Những ngôi sao màn bạc sống kiêu hãnh trong nghèo khó

Họ từng là những ngôi sao màn bạc nổi tiếng của điện ảnh Liên Xô trong thế kỷ 20, chạm tay vào các giải thưởng điện ảnh tầm cỡ thế giới. Về già, họ sống trong nghèo khổ, nhưng không bao giờ lên tiếng oán thán, cầu xin lòng thương của khán giả.

Georgi Vitsin (1918 – 2001)

Những ngôi sao màn bạc sống kiêu hãnh trong nghèo khó


Georgi Vitsin là một gương mặt sáng chói của điện ảnh Liên Xô. Cả cuộc đời, ông đã có trên 100 vai diễn và đã được Nhà nước Liên Xô phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1990.

Những năm cuối đời, ông sống trong nghèo túng. Thậm chí ông không có rèm cửa, mà che nó lại bằng những túi bóng đựng đường. Vợ ông ốm liệt giường, bản thân ông hàng ngày đi chợ và chăm sóc vợ. Đóng nhiều vai bợm nhậu, nhưng ông không hề uống rượu, không hút thuốc. Ông chỉ có sở thích chiều chiều, rời khỏi nhà, đem theo một ít mẩu bánh mì, hạt kê để cho bồ câu trong công viên gần đó ăn.

Nổi tiếng vậy, nghèo túng vậy, nhưng ngay cả khi nhập viện ở tuổi 84, ông vẫn không hề xin ai giúp đỡ. Thời điểm nguy ngập nhất, ngay cả gia đình ông cũng từ chối sự giúp đỡ của Hiệp hội diễn viên và khán giả.

Gia đình ông nói: “Ông ấy không thích yêu cầu ai giúp đỡ, và cũng chẳng muốn nhận điều đó. Ông có quan điểm là tất cả những gì ông ấy có từ Nhà nước, từ khán giả và thiên nhiên- đó là những gì ông đã làm nên và được Thượng đế ban tặng, và không mong muốn được nhận thêm bất cứ một nguồn bổ sung nào nữa".

Triết lý sống của người nghệ sĩ nổi tiếng này là: "Đừng bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, khi đó sẽ không ai có thể đụng đến anh". Đối với Vitsin, tự do cá nhân luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong những dòng comment dưới các bài báo về Georgi Vitsin viết sau ngày ông mất, khán giả viết về ông với những cụm từ thế này: "một con người vĩ đại", "một tấm gương sống", "một nghệ sĩ đích thực, tự trọng"....

Tatyana Samoilova

Những ngôi sao màn bạc sống kiêu hãnh trong nghèo khó


Khán giả Việt yêu thích bộ phim "Đàn sếu bay qua" đều biết đến Tatyana Samoilova qua vai diễn tuyệt vời về thân phận của một phụ nữ trải qua chiến tranh. Bà đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Cannes (Pháp) năm 1957 với vai diễn trong này.

Bà còn nổi danh với vai diễn Anna Karenina trong bộ phim chuyển thể theo tiểu thuyết cùng tên lừng danh của đại văn hào Nga Lev Tonstoi. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể vài lần thành phim, nhưng theo các nhà phê bình, thì không nữ diễn viên nào qua mặt được Samoilova trong việc khắc họa hình tượng Anna Karenina.

Là Nghệ sĩ Nhân dân Nga, hiện bà 80 tuổi, vẫn ở Moskva trong cảnh ốm đau, bệnh tật và cô đơn (con trai đã chuyển sang Mỹ sống từ lâu). Sống trong một căn hộ tồi tàn với hoàn cảnh éo le như vậy, nhưng bà Samoilova cũng không hề có một lời nào yêu cầu Hiệp hội diễn viên, hay khán giả giúp đỡ quyên góp.

Aleksandr Lebedev

Những ngôi sao màn bạc sống kiêu hãnh trong nghèo khó


Lebedev là một diễn viên Liên Xô nổi tiếng, từng đóng khoảng 120 phim, trong đó có những phim như "Chiến tranh và hòa bình", "Những người bạn trung thành"... Ông mất ở tuổi 82, trong một căn hộ tồi tàn và mãi phải đến 4 tuần sau người ta mới phát hiện ra thi thể của ông, khi phá cửa căn hộ. Cô con gái bị bệnh tâm thần của ông không cho ai biết về cái chết của cha mình...

Đây là một cú sốc đối với nhiều khán giả. Ngay sau đó, báo Sự thật Thanh niên (Nga) đã tổ chức một bàn tròn trực tuyến với chủ đề lòng tự trọng của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ không nên chìa tay ra

Tại cuộc trao đổi này, Nghệ sĩ Công huân Nga Elena Kondulainen đã có ý kiến, lý giải vì sao có nhiều nghệ sĩ chấp nhận sống trong cảnh nghèo túng, không chìa tay xin giúp đỡ của khán giả: “Bởi vì các nghệ sĩ đã quen với việc họ là những nhân vật của công chúng, họ sẽ chết trong nghèo đói, họ nghĩ có thể điều đó là tồi tệ với họ hơn, nhưng thà thế còn hơn. Họ đã là người của công chúng, họ sẽ không bao giờ cầu cứu ai giúp đỡ. Cần phải hiểu điều đó”.

Nhà báo Mikhail Panyukov (báo Express-Gazeta) chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, các nghệ sĩ không nên chìa tay ra, vì đó là điều bất thường. Có những người thợ mỏ, nhà giáo thầy thuốc nhận các danh hiệu cao quý của nhà nước... cũng đã âm thầm chết trong cảnh nghèo túng, thế tại sao các vị lại khơi lên đề tài này làm gì? Sao các vị lại cho các nghệ sĩ một đặc ân như thế...”

Nghệ sĩ - đó là một danh hiệu tự hào. Tự hào, bởi trên hết, họ có lòng tự trọng của bản thân, trước khi có lòng tự trọng của một nghề nghiệp mà ai cũng phải giữ gìn...

Theo Phan Việt Hùng
Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm