Những điều ít biết về NSƯT Đức Khuê - bố vợ sĩ diện trong "Mùa hoa tìm lại"
Rất lâu mới trở lại màn ảnh nhỏ, NSƯT Đức Khuê đảm nhận vai bố vợ sĩ diện trong "Mùa hoa tìm lại" đang nhận được sự chú ý của khán giả.
Câu chuyện bén duyên với nghệ thuật của diễn viên "Bệnh nói nhiều" khá đặc biệt: Anh tốt nghiệp Đại học Thương mại nhưng vì khó xin việc, tạm thời phải vào Nhà hát Tuổi trẻ làm bảo vệ, soát vé. Khi Nhà hát tuyển lớp diễn viên kịch mới, Đức Khuê đăng ký tham gia. Đạo diễn Phạm Thị Thành khi đó nói với Đức Khuê: "Trông người cao ráo sáng sủa thế này, vào thử vai xem nào". Thế là anh thử và được tuyển.
Ngoại hình không phải quá bắt mắt, lại vào nghề muộn nên ban đầu Đức Khuê không mấy được chú ý. Anh chỉ bật lên sau tiểu phẩm "Bệnh nói nhiều", và sau đó là giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở thể loại phim nhựa tại Liên hoan phim lần thứ 14 cho vai Thắng trong phim "Của rơi" của đạo diễn Vương Đức.
Đức Khuê ngoài đời trẻ trung hơn trên phim, anh gây cảm tình với người tiếp xúc ở gương mặt hóm hỉnh và nụ cười không thể "tít" hơn. Trái ngược với những vai diễn có vẻ ngờ nghệch trên sân khấu, Đức Khuê là người thấu triệt và rất thực tế.
Khi anh nhận giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, tôi chúc mừng, anh bảo: Giải thưởng là một niềm vui lớn nhưng cũng không đến nỗi làm cho tôi say sưa mà quên tất cả mọi thứ. Sự bình tĩnh của Đức Khuê chính là một lý do đạo diễn Phạm Thị Thành rất thích anh, bởi theo bà, đó là phẩm chất của một nghệ sĩ có thể làm chủ sân khấu.
Một thú vị khác ở Đức Khuê là anh rất thành thật. Tôi nhớ, mình có hỏi, trước khi đóng "Của rơi", anh đã đọc nguyên tác của Nguyễn Việt Hà hay chưa, anh trả lời: "Nói thật là chưa. Ngày còn đi học tôi cũng chịu khó đọc sách, hồi ấy điện năng không dồi dào như bây giờ nên lúc nào cũng phải "thủ" sẵn một cái đèn nhỏ để phòng khi mất điện. Nhưng đến khi đi làm, có gia đình thì có nhiều chuyện để lo lắng hơn thành ra thời gian dành cho sách vở cứ bị cắt xén dần dần".
Mặc dù vậy, vai Thắng của Đức Khuê vẫn được tác giả văn học Nguyễn Việt Hà đánh giá cao. Anh Hà nói rằng: Khuê rất chịu nghe và diễn ra cái chất lạc thời của Thắng, một người không thích nghi với hoàn cảnh, không muốn phá vỡ những giá trị cũ...
Lúc đóng "Của rơi", Đức Khuê phải diễn chung với người đẹp "phi thời gian" Thủy Hương, tôi hỏi anh cảm giác thế nào, Đức Khuê nghĩ một lúc rồi nói rất nghiêm túc: Ai cũng thích người đàn bà đẹp rồi, cái đẹp thì ai mà chả rung động, cũng như khi mình đứng trước một bông hoa đẹp, một ngôi nhà đẹp. Nhưng mà trước cái đẹp bao giờ tôi cũng lúng túng để diễn đạt cho chính xác...
Có vị trí trên sân khấu nhưng Đức Khuê không nhận nhiều dự án phim ảnh. Anh nói, nếu những vai được mời giông giống các vai đã diễn, thì anh sẽ từ chối. "Mới" là một từ ám ảnh với diễn viên sinh năm 1968.
