Những cuốn sách làm thay đổi nước Mỹ

(Dân trí)- Một cuộc nội chiến có thể nổ ra vì một cuốn sách. Chế độ nô lệ kéo dài cả trăm năm được xóa sổ vì một nữ nhà văn. Mỗi cuốn sách luôn tiềm ẩn một sức mạnh không ngờ.

Of Plymouth Plantation - William Bradford

(Tạm dịch: Từ đồn điền Plymouth)

Những cuốn sách làm thay đổi nước Mỹ



Tác phẩm được viết bởi người trưởng đoàn tổ chức cuộc di cư từ Anh sang Thế giới mới là nước Mỹ ngày nay. Họ là những người lập nên những đồn điền, trại ấp đầu tiên tại Plymouth thuộc bang Massachusetts. Đây là cuốn sách duy nhất hoàn thiện và tương đối đầy đủ ghi lại thời kỳ đầu của cuộc di cư và là một cứ liệu lịch sử vô cùng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ. Cuốn sách được viết trong thời gian từ 1630 – 1647 trong đó tóm tắt cả một giai đoạn từ 1608 – 1647 với bao biến cố thăng trầm của những người khoang hoang lập địa đầu tiên, những người cha đẻ lập nên nước Mỹ ngày nay.

The Federalist Papers – Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay

(Tạm dịch: Luận cương về thể chế liên bang)

Những cuốn sách làm thay đổi nước Mỹ



Đây là một tuyển tập gồm 85 bài tham luận do Hamilton, Madison và Jay viết để chuẩn bị nền tảng lý luận cho việc Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ phê chuẩn bản Dự thảo Hiến Pháp Liên Bang. Cả ba tác giả nói trên cùng sử dụng chung một bút danh là Publius. Bản luận cương được soạn ra từ năm 1788 và được đánh giá là tác phẩm thể hiện đầu óc khoa học chính trị thiên tài, chiều rộng và chiều sâu tri thức của người biên soạn.

The Autobiography of Benjamin Franklin – Benjamin Franklin

(Tạm dịch: Tự truyện của Benjamin Franklin)

Những cuốn sách làm thay đổi nước Mỹ



Ông là một trong những người có công lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là một chính trị gia, nhà khoa học, tác gia, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao… Với vai trò chính trị gia và nhà hoạt động xã hội, ông đã đưa ra ý tưởng về một nước Mỹ độc lập, tự chủ và có quyền tự quyết, tách ra khỏi sự quản lý của Vương quốc Anh. Với vai trò nhà ngoại giao, trong cuộc Cách mạng Mỹ, ông đã thuyết phục thành công nước Pháp hỗ trợ quân sự cho Mỹ trong công cuộc giành độc lập. Tuy cuốn thiếu mất giai đoạn từ năm 1771-1790 nhưng nó vẫn là một trong những tác phẩm tự truyện nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ.

The Journals of Lewis and Clark - Meriwether Lewis và William Clark

(Tạm dịch: Nhật trình của Lewis và Clark)

Những cuốn sách làm thay đổi nước Mỹ



Cuốn sách được viết trong ba năm từ 1803-1806 kể về cuộc thám hiểm xuyên lục địa đầu tiên được thực hiện trên đất Mỹ. Tổng thống Thomas Jefferson giao trách nhiệm này cho hai cựu chiến binh Lewis và Clark. Họ thực hiện một chuyến đi thực địa mang ý nghĩa khoa học và kinh tế trong đó vừa đi vừa ghi chép lại những loài thực vật, động vật, đặc điểm địa lý và những gợi ý khai thác kinh tế cho từng vùng đất. Cuộc hành trình của họ vô cùng khó khăn, vất vả, không có sự hỗ trợ của những phương tiện giao thông hiện đại như bây giờ, hơn thế nữa trong giai đoạn này mối quan hệ giữa người Mỹ di cư và người dân bản địa rất căng thẳng. Thực hiện chuyến hành trình, Lewis và Clark đã mạo hiểm với tính mệnh của mình.

Walden - Henry David Thoreau

(Tạm dịch: Hồ Walden)

Cuốn sách còn có tên



Cuốn sách còn có tên Life in the Woods (Cuộc sống ở trong rừng) được viết bởi nhà văn theo thuyết tiên nghiệm nổi tiếng Henry David Thoreau. Tác phẩm viết về chủ nghĩa tự do cá nhân, những trải nghiệm xã hội, những cuộc chu du của ý thức con người, mang văn phong trào phúng và đề cao tính tự lập tự cường của con người. Xuất bản năm 1854, truyện kể về những trải nghiệm của Thoreau trong hai năm sống một mình trong một cabin nhỏ ở gần hồ Walden, giữa một cánh rừng gần thị trấn Concord thuộc bang Massachusetts.

