Những ngộ nhận sai lầm về trang phục dân tộc trên đấu trường nhan sắc

(Dân trí) - Mới đây, bộ trang phục dân tộc nặng 45kg mà nhà thiết kế Lê Long Dũng thiết kế cho người đẹp Khả Trang mang đi dự Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 đã tạo nên những tranh cãi nảy lửa. Phần lớn ý kiến đều cho rằng đây là một bộ trang phục nặng nề, rườm rà, rối rắm mà không toát lên được sắc màu văn hoá Việt.

“Ăn” điểm nhờ hiểu về trang phục dân tộc

Theo nhà thiết kế Lê Long Dũng bộ trang phục này được làm trong khoảng 3 tháng, lấy cảm hứng từ sự mạnh mẽ của “cha Rồng” Lạc Long Quân kết hợp với sự mềm mại của “mẹ Tiên” Âu Cơ trong truyền thuyết. Qua bộ trang phục này, nhà thiết kế muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế những biểu tượng đậm tính văn hoá của dân tộc Việt như: trống đồng, cổ vật, họa tiết tiên, rồng... Có khoảng 1.000 chi tiết được kết hợp để tạo nên bộ trang phục và chiếc mão đi kèm.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là một bộ trang phục dân tộc và càng không thể gọi đó là “quốc phục” bởi nó không toát lên được màu sắc văn hoá Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn lo ngại, với trọng lượng 45kg, bộ trang phục này thậm chí còn làm khó người đẹp khi di chuyển trên sân khấu hoặc không thể tránh được những sự cố đáng tiếc.

Nhà thiết kế Lê Long Dũng và bộ trang phục dân tộc của Khá Ngân mang đi dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016. Ảnh: TL.
Nhà thiết kế Lê Long Dũng và bộ trang phục dân tộc của Khá Ngân mang đi dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016. Ảnh: TL.

Một số chuyên gia văn hoá cho rằng, ngày nay người Việt hay lạm dụng hai từ “quốc phục” để chỉ những bộ trang phục dành cho các người đẹp mang đi dự đấu trường nhan sắc ở nước ngoài. Tuy nhiên, bản thân những người dùng hai từ đó vẫn chưa hiểu hết về ý nghĩa của hai từ “quốc phục”.

Theo một nhà nghiên cứu văn hoá (xin giấu tên) thì trong nghĩa rộng, “quốc phục” không nhất thiết phải là áo bà ba, áo tứ thân, áo dài truyền thống hoặc váy yếm. Nhưng mỗi trang phục đó phải mang tính biểu tượng và làm nổi bật được nét văn hoá đặc trưng của cả cộng đồng. Còn nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì “quốc phục” cũng tương tự như quốc ca, quốc kỳ, quốc hoa… Tự trong bản thân mỗi bộ trang phục phải mang tính thống nhất, đậm đặc bản sắc văn hoá và truyền thống lịch sử của một dân tộc. Vì lẽ đó mà trước nay, những nhà thiết kế có tên tuổi thường chọn áo dài làm trang phục dân tộc hoặc “quốc phục” cho các người đẹp “mang chuông đi đánh xứ người”. Chỉ cần khoác lên mình bộ trang phục áo dài bước lên sân khấu và không cần giới thiệu là bạn bè quốc tế đã nhận diện ra đó là trang phục của Việt Nam.

Thực tế, không ít người đẹp Việt đã từng ghi điểm trên các đấu trường nhan sắc quốc tế nhờ những bộ trang phục áo dài đậm đặc màu sắc văn hoá Việt. Trong Miss Universe 2013, nhờ bộ áo dài hoa sen của nhà thiết kế Thuận Việt mà Trương Thị May đã dẫn đầu Top 5 danh sách người đẹp mặc quốc phục của chuyên trang sắc đẹp Missosology. Năm 2008, Thùy Lâm đã có mặt trong Top 10 người đẹp trình diễn trang phục truyền thống đẹp nhất của Miss Universe 2008 nhờ bộ trang phục áo dài có tên “Vũ khúc hạc” của nhà thiết kế Thuận Việt.

Tại chung kết Miss Grand International lần thứ hai diễn ra tại Thái Lan, bộ áo dài truyền thống của Cao Thùy Linh cũng giúp cô đoạt giải trang phục dân tộc đẹp nhất.

Mới đây, bộ trang phục lấy ý tưởng từ chim hạc, tre, trúc… của nhà thiết kế Thuận Việt thiết kế riêng cho Phạm Hương mang đến Miss Universe 2015 cũng đã để lại nhiều ấn tượng bởi sự tinh tế và giàu màu sắc văn hoá.

