Những bộ phim “gay cấn” nhất làm về đề tài… vượt ngục
(Dân trí) - Dư luận thế giới vừa bị sốc trước những vụ vượt ngục táo tợn xảy ra ở Mỹ và Mexico. Báo chí phương Tây đã ngay lập tức so sánh những vụ việc này với các bộ phim vượt ngục nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh.
The Shawshank Redemption (Nhà tù Shawshank - 1994)
Dù thường xuyên xuất hiện trong top những phim gay cấn nhất làm về đề tài vượt ngục, nhưng khi mới ra mắt “Nhà tù Shawshank” đã bị thất bại về mặt doanh thu. Dù vậy, thời gian đã cho thấy đây là bộ phim khiến người xem thích thú bởi sự kịch tính cao trào.
Andy Dufresne là một nhân viên ngân hàng, bị kết tội oan rằng đã giết chết vợ và người tình của vợ, anh phải nhận án tù chung thân. Trong nhà tù Shawshank, Andy kết bạn với một người tù già hiểu biết - người đóng vai trò như một ngọn hải đăng chỉ đường cho cuộc đời những tưởng đã rơi vào cơn khủng hoảng không lối thoát của Andy.
Phim nhận được 7 đề cử Oscar nhưng không giành được giải nào bởi năm đó có một đối thủ quá nặng ký là “Forrest Gump”. Khi xảy ra vụ vượt ngục gây sốc dư luận Mỹ hồi tháng 6 vừa qua, vụ việc đã liên tục được báo giới Mỹ so sánh với bộ phim kinh điển này.
Escape to Victory (Chiến thắng để tự do - 1981)
Phim lấy bối cảnh Thế chiến II với nội dung xoay quanh một trận đấu bóng mà các sĩ quan Đức Quốc xã muốn tổ chức hòng phục vụ mục đích tuyên truyền. Đó là một trận bóng giữa đội tuyển Đức với đội tuyển gồm các tù binh của quân Đồng minh.
Các tù nhân đồng ý thi đấu vì họ muốn lợi dụng cơ hội này để chạy trốn khỏi trại tập trung. Phim có sự góp mặt của hai danh thủ vĩ đại, đó là đội trưởng đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966 - Bobby Moore và Pelé, siêu sao bóng đá người Brazil.
Kế hoạch ban đầu đặt ra là các cầu thủ tù nhân sẽ tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa hiệp để tẩu thoát thông qua đường ống thoát nước. Tuy vậy, cuối cùng những chiến binh quả cảm đã quyết định ở lại để thi đấu đến cùng, “chiến thắng để tự do” trong vinh quang.
The Great Escape (Cuộc đào thoát vĩ đại - 1963)
Phim lấy bối cảnh Thế chiến II nhưng khai thác những câu chuyện có thật trong lịch sử. Đó là một “cuộc đào thoát vĩ đại” của hơn 600 tù binh ở một trại tập trung của Đức. Một kế hoạch chi tiết đã được vạch ra đòi hỏi sự “hiệp đồng tác chiến” ăn ý của tất cả các tù binh trong trại.
La Grande Illusion (Ảo tưởng vĩ đại - 1937)
Bộ phim của đạo diễn người Pháp Jean Renoir được coi là một siêu phẩm điện ảnh “làm về chiến tranh nhưng không hề có bất cứ cảnh chiến đấu nào”. Bộ phim xoay quanh chủ đề giai cấp, chủng tộc, được thể hiện qua cuộc sống của một nhóm quân nhân Pháp bị giam giữ trong một nhà tù của Đức thời Thế chiến I.
Dù có xuất thân khác biệt nhưng trong tình cảnh này, tất cả phải đồng lòng nhất trí để thực hiện kế hoạch tẩu thoát. Phim thể hiện góc nhìn nhân đạo đối với tất cả các tuyến nhân vật ở các bên chiến tuyến và được coi là một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Pháp cũng như của thế giới.
Escape from Alcatraz (Vượt ngục Alcatraz - 1979)
Bộ phim kịch tính làm về cuộc vượt ngục có thật của kẻ cướp ngân hàng Frank Morris - kẻ đã cùng đồng bọn của mình tẩu thoát thành công khỏi nhà tù Alcatraz - nơi được cho là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Những người quản trại cho rằng cuộc đào tẩu này về thực tế là thất bại vì Frank và đồng bọn đã bị chết đuối trong làn nước lạnh giá (nhà tù nằm ngay cạnh vịnh), nhưng thực tế người ta chưa bao giờ tìm thấy một thi thể nào trên vịnh sau vụ đào tẩu. Cuộc đào tẩu “huyền thoại” ấy đã được thực hiện chỉ với giấy bồi, áo mưa và thìa sắt.
