Những cuộc "ngã giá", những buổi "tiếp khách" khi đi thi... Hoa hậu
(Dân trí) - "Thời điểm ấy tôi đang là Hoa hậu, có người "ra giá" 3 triệu peso (gần 1,5 tỷ đồng) để có một đêm ở bên tôi. Có người đề nghị trả 25 triệu peso (12 tỷ đồng) để tôi làm bạn gái", San Miguel nhớ lại.
Chuyện một Hoa hậu từ bỏ vương miện
Người đẹp Janina San Miguel mới chỉ 17 tuổi khi cô giành chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Philippines, mang về chiếc vương miện danh giá nhất trong số các cuộc thi nhan sắc tại quốc gia này. Janina San Miguel đáng lẽ đã trở thành người đẹp đại diện cho Philippines tại đấu trường nhan sắc quốc tế - Hoa hậu Thế giới (Miss World 2008).
Nhưng khi chỉ còn 3 tháng trước khi cuộc thi diễn ra, Janina San Miguel gây sốc với tuyên bố trả lại vương miện vì những lý do cá nhân. "Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không bao giờ đi thi Hoa hậu", cô nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn thực hiện với tờ tin tức Channel News Asia (Singapore).
Đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi từ bỏ vương miện, giờ đây, cô Miguel chia sẻ thành thực rằng thời điểm ấy cô đưa ra quyết định gây sốc là bởi liên tục phải đối diện với những lời gạ gẫm, bởi cảm thấy quá cô độc, và bởi quá áp lực trước những quy định nghiêm ngặt đặt ra cho mình trong nhiệm kỳ Hoa hậu:
"Thời điểm ấy tôi đang là Hoa hậu, có rất nhiều sự quan tâm, tôi phải nhận rất nhiều lời gạ gẫm, có người 'ra giá' 3 triệu peso (gần 1,5 tỷ đồng) để có một đêm ở bên tôi. Có người đề nghị trả cho tôi 25 triệu peso (12 tỷ đồng) để làm bạn gái của người ta. Khi làm Hoa hậu rồi tôi mới biết có rất nhiều người muốn một nhan sắc có thứ hạng trở thành bạn gái hoặc vợ của họ".
Trong thời gian được đào tạo, huấn luyện để chuẩn bị dự thi Hoa hậu Thế giới, cô Janina San Miguel không biết trước rằng mình sẽ phải chịu đựng những gì, đối với cô, khó vượt qua nhất chính là sự cô đơn và việc bị kiểm soát ngặt nghèo.
Để dồn toàn bộ tâm sức cho khóa đào tạo, cô Miguel không được sử dụng điện thoại, máy tính hay các thiết bị có kết nối Internet, tạm thời dừng mọi liên lạc với... thế giới bên ngoài, bao gồm cả liên hệ với người thân trong vòng 3 tháng để chuyên tâm học tập, luyện rèn.
"Ngay cả khi ông tôi đã sắp qua đời, người ta cũng không định nói cho tôi biết điều đó bởi tôi đang trong thời gian rèn luyện. Họ không muốn tôi bị xao nhãng vì bất cứ lý do nào", Miguel nhớ lại.
Philippines là một quốc gia rất chuộng các cuộc thi nhan sắc. Trong thập kỷ qua, đất nước này đã giành được tới 9 vương miện tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế, điều này càng khiến các cuộc thi nhan sắc trong nước bùng nổ và càng có nhiều cô gái mong ước mình trở thành nhan sắc có thứ hạng.
Nhưng khi càng có nhiều cô gái (và cả các chàng trai) mong muốn trở nên nổi tiếng từ các cuộc thi Hoa hậu, Nam vương, các cuộc thi càng có tính cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Những cuộc thi này bỗng trở thành nơi tìm đến của những "đại gia", của những lời gạ gẫm được ra giá rõ ràng và thẳng tưng.
Đi thi Hoa hậu cũng cần "có kinh tế"
Trên đất nước Philippines, các cuộc thi nhan sắc ở các cấp độ và quy mô tổ chức diễn ra liên tục, từ những cuộc thi Hoa khôi quy mô nhỏ, cho tới những cuộc thi Hoa hậu cấp thành phố, cấp tỉnh diễn ra không ngừng.
