Những điều ấn tượng về Richard Clayderman

(Dân trí) - Nổi danh toàn cầu theo hướng gần gũi với đại chúng, sở hữu số lượng bản thu “best-seller” khổng lồ, luôn là nghệ sĩ trình diễn ăn khách hàng đầu…, đó là những điều khiến Richard Clayderman xác lập được vị trí riêng biệt giữa rất nhiều nghệ sĩ tài danh khác của Pháp.

Richard Clayderman đến Việt Nam vào tháng 8/2014, khi ông sắp bước vào tuổi 61. Mốc thời gian 28/9/1953 là ngày Paris chào đón cậu bé Philippe Pagès chào đời, sau này trở thành Richard Clayderman, một trong những nghệ danh được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
 
Richard Clayderman: “Cuộc đời không trải thảm đỏ cho ai”

 

Thành công đến sớm

 

Richard Clayderman tiếp xúc với piano từ rất sớm qua những bài học đầu tiên từ cha. Richard kể rằng, khi lên sáu, ông đọc những nốt nhạc còn thông thạo hơn là đọc tiếng Pháp.

 

Đến năm 12 tuổi, cậu bé Philippe chính thức vào Học viện Âm nhạc. Chính tại nơi này, sáu năm trước, thần đồng nhỏ tuổi này đã có giải thưởng âm nhạc đầu tiên trong cuộc đời. Lúc bấy giờ, Philippe đã được dự báo là sớm muộn sẽ trở thành một nghệ sĩ dương cầm cổ điển xuất sắc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, gạt bỏ tấm áo choàng cổ điển mà nhiều người khoác lên ông như một sự kỳ vọng, Richard tự dệt cho mình một chiếc áo mới cho sự nghiệp. Đó là chiếc áo âm nhạc mang màu sắc cách tân, đương đại. Con đường riêng của Richard Clayderman dần bước sang giai đoạn bước ngoặt bắt đầu từ đó.

 

Nghĩ về những ngày đầu gian khó, Richard chia sẻ: “Vì muốn làm một điều gì đó khác biệt; bởi vậy, tôi quy tụ bạn bè để cùng thành lập một ban nhạc rock. Đó quả thật là quãng thời gian đầy thử thách… Chúng tôi dành tất cả số tiền ít ỏi có được để sắm nhạc cụ. Để tiết kiệm tiền, tôi có chuỗi ngày dài nuôi sống bản thân bằng… sandwich, và đó là lý do tôi phải trải qua một cuộc điều trị bệnh dạ dày khi ở tuổi 17”.

 

Cuộc đời của Richard từng bước chuyển sang trang mới, khi vào năm 1976, anh nhận được một cuộc điện thoại từ Olivier Toussaint, một nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng người Pháp, người đang cùng cộng sự của mình là Paul de Senneville, tìm kiếm một tay dương cầm để thu âm một bản nhạc ballad trữ trình. Paul là người sáng tác bản nhạc này như là một cách đón chào cô con gái mới sinh, được âu yếm gọi là “Adeline”. Philippe Pagès, ở tuổi 23, được mời đến thu âm thử cùng 20 ứng viên khác. Và với phần chơi khiến người tuyển chọn thảng thốt, chàng trai trẻ Philippe, mà sau này là danh cầm Richard Clayderman, đã mang về hợp đồng thu âm lớn đầu đời.

 

“Chúng tôi thích cậu ấy ngay phút đầu gặp gỡ”, Paul de Senneville nói, “những phím chạm nhẹ nhàng, thanh thoát của cậu ấy trên cây đàn, cùng cách biểu lộ cá tính đặc trưng và vẻ ngoài ưa nhìn, đã ngay lập tức để lại ấn tượng tốt đẹp cho Olivier Toussaint cũng như tôi. Bởi vậy, chúng tôi đã có quyết định nhanh chóng”.

 

Cú huých “Ballade pour Adeline”

 

Sau cú “chào sân” kể trên, Phlippe Pagès chính thức mang nghệ danh mới là Richard Clayderman, gắn với Single được phát hành liền sau đó, đạt con số tiêu thụ đáng kinh ngạc: 22 triệu bản, tại 38 nước. Bản hit này có tên gọi “Ballade pour Adeline”.

 

“Khi chúng tôi đã ký hợp đồng”, Olilier Toussaint nói, “tôi bảo Richard, nếu chúng ta bán được 10,000 Singles thì đó là kết quả mỹ mãn. Ở thời điểm đó, con số ấy đã là một bước tiến và chúng tôi thậm chí còn không dám đặt cược là một bản ballade như thế có thể thành công vang dội… Vậy mà cuối cùng, Richard đã làm được một việc ngoài sức tưởng tượng!”.
 