Papillon (Người tù khổ sai - 1973)
“Người tù khổ sai” được thực hiện dựa trên cuốn tự truyện từng gây sốt của một cựu tù nhân có tên Henri Charrière. Bị kết án tù khổ sai chung thân oan ức vì tội giết người, Henri quyết chí vượt ngục để trả thù. Quyết tâm mạnh mẽ nung nấu không nguôi ấy đã khiến Henri có đủ sức mạnh chịu đựng mọi gian khổ.
Trong nhà tù, Henri đã liên tục lập nên những kế hoạch vượt ngục, kế hoạch này bị vỡ lở, kế hoạch khác lại ra đời, đến khi thành công thì Henri đã ở tuổi xế chiều và không còn quyết tâm trả thù sục sôi nữa, cuối cùng, điều duy nhất có ý nghĩa đối với Henri là sự tự do.
Stalag 17 (Trại giam 17 - 1953)
Bộ phim lấy bối cảnh trại giam số 17 của Đức nằm trên sông Danube, nơi đây giam giữ toàn các sĩ quan không quân Mỹ. Đã có hai sĩ quan đào thoát bị giết ngay tại chỗ để “răn đe” những người tù khác, cộng thêm việc các kế hoạch đào thoát khác đều sớm bị bại lộ khiến các tù nhân nghi ngờ đang có một tay chỉ điểm ở trong nhóm.
Mọi nghi vấn đều tập trung vào Sefton, một người tù có tính cách cơ hội, thường xuyên buôn bán với lính Đức để kiếm lợi, có đời sống tốt hơn tất cả các tù nhân khác trong trại và luôn công khai tỏ ý hài lòng với cuộc sống trong tù, sẵn sàng ở lại đây chờ tới ngày chiến tranh kết thúc.
Nam diễn viên William Holden - người vào vai Sefton - đã nhận được tượng vàng Oscar cho Nam chính xuất sắc. Khi lên nhận giải, nam diễn viên đã có bài phát biểu ngắn nhất trong lịch sử với chỉ một câu duy nhất - “Thank you”, về sau, kỷ lục này bị phá vỡ bởi đạo diễn Alfred Hitchcock khi phát biểu của ông còn ngắn hơn nữa, chỉ “Thanks”.
Escape from New York (Trốn thoát khỏi New York - 1981)
Bộ phim giả tưởng lấy bối cảnh New York năm 1997, chiếc máy bay chở Tổng thống Mỹ bị rơi xuống Manhattan - nơi giờ đây đã bị biến thành một nhà tù khổng lồ với hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Vụ rơi máy bay đã khiến Tổng thống bị rơi vào tay những băng đảng tội phạm khét tiếng.
Để cứu Tổng thống ra ngoài, để ông kịp đến dự một cuộc họp thượng đỉnh, người ta đã đưa vào trại một tù nhân, từng là một cựu quân nhân trong lực lượng đặc nhiệm, có tên Snake Plissken. Trong vòng 22 giờ, Snake phải giải cứu được Tổng thống ra khỏi nhà tù khét tiếng, nếu không chính anh cũng bị lĩnh án tử.
Cool Hand Luke (Kẻ trơ tráo - 1967)
Tù nhân Luke Jackson phải nhận án tù sau khi nhậu xỉn và gây náo loạn cả thành phố. Dragline - kẻ có “vai vế” trong tù - rất khó chịu với tay tù nhân mới đến và tìm mọi cách để hạ nhục Luke. Nhưng mọi trò của Dragline đều thất bại, thậm chí còn khiến Luke có thêm uy thế với các “bạn tù” khác. Thế rồi khi biết tin mẹ mất, Luke quyết tâm đào tẩu…
Midnight Express (Chuyến tàu lúc nửa đêm - 1978)
“Chuyến tàu lúc nửa đêm” là cụm từ “lóng” ám chỉ những cuộc vượt ngục. Bộ phim kể về câu chuyện có thật của một sinh viên người Mỹ có tên Billy Hayes, bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tàng trữ chất cấm. Ngay lập tức, Billy bị đưa vào tù và suy sụp nặng nề. Cuối cùng, Billy quyết định phải đào thoát để trở về Mỹ.
Bích Ngọc
Tổng hợp