Ngoài ra, nhờ trang phục dân tộc mà các người đẹp như: Thúy Vân, Lệ Quyên, Lan Khuê để lại nhiều dấu ấn trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Trong đó, phải kể đến thành tích nổi bật của Thúy Vân khi trở thành Á hậu 3 Hoa hậu quốc tế 2015; Lan Khuê lọt top 11 Hoa hậu Thế giới 2015…

Quốc phục là quốc hồn, quốc tuý

Nhà thiết kế Thuận Việt chia sẻ, mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí riêng về phần thi trang phục dân tộc. Có thể vì mục tiêu giao lưu văn hóa, có thể chỉ là một màn biểu diễn trang phục sân khấu… Tuy nhiên, theo nhà thiết kế này thì việc mặc trên mình một trang phục truyền thống không những chỉ là một bộ đồ đẹp mà nó còn là cái hồn của văn hóa Việt Nam mà mình muốn giới thiệu với bạn bè thế giới …

“Hãy cho thế giới biết về một Việt Nam đang phát triển nhưng vẫn giữ vững bản sắc văn hóa của mình chứ không chỉ một Việt Nam với hình ảnh bom đạn, chiến tranh hoặc những hình ảnh văn hóa lai căng”, nhà thiết kế Thuận Việt nói.

Bộ trang phục dân tộc ấn tượng của Phạm Hương mang đi dự thi Miss Universe 2015. Ảnh: TL.
Bộ trang phục dân tộc ấn tượng của Phạm Hương mang đi dự thi Miss Universe 2015. Ảnh: TL.

Theo nhà thiết kế này, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa quốc phục và trang phục lấy ý tưởng từ các hoạ tiết văn hoá dân tộc. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Và không nên lạm dụng từ “quốc phục” bởi nó đến quốc phục là nói đến sự thiêng liêng của một biểu tượng văn hoá.

Nhà thiết kế Hà Duy lại cho rằng, bộ trang phục của Khả Ngân khá cầu kỳ và công phu nhưng những đường nét hơi giống các hình tượng trong game điện tử.

“Mỗi khi nhìn vào một bộ trang phục dân tộc, cái tôi để ý nhất là nét mộc mạc và tinh thần của đất nước - con người Việt Nam. Một bộ trang phục được gọi là trang phục dân tộc mà chỉ hoành tráng và cầu kỳ thôi chưa đủ, nó còn phải thể hiện được tinh thần Việt Nam trong đó. Ngoài ra, bộ trang phục đó cũng phải được cả cộng đồng ủng hộ. Bởi vì, xét ở một góc độ nào đó thì tinh thần Việt Nam cũng chính là sự động điệu của những tâm hồn Việt Nam”, Hà Duy nói.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng đồng tình với quan điểm nên phân biệt giữa quốc phục và trang phục lấy ý tưởng từ các hoạ tiết văn hoá dân tộc. Đã gọi là quốc phục thì phải đảm bảo được những yếu tốt cốt lõi như: sự mộc mạc, tinh tế và thể hiện được “quốc hồn quốc tuý” của Việt Nam.

“Trước nay chúng ta vẫn hay “đao to búa lớn” rằng đang thiết kế quốc phục này, quốc phục kia… nhưng thực chất là lấy tưởng từ văn hoá dân tộc mà thôi. Tuy nhiên, kể cả là trang phục lấy ý tưởng từ văn hoá dân tộc thì cũng phải ra màu sắc văn hoá dân tộc chứ không thể lai căng, tạp nham được. Tôi nghĩ, trang phục dân tộc mà một người đẹp mang đi thi thố, dù được thể hiện dưới dạng gì đi nữa thì cũng là bộ mặt của một quốc gia. Nếu chúng ta dễ dãi quá, sơ sài quá… sẽ dễ bị lép vế với các bạn khác nhưng chúng ta cũng không nên cầu kỳ quá bởi như thế sẽ có tác dụng ngược”, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.

Bộ trang phục dân tộc mà Thúy Vân mang đi dự thi cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 đã góp phần giúp người đẹp đạt danh hiệu Á hậu 3 chung cuộc. Ảnh: TL.
Bộ trang phục dân tộc mà Thúy Vân mang đi dự thi cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 đã góp phần giúp người đẹp đạt danh hiệu Á hậu 3 chung cuộc. Ảnh: TL.

Bản thân nhà thiết kế Lê Long Dũng cũng chia sẻ rằng, anh thiết kế trang phục dân tộc cho các người đẹp mang đi dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế từ năm 2011. Và anh cũng đã bỏ khá nhiều thời gian để nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam mười mấy năm nay.

“Không ai phủ nhận áo dài, áo tứ thân, yếm đào… là rất đẹp và là trang phục phổ biến của nhiều thí sinh trong nước ở các cuộc thi nhan sắc. Nhưng chúng ta không vì thế mà phải luôn bó buộc mình với những loại trang phục đó. Trong dòng chảy lịch sử của chúng ta, ở mỗi thời đại lại có những loại trang phục đặc trưng, chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá. Bộ trang phục tôi thực hiện cho Khả Trang được lấy cảm hứng từ trang phục cổ cách đây khoảng 3000 năm chứ không phải bắt chước ai cả…", anh chia sẻ.

Nhà thiết kế này cũng lý giải rằng, sự cầu kỳ là tính chất bắt buộc của trang phục cổ. Và nó cũng rất phù hợp với việc làm nổi bật người đẹp của chúng ta trên đấu trường nhan sắc khi xung quanh cô cũng có không ít bộ trang phục lộng lẫy.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm