Những câu chuyện xúc động nhân Ngày của cha
(Dân trí) - Dù không nói ra hay khó thể hiện thành lời nhưng những tình cảm chân thành, thiêng liêng dành cho cha của mình vẫn luôn thường trực trong tim mỗi người con.
Giữa những lo toan, bộn bề, tất bật của cuộc sống, tháng Sáu trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn bao giờ hết vì có Ngày của cha. Tuy không có ngày cố định hàng năm nhưng ngày lễ đặc biệt này thường được lấy vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 6. Năm nay, Ngày của cha rơi vào ngày 20/6/2021.
Đây là dịp lý tưởng để con cái gửi gắm, thể hiện tình cảm với cha bằng những món quà hoặc những lời chúc đầy ý nghĩa.
Sinh nhật đặc biệt của cha
Thuộc thế hệ 7X, tuổi thơ không có mạng, rất ít ảnh chụp nhưng chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) vẫn luôn tự hào về "gia tài" kỷ niệm đầy ắp của mình nhờ sự nâng niu, trân trọng qua hàng chục năm của cha. Đó là những trang nhật ký hay đơn giản là tờ lịch cũ, chiếc lá vàng chất chứa tình yêu vô bờ của cha mà ít đứa trẻ nào thời đó có được và lưu giữ đến bây giờ.
"Kỷ niệm với bố nhiều tới mức không thể kể hết. Nhưng điều mà mình nhớ và ấn tượng nhất chính là bố mẹ đã dành 5 năm đầu đời của mình để viết nhật ký cho mình, từ ngày mình chào đời tới trước khi vào lớp 1. Bố đã viết tới 2/3 cuốn nhật ký về những tháng ngày nuôi con lớn đầy khó khăn. Ngày mình đi vườn trẻ, bố cũng xé tờ lịch dán vào cuốn nhật ký. Hay một chiếc lá vàng rơi trên đường bố chở mình đi vườn trẻ, bố cũng cẩn thận nhặt về dán lại. Lần nào đọc nhật ký, mình cũng khóc vì đã được lớn lên trong sự yêu thương vô bờ của cha.
Bây giờ, bố đã già, lúc nhớ lúc quên nên mình thường nhìn vào cuốn nhật ký để nhớ rằng, bản thân phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bố như bố đã từng làm với mình suốt cuộc đời vậy", chị Hương nghẹn ngào.
Với người phụ nữ này, bố là một mẫu người đàn ông lý tưởng. Ở tuổi 72, bố chị Hương vẫn dành thời gian hàng ngày để học tiếng Trung online và học Phật pháp dù bản thân đang phải chiến đấu với bệnh tim mạch và chứng rối loạn lo âu. "Dù có tuổi, trí nhớ không còn tốt nhưng có 2 việc bố không bao giờ quên là thắp hương trò chuyện với mẹ và vắt nước cam cho con gái mỗi ngày", chị bày tỏ.
Hàng năm, chị Hương đều sắp xếp mọi công việc để cùng gia đình tổ chức "Ngày của cha". Thường sẽ là chuyến du lịch có đủ các thành viên và nấu món ăn mà bố yêu thích nhất. Năm nay, ngày đặc biệt này càng trở nên đáng nhớ hơn với chị khi trùng vào dịp sinh nhật bố (20/6).
"Đây là sinh nhật đầu tiên bố xa mẹ, cũng là một năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chỉ có 2 bố con ở cạnh nhau. Bố là người đơn giản, ít khi để ý tới quà và hoa nhưng mình nghĩ "món quà" quan trọng nhất nên tặng chính là thời gian ở bên bố, những lời nói quan tâm hàng ngày và những kỷ niệm thật vui khi ở bên nhau. Nhân ngày của cha, mình sẽ nấu món ngon bố thích, mở chai rượu để cụng ly chúc mừng sinh nhật bố và tưởng nhớ mẹ", chị nói.
Cũng nhân ngày lễ đặc biệt, chị Hương gửi lời nhắn nhủ, mong bố luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. "Con muốn được uống nước cam bố vắt nhiều lần nữa. Con sẽ thay mẹ chăm sóc bố để mỗi ngày trong tuổi già của bố sẽ đầy ắp niềm vui và những kỷ niệm đẹp. Chúc bố 1 sinh nhật thật vui vẻ và ý nghĩa. Với con, ngày nào trong năm cũng là ngày của bố".