Nhưng không như nhiều quốc gia khác, Hoa hậu ở Philippines được công chúng vô cùng hâm mộ, quan tâm và thần tượng. Giảng viên Jose Wendell Capili đến từ trường Đại học Philippines-Diliman lý giải về sự ngưỡng mộ rất lớn mà công chúng Philippines dành cho các Hoa hậu, đặc biệt là những người đẹp có thứ hạng cao tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế:
"Thành tích của các người đẹp này khiến mọi người tin tưởng rằng một người có thể đến từ một vùng miền xa xôi nào đó tại Philippines và rồi khiến người dân trên thế giới phải biết đến mình. Những câu chuyện như vậy rất truyền cảm hứng cho họ, tựa như những câu chuyện cổ tích có thực vậy".
Người mẫu Mercedes Pair hiểu rằng trở thành người đẹp có thứ hạng có thể giúp cô trở nên nổi tiếng tại Philippines, từ đó, các hợp đồng quảng cáo sẽ tìm tới.
Mercedes Pair muốn trở thành Hoa hậu chủ yếu là bởi mẹ cô đang phải chiến đấu với bệnh thận, gia đình cần có nhiều tiền mới có thể giúp mẹ cô điều trị tốt. Trở thành Hoa hậu và nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo sẽ giúp cho gia đình của Mercedes Pair rất nhiều. Vì vậy, Mercedes Pair quyết định tham gia vào cuộc thi Hoa hậu Philippines.
Hàng ngàn cô gái đăng ký dự thi nhưng chỉ có 40 cô gái được lựa chọn chính thức tham dự, sau cùng sẽ chỉ có 5 nhan sắc "có thứ hạng" bước ra từ cuộc thi, mỗi nhan sắc đều sẽ nhận được những hợp đồng quảng cáo với trị giá lên tới hàng triệu peso (tương đương hàng trăm triệu đồng).
Các nhan sắc này cũng được trao cơ hội đại diện cho Philippines tại các đấu trường nhan sắc quốc tế. Dù vậy, con đường đi tới vị trí "người đẹp có thứ hạng" cũng rất đắt. Có những cô gái bước vào cuộc thi Hoa hậu với mức kinh phí chuẩn bị sẵn từ 500.000 - 700.000 peso (tương đương 240 - 340 triệu đồng).
Dựa trên trải nghiệm của mình khi đi thi, Mercedes Pair cho biết: "Kinh phí mà một cô gái có để đi dự thi phụ thuộc vào số tiền mà cô ấy sẵn có hoặc vào nhà tài trợ, người bảo trợ cho cô ấy tại cuộc thi. Tham gia vào một cuộc thi nhan sắc chắc chắn là tốn kém. Mọi người thường hiểu lầm rằng chúng tôi được hưởng mọi thứ miễn phí vì cuộc thi có nhiều nhà tài trợ và mọi thứ đã được chi trả sẵn rồi...".
Khi bước vào cuộc thi, Mercedes Pair đã phải lấy tiền tiết kiệm của mình ra để chi trả cho những nhu cầu phát sinh trong quá trình dự thi. Muốn ở lại lâu trong cuộc chơi, bên cạnh những yếu tố như nhan sắc, năng lực, hiểu biết, ứng xử, các người đẹp còn cần... có kinh tế.
Những nhà tài trợ gây ám ảnh, sợ hãi
Có những cô gái cảm thấy không thoải mái, thậm chí sợ hãi khi phải đối diện với những lời mời mọc, gạ gẫm không mong muốn. Những điều gây khó chịu này nhiều khi lại đến từ chính những nhà tài trợ, những người bảo trợ kinh phí cho cuộc thi. Đối với ban tổ chức và các thí sinh, đó đều là những người rất quyền lực.
Một nhà báo có tên William từng có thâm niên 15 năm đưa tin về các cuộc thi nhan sắc tại Philippines cho biết anh từng chứng kiến việc ban tổ chức của một số cuộc thi yêu cầu thí sinh phải ngồi dùng bữa với các "vị khách quý" đã góp phần tài trợ cho cuộc thi, trong bữa tiệc, có những vị khách trở nên say xỉn.
Một số thí sinh đã nhờ William lên tiếng với ban tổ chức, nhưng anh này được yêu cầu "làm đúng phận sự, không can thiệp vào phần việc không phải của mình": "Tôi muốn giúp họ, nhưng không cô gái nào muốn chính thức lên tiếng, hay muốn đưa sự việc ra ánh sáng, họ thà khó chịu, bất an một lúc, còn hơn đối đầu với những nhà tài trợ giàu có và quyền lực", anh William chia sẻ.
Hồi năm 2018, cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) diễn ra tại Manila (Philippines), có 3 thí sinh đã lên tiếng tố cáo việc bị quấy rối tình dục và từng phải nhận những lời đề nghị khiếm nhã từ một trong những nhà tài trợ của cuộc thi.