Uncle Tom’s Cabin - Harriet Beecher Stowe

(Tạm dịch: Túp lều bác Tom)

Cuốn sách còn có tên



Đây là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử văn học Mỹ có lượng tiêu thụ hàng triệu bản và gây ra một chấn động lớn trong lịch sử chính trị xã hội Mỹ. Cuốn sách viết về những người nô lệ da đen và lên án chế độ dã man, vô nhân đạo này. Ngay lập tức, nó châm ngòi cho một làn sóng dữ dội phản đối sự tồn tại của chế độ nô lệ trên đất Mỹ. Trước đây, làn sóng này đã manh nha âm ỉ nhưng chỉ tới khi tác phẩm này ra đời, vấn đề mới thực sự trở nên nóng hổi và được giải quyết triệt để bằng một cuộc nội chiến nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ. Tác giả Harriet Beecher Stowe khi gặp tổng thống Abraham Lincoln đã được chào đón bằng câu nói nổi tiếng: “Hoá ra bà là người phụ nữ bé nhỏ đã khơi mào ra cuộc nội chiến này.”

Adventures of Huckleberry Finn - Mark Twain
(Tạm dịch: Những chuyến phiêu lưu của Huckleberry Finn)

Cuốn sách còn có tên



Cuốn sách được xuất bản tháng 2/1885, được coi là một trong những tiểu thuyết vĩ đại của Mỹ. Đồng thời nó cũng là bản tuyên ngôn của văn học Mỹ, chính thức “ly khai” khỏi nền văn học Anh vì trong chuyện đã có nhiều màu sắc ngôn ngữ riêng biệt của người Mỹ và những đặc trưng về văn hoá, lối sống của người dân địa phương. Truyện khắc hoạ cuộc sống đầy màu sắc sinh động của những người dân hai bờ sông Mississippi.

The Souls of Black Folk - W. E. B. Du Bois
(Tạm dịch: Những linh hồn da đen)

Những linh hồn da đen



Những linh hồn da đen là một tác phẩm thuộc dòng văn học cổ điển kết hợp giữa lịch sử xã hội học và lịch sử văn học của nhóm người Mỹ gốc Phi. Cuốn sách được xuất bản năm 1903 là một tuyển tập những bài viết về nạn phân biệt chủng tộc được lấy từ chính những trải nghiệm của tác giả và có một chỗ đứng đáng kể trong những tác phẩm văn học của người Mỹ gốc Phi. Đây cũng là một trong những tác phẩm quan trọng của ngành khoa học xã hội vì nó ra đời từ rất sớm và có sử dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học.

The Promised Land - Nicholas Lemann
(Tạm dịch: Miền đất hứa)

Những linh hồn da đen



Tác phẩm tập trung khai thác giai đoạn từ 1940-1970, trong thời kỳ này khoảng 5 triệu người da đen chuyển từ các đồn điền phía Nam lên các khu công nghiệp phía Bắc để tìm kiếm việc làm sau khi chế độ nô lệ đã bị xoá sổ. Thời kỳ này còn được biết tới với cái tên “Cuộc đại di cư của những người da đen”. Ở các thành phố miền Bắc bắt đầu hình thành những khu phố da màu. Lemann đã tới nhiều thành phố để quan sát và khắc hoạ cuộc sống của họ, đa số đều sống trong cảnh nghèo đói, tũng quẫn. Tác phẩm là một tiếng chuông cảnh tỉnh để nhắc chính phủ và người dân Mỹ quan tâm hơn tới một nhóm cộng đồng không nhỏ nhưng dường như bị bỏ quên.

On the Road - Jack Kerouac
(Tạm dịch: Trên đường)

Những linh hồn da đen



Tác phẩm được viết bắt đầu từ năm 1951-1957 và là một tác phẩm tự truyện dựa trên những chuyến đi của Kerouac và những người bạn trong những năm 1950. Đi nhiều và tận hưởng là cách định nghĩa mới của thế hệ trẻ về cuộc sống thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2. Thời kỳ này, thịnh hành nhất là nhạc jazz, thơ ca và... các loại thuốc gây nghiện. Cuốn truyện được đánh giá là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của thế kỷ 20.

The Feminine Mystique - Betty Friedan
(Tạm dịch: Phụ nữ thật khó hiểu)

Những linh hồn da đen



Cuốn sách lần đầu tiên được xuất bản năm 1963, lấy cảm hứng từ phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ Mỹ trong những năm 1950. Năm 1957, Friedan được yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra nhỏ về mức độ hài lòng của phụ nữ Mỹ trong cuộc sống gia đình. Kết quả mà cô thu được là đa số những người phụ nữ nội trợ đều cảm thấy không hạnh phúc. Điều này đã thúc đẩy bà bắt đầu thực hiện một cuộc nghiên cứu lớn hơn về những điều bí ẩn trong tâm lý phụ nữ trên bình diện tâm lý học và dưới sự ảnh hưởng của truyền thông, quảng cáo.

 
 
Hồ Bích Ngọc
Tổng hợp