“Là

 

Nghệ sĩ giàu thành tích, mang đẳng cấp quốc tế

 

Câu chuyện kể trên là khởi đầu cho một hành trình dài với hàng loạt thành công vượt bậc. Sau sự kiện đó, phong cách chơi khác biệt của Richard Claydeman đã nhanh chóng giúp anh trở thành một ngôi sao nổi danh trên toàn thế giới. Cho đến nay, Richard đã thu âm tới trên 1.200 bản nhạc, và theo miêu tả của một nhà báo người Đức, “Richard đã làm được một điều lớn lao, không khỏi gây tranh cãi, đó là đại chúng hoá tiếng đàn dương cầm, để âm thanh của piano trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu và hơn bất cứ ai, kể từ sau thời đại Beethoven”.

 

Richard Clayderman cũng được đánh giá là đã đạo nên một phong cách âm nhạc “New Romantic”, thể hiện qua danh mục các tác phẩm gắn với “thương hiệu” (trademark) của riêng mình, đó là sự kết hợp của cổ điển (classic) và đại chúng (pop). Anh cũng là người nắm giữ những kỷ lục về lượng tiêu thụ đĩa nhạc trên quy mô toàn cầu, đạt trên 90 triệu CD; trong đó có tới 267 đĩa vàng, 70 đĩa bạch kim – những con số khó có nghệ sĩ chơi nhạc trên phím đàn nào có thể sánh nổi.

 

Tuy nhiên, “Ông hoàng lãng mạn”, như chữ dùng của Nancy Reagan, không đơn giản chỉ là một nghệ sĩ của những bản ghi âm. Trong thực tế, cho dù vốn không phải là người dạn dĩ trước đám đông, Richard Clayderman vẫn đạt được những thành công lớn khi chơi nhạc trên sân khấu. Bởi thế mà mỗi khi có tin tức về “Richard Concert” loan đi ở đâu thì nơi ấy sẽ được khuấy động lên sự háo hức, xôn xao trong giới nhạc.

 

“Tôi yêu những khoảnh khắc trình diễn trực tiếp trên sân khấu, vì khi đó tôi được liên kết trực tiếp với khán giả. Trong mỗi đêm nhạc, cùng các nghệ sĩ khác hoặc cùng dàn nhạc, tôi được hoà trộn những cung bậc âm thanh, giai điệu và phong cách khác nhau, để cùng chinh phục khán giả”.

 

Danh tiếng toàn cầu của Clayderman đã được minh chứng qua hành trình lưu diễn khắc nghiệt mà anh từng thực hiện. Đó là khi anh trải qua 200 đêm diễn trong 250 ngày liên tục bên ngoài nước Pháp. Dẫu vậy, sau tất cả những buổi biểu diễn, Richard vẫn thực sự được coi là một người đàn ông của gia đình.

 

Điểm tựa gia đình

Richard Clayderman luôn muốn dành nhiều thời gian nhất có thể để ở bên người vợ Typhaine. Lễ cưới vào tháng 5/2010 của họ được tiến hành trong sự bí mật tuyệt đối. “Richard và tôi không muốn có một lễ cưới rình rang, truyền thống”, người vợ của anh chia sẻ. “Chúng tôi muốn lễ cưới chỉ là chuyện riêng tư của hai người”. “Ngày đó không thể tuyệt vời hơn, khi chúng tôi rời City Hall, chỉ với chiếc nhẫn cưới trên tay, ánh mặt trời đang rọi sáng và những chú chim ca hát. Đó mãi mãi là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng tôi”.

 

“Ông hoàng dương cầm”, một trong những nghệ sĩ vẫn đang được mời chào nhiều nhất, cũng bày tỏ rằng: Cái giá lớn nhất mà ông phải trả để được coi như một “ngôi sao” đó là những tháng ngày phải xa gia đình. Chính gia đình đã hy sinh vì ông, cho tới tận hôm nay, để ông có thể đến với những người yêu quý tiếng đàn của ông.

 

“Gia đình luôn quá đỗi quan trọng với tôi”, Richard thường nói, “bởi vì gia đình giúp thôi thấy mình đang sống có ý nghĩa, đang được cống hiến, bên cạnh một thứ không thể thiếu, là âm nhạc”.

 

 

Cháy vé vì… nhà tài trợ?

Ngày 23/8 tới đây, Richard Clayderman sẽ biểu diễn một đêm duy nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Một điều khó hiểu là còn hơn 2 tuần nữa mới diễn ra đêm diễn của nghệ sĩ Richard Clayderman, mà các đường dây hotline bán vé đã thông báo hết vé, trong khi website do đơn vị tổ chức - VP Bank giới thiệu vẫn tiếp tục quảng cáo bán vé. Liên hệ trực tiếp với các đường dây nóng bán vé của chương trình, phóng viên nhận được câu trả lời: “Chúng tôi đã bán hết sạch 2.000 vé do ban tổ chức đưa, còn 1.000 vé thì các đơn vị tổ chức và thực hiện chương trình giữ lại để làm vé mời”.

 

Vậy, phải chăng việc sốt vé là do ý muốn của nhà tài trợ và liệu còn bao nhiêu vé trong số 1.000 vé mời đó đến được tay những người yêu âm nhạc thực sự.

 
 
 
Mai Nhi - B.Ngọc