Người cha thầm lặng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết, chị Vi Thị Thanh Xuân (35 tuổi, quê ở Phú Thọ) luôn thấu hiểu được nỗi vất vả của người cha quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" của mình.
Dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng gia đình 6 thành viên chưa bao giờ thiếu những tiếng cười, tinh thần lạc quan và đặc biệt là tình yêu vô bờ của cha. "Mình là con gái cả nhưng chưa bao giờ bố thiên vị mình với các em. Mình luôn nhận được nhiều tình cảm từ bố nhất. Bởi bố hiểu, mình là đứa luôn phải làm mọi việc trong nhà để đỡ đần cha mẹ chăm lo cho các em", chị Xuân thổ lộ.
Lần đầu xa nhà, rời quê hương để vào Sài Gòn học tập, chị nhớ như in hình ảnh người cha tần tảo, gầy gò cố gắng vẫy tay chào con gái mà chẳng thể nói ra lời tạm biệt nào. Dù cha luôn thầm lặng như vậy nhưng chị hiểu và cảm nhận được tấm lòng bao dung, độ lượng và thương con "hơn trời hơn bể" của người đàn ông trụ cột gia đình.
Thời gian vừa học vừa làm đầy khó khăn khi xa nhà, chị Xuân càng thêm thấm thía nỗi vất vả, cơ cực mà người cha 60 tuổi đã chịu đựng, cố gắng bao năm qua để lo toan cho gia đình, con cái. Lần nhận được những đồng tiền làm thêm đầu tiên, chị dành dụm để mua tặng cha một chiếc áo thun. Món quà tuy nhỏ nhưng chất chứa sự biết ơn chân thành của cô con gái dành tặng người cha giàu sự hy sinh của mình.
"Khi rời Sài Gòn để về Hà Nội lập nghiệp, mình luôn tự nhủ phải dành thật nhiều thời gian cho bố, gọi điện hỏi thăm bố mỗi ngày. Mỗi khi được nghỉ hay rảnh rỗi, mình lại đưa các con về thăm bố mẹ ở quê. Khi đã làm mẹ, mình càng cảm nhận được sự hy sinh mà bố mẹ đã dành cho mình", người phụ nữ tuổi 35 xúc động khi kể về cha.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của những người nông dân như cha mẹ chị Xuân gặp nhiều khó khăn, vất vả hơn. Nhưng tinh thần lạc quan của đấng sinh thành đã tiếp thêm sức mạnh cho chị và nhắc nhở chị phải luôn biết cách trân quý tình cảm gia đình, công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ không quản vất vả, mưa nắng.
"Những ngày mùa dịch, mình có thêm nhiều thời gian để ở bên bố mẹ hơn. Dù ít nói nhưng mình luôn hiểu được tình cảm vô bờ mà bố dành cho mình và các em. Nhân ngày của cha, mình mong bố luôn mạnh khỏe, hạnh phúc bên gia đình, sống lâu cùng con cháu. Mình luôn cố gắng quan tâm, dành thời gian cho bố nhiều hơn vì mỗi giây phút được bên bố đều là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất", chị Xuân bày tỏ.
Món quà đặc biệt nhân Ngày của cha
Cũng giống như bao người khác, với chị Lê Trung Thu Hằng (đến từ TPHCM), cha không chỉ là trụ cột gia đình mà còn là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất. Dù lớn lên trong thời gian khó nhọc, đầy vất vả nhưng chị Hằng luôn được cha yêu thương và đầu tư cho sự nghiệp học hành hết mức có thể.
"Ba mình là anh cả trong một gia đình đông con ở làng quê Bình Định. Mặc dù rất thông minh và ham học nhưng ba phải nghỉ học sớm để cùng bà nội lo cho các em.
Chính vì con đường học vấn dang dở nên ba luôn khuyến khích và động viên chị em mình học hành thành tài. Ba luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các con được học tập thuận lợi dù nhà đông con, gia đình thuộc diện khó khăn, phải ở trong căn nhà gỗ, mái tranh, ăn cơm với cá khô rang chấm nước mắm… Mỗi lần nhắc lại câu chuyện về ba, mình đều nhớ như in và rơi nước mắt khi kí ức ùa về", chị Hằng xúc động.
