) năm nay.

Theo trang web chính thức của cuộc thi, buổi phát sóng đêm thi chung kết thường thu hút khoảng 15 triệu người xem. Mục đích của cuộc thi, thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, là nhằm thúc đẩy quyền của những người chuyển giới, do trên thực tế, đa số người Thái vẫn giữ thái độ không tích cực với nhóm giới tính này.

Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Thăm dò dư luận thuộc Đại học Cộng đồng Ramkhamhaeng thực hiện, có tới 70% số người được hỏi phản đối việc kết hôn đồng tính hoặc cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân.

Tại Thái Lan, thay đổi giới tính trên giấy tờ là điều bị cấm trong các văn bản pháp luật. Alisa Phanthusak, thành viên ban tổ chức cuộc thi bày tỏ hy vọng cuộc thi có thể là nơi giúp các thí sinh rèn luyện bản thân và có một tương lai phía trước: “Để giành chiến thắng tại Miss Tiffany Universe, ngoài vẻ đẹp bề ngoài, một thí sinh phải chứng tỏ được cách nghĩ tích cực của mình, dù quanh họ luôn tồn tại sự ganh đua khốc liệt, điều vốn là đặc trưng của bất cứ cuộc thi nào. Quan trọng nhất, họ được thúc đẩy bởi một tương lai tươi sáng phía trước, một mong muốn trở nên tốt đẹp hơn hoặc trở thành những thần tượng đặc biệt. Các thí sinh đều khao khát chứng tỏ bản thân với cha mẹ, để họ hiểu rằng con trai họ khác biệt nhưng tốt đẹp. Đó là điều đáng quý trong cuộc sống"

Theo Vân Anh

Thể Thao &Văn Hóa