Khi ấy, người đẹp Jaime VandenBerg, nhan sắc đại diện cho Canada, đã chia sẻ về việc cô bị một nhà tài trợ làm phiền quá nhiều, người này gọi điện cho cô mỗi ngày và thường xuyên tìm gặp cô: "Người này thậm chí còn hỏi tôi muốn gặp riêng ông ta ở đâu, để ông ta tới thăm tôi tại phòng khách sạn của tôi, hay tôi sẽ tới gặp ông ta ở chỗ của ông ta.
Ông ta cũng hứa hẹn sẽ giúp tôi giành chiến thắng. Tôi thấy rõ ràng người này đang muốn có sự đổi chác, tôi cảm thấy quá khó chịu về con người này và không còn tinh thần tham gia cuộc thi nữa, vì tôi không cảm thấy mình được an toàn". Sau đó, cô Jaime VandenBerg đã sớm rời khỏi cuộc thi.
Các cuộc thi Nam vương cũng có nhiều mảng tối
Các cuộc thi Nam vương ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Philippines, nhưng quy mô và cách thức tổ chức vẫn còn nhiều điều để nói. Gerald, một thí sinh từng dành ra 8 năm để tham gia các cuộc thi Nam vương đã tiết lộ rằng với mỗi giải thưởng mà anh này nhận được đều có những sự "đổi chác" đằng sau đó:
"Sau trải nghiệm của chính mình tại các cuộc thi, tôi nhận thấy một điều là hầu như không có cuộc thi Nam vương nào hoàn toàn trong sạch. Trong số 10 cuộc thi, thì chỉ có khoảng 2-3 cuộc thi là thực sự tiến hành mọi việc một cách nghiêm túc, trung thực".
Mike, một công nhân lao động phổ thông với mức lương ít ỏi cũng từng đi thi Nam vương, vì anh không có kinh phí để tự mình trang trải cho cuộc chơi tốn kém này, nên Mike đã được giới thiệu với những nhà tài trợ "hảo tâm".
Ban đầu, anh chỉ cần gửi ảnh và thực hiện các giao tiếp online hoặc qua điện thoại với người bảo trợ để được hỗ trợ kinh phí cho từng ngày tham gia cuộc thi: "Một số nhà tài trợ dường như muốn có... bạn trai vậy", Mike tổng kết từ trải nghiệm của chính mình với các "nhà tài trợ".
Tránh "bẫy"
Mark Dela Cruz, một người từng có kinh nghiệm tham gia tổ chức những cuộc thi Hoa hậu và Nam vương tại Philippines thừa nhận rằng có những cá nhân "có mục đích riêng" khi nhận làm nhà tài trợ cho cuộc thi hoặc cho thí sinh.
Vì vậy, Mark Dela Cruz thường phải tìm hiểu thông tin về các nhà tài trợ để bảo đảm an toàn cho các thí sinh, đồng thời cảnh báo các thí sinh không ra ngoài gặp gỡ riêng nhà tài trợ:
"Nếu chúng ta muốn các cuộc thi thực sự trong sạch, lành mạnh, trách nhiệm nằm nhiều ở phía ban tổ chức. Bằng cách cắt giảm những việc không cần thiết, áp lực kinh tế đè nặng lên vai thí sinh sẽ được giảm bớt, họ cũng sẽ không cần phải trông cậy quá nhiều vào nhà tài trợ nữa.
Hơn thế, các thí sinh cần hiểu rằng ngay cả khi giành được vương miện, cũng chỉ 2-3 năm sau là họ có thể bị quên lãng. Mỗi người đẹp đều cần phải tự làm mới hình ảnh, phong cách bản thân để được công chúng nhớ đến, không thể chỉ đơn thuần trông cậy vào vương miện. Thực sự không có lợi ích gì khi tổ chức quá nhiều cuộc thi nhan sắc".
Đối với người đẹp Janina San Miguel, sau khi từ bỏ vương miện, cô nhận thấy rằng vương miện không có giá trị gì lớn đối với cuộc sống cá nhân của cô. Miguel trân trọng trải nghiệm đã có trong quá trình dự thi và giành chiến thắng, nhưng cô không nuối tiếc chiếc vương miện mình đã từ bỏ:
"Thế giới showbiz quá phức tạp, với quá nhiều cám dỗ, cạm bẫy khó lường. Khi tôi đi tìm một công việc nằm ngoài giới showbiz, tôi từng liệt kê việc mình đã có thời điểm là Hoa hậu vào trong hồ sơ, nhưng sau này, tôi đã loại bỏ thông tin này đi, bởi thực sự thì thông tin ấy không giúp được gì nhiều cho tôi lúc này và lại có thể tạo nên những rào cản khác".