Trong cuộc sống anh làm thế nào cho mình luôn mới?
Phải biết cái gì mình đã có và cái gì mình còn thiếu. Ai cũng vậy thôi, cũng có lúc có cảm giác thấy mình cũ rích. Cũng như một ngày mới lại có việc mới, lại được nghe, được nhìn, được xử lý thông tin. Tôi yêu vợ đến 6, 7 năm mới cưới mọi người cứ sợ cũ nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều cái chưa hiểu vợ lắm. Hay do mình là học sinh chậm tiến bộ chăng? (Cười). Lấy vợ rồi lại đến giai đoạn nuôi con, lại bắt đầu những câu hỏi: khi lớn con thế nào nhỉ, mọi người bảo thế này nhưng mình chưa nhìn thấy nên vẫn háo hức... Vậy người ta mới ham sống.
Có khi nào vai trò của một Kép Tư Bền khiến anh mệt mỏi không?
Có chứ. Có những công việc tôi xác định nó đơn thuần như việc của một người thợ. Có những việc tôi không muốn quan trọng quá, nó cũng bình thường thôi. Có những việc tôi lại hơi bay bay, hơi chăm một tí.
Nhiều khi diễn trên sân khấu mà khán giả mất trật tự hoặc nói chuyện to, cắn hạt dưa, say rượu vào rạp... thì nhiệt tình sẽ bị vơi đi một tích tắc nào đấy. Đương nhiên lúc ấy mình lại phải nghĩ đến nhiều người xung quanh chứ không phải vì một vài khán giả ấy. Nó khổ thế. Mình phải học cách quên đi và diễn hết mình.
Nếu bây giờ một đạo diễn phim ăn khách mời anh thì sao?
Tôi nhận ngay. Bây giờ là 5 thành phần kinh tế mà, tôi không xếp phim Nhà nước hay tư nhân gì cả. Phim về khía cạnh nào đó cũng như hàng hóa, mà hàng hóa phải có giá trị sử dụng. Đương nhiên hàng nghệ thuật thì có đặc thù riêng.
Khi mới vào nghề có khi nào anh nghĩ mình sẽ thành công thế này không?
Tôi chỉ dám ước mơ thôi, nó là cái điểm đến còn mình cứ đi và không biết lúc nào đến điểm ấy. Gặp rồi thì đứng nhìn một lúc rồi đi tiếp vì đằng trước còn có nhiều cái hay hơn.
Bằng vào thế mạnh gì mà anh tin vào điều đó?
Lao động hết mình. Tôi cũng giống như mọi người bình thường khác, gia đình cũng có khi có chuyện không phải lúc nào cũng giãi bày được, tôi phải hy sinh để tập trung vào công việc, phải san sẻ cho những người khác, cho anh chị, cho vợ ở nhà. Cũng may mà nó qua đi.
Chứ không phải anh tin là mình có tài mới bỏ nghề đã học để rẽ ngang sang sân khấu?
Không. Tôi chỉ làm diễn viên vì thích. Cũng có lúc chông chênh. May mà lúc ấy còn có những người bảo cố lên, phía trước là bờ đấy. Bên cạnh đó cũng có người bảo phía trước là hố đấy. Tôi biết thế và vẫn đi theo ý muốn của mình. Số tôi cũng hên nên gặp được bà vợ hiểu và biết chia sẻ với công việc của chồng.
Mà trong nghệ thuật không phải lúc nào sự nỗ lực cũng dẫn đến thành công?
Nói như các cụ thì thành công phụ thuộc vào vận mệnh, phúc đức, tài năng... Tôi cũng là người may mắn. Có lẽ thế!
Đức Khuê lập gia đình vào năm 1995, có hai con đều đã lớn. Vợ của anh được xem người chu đáo và biết chia sẻ với chồng. Một nguyên tắc của Đức Khuê là nói chuyện nghề thoải mái, nhưng đừng hỏi nhiều về gia đình, đó là ốc đảo riêng mà anh muốn "chỉ giữ cho mình".