Từ những năm tháng học tiểu học cho đến trung học cơ sở rồi phổ thông hay đại học, ba luôn có mặt trong mọi hành trình đi tìm kiếm tri thức của chị Hằng. Mỗi kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hay thời điểm quan trọng vào đại học, người phụ nữ này đều cảm thấy an tâm vì có sự đồng hành của ba. Thậm chí, ba còn treo thưởng để khích lệ cô con gái nhỏ cố gắng đạt thành tích cao trong học tập. Và món quà đặc biệt được nhận từ ba mà chị Hằng nhớ mãi chính là chiếc máy vi tính hiện đại khi đạt kết quả học tập xuất sắc năm lớp 7.
Chiếc máy vi tính xuất hiện như mở ra một trang mới cho cuộc sống của chị Hằng và cả gia đình, nơi chị có thể học hỏi và trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa. Tuy cưng chiều con cái nhưng ba chị vẫn tỏ ra nghiêm khắc để các con học tập thành tài và nên người. Ngoài giờ học, các chị em còn phụ giúp bố mẹ công việc nhà hay đi làm vườn như: dọn cỏ, hái cà phê, hái trà, tưới cây,…
Lần đầu tiên xa nhà vào năm lớp 9 khi lên thị xã ở trọ và đi học, chị Hằng đã không làm phụ lòng ba nhờ kết quả học tập xuất sắc. "Ngày họp phụ huynh, ba mặc bộ đồ cũ giản dị đúng chất người làm vườn chính hiệu. Các phụ huynh khác ở thị xã nên họ ăn mặc đẹp, rất chỉnh tề. Dù ba có chút ngượng ngùng nhưng khi nghe cô giáo đọc kết quả mình đứng nhất lớp, ba đã nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ từ mọi người. Buổi trưa hôm đó, ba đã chiêu đãi mình một bữa phở thật ngon và trong lòng hai ba con đều tràn ngập hạnh phúc", chị Hằng nhớ lại.
Luôn giữ vị trí xuất sắc trong những năm tháng học phổ thông, thi đậu vào trường chuyên hay dành được học bổng thời đại học, chị Hằng luôn là niềm tự hào của ba và gia đình. Thậm chí, tiền thưởng của những nỗ lực trong học tập và tiền dạy thêm đều được chị tiết kiệm cẩn thận, để dành mua tủ lạnh, máy giặt cho ba mẹ đỡ vất vả. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, ra trường tự xin việc và được nhận vào dạy ở 2 ngôi trường TPHCM rồi giành được cả tấm bằng Thạc sĩ, chị Hằng luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục của cha - người đàn ông lặng thầm đã đồng hành cùng chị suốt chặng đường đi tìm tri thức.
"Ngày mình nhận bằng Thạc sĩ, ba sắp xếp công việc để đến chung vui cùng mình. Và mình nhận ra vẻ mặt rạng rỡ và hạnh phúc tột độ của ba. Bao kỳ vọng ba gửi gắm, mình đã cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất để ba và gia đình có thể tự hào, nở mày nở mặt với mọi người. Cũng nhờ sự nuôi dưỡng, giáo dục vừa nghiêm khắc, vừa mềm mỏng của ba mà mình mới thành công và tự lập được như ngày hôm nay. Mình rất trân trọng điều đó", chị bày tỏ.
Nhân Ngày của cha (20/6), vợ chồng chị Hằng đã tự tay chế biến món ngon, bổ dưỡng từ tổ yến, dành tặng món quà sức khỏe đặc biệt này tới người cha giàu đức hy sinh của mình. Dù công lao của ba lớn "bằng trời bằng bể" nhưng chị luôn cố gắng dành nhiều thời gian để ở bên, bù đắp cho ba.
Cũng qua ngày lễ ý nghĩa này, cô giáo trẻ mong muốn được gửi tới ba những lời chúc chân thành, đặc biệt nhất. "Con cảm ơn ba vì tất cả. Con luôn hạnh phúc vì được làm con gái của ba. Cách giáo dục của ba đã giúp con tự lập từ nhỏ và không ngại khó khăn nào trong cuộc sống. Và cũng nhờ có ba mà con mới theo đuổi được ước mơ, trở thành một cô giáo dạy Hóa tại Sài Gòn như bây giờ. Con mong ba luôn khỏe mạnh để ở bên chúng con và cho con thêm mạnh mẽ, vững bước trước những sóng gió cuộc đời, ba nhé!".