Những bà quả phụ giàu có nhất trên tàu Titanic tặng gì cho người cứu mạng họ?
(Dân trí) - Những bà quả phụ giàu có nhất trên tàu Titanic - những quý bà đã sống sót trải qua vụ đắm tàu dù chồng của họ không được may mắn như vậy - đã cùng chung tiền mua một tặng vật quý giá cho người đã cứu sống họ.
Trải qua biến cố kinh hoàng, ba bà quả phụ giàu nhất trên tàu Titanic đã cùng chung tiền mua một chiếc đồng hồ vàng quý giá tặng cho người thuyền trưởng đã cứu sống những hành khách trên tàu Titanic.
Ông Arthur Rostron là thuyền trưởng của con tàu RMS Carpathia, đây cũng chính là con tàu đã phát hiện ra vụ đắm tàu Titanic và nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu khoảng 710 hành khách lúc ấy đã yên vị trên xuồng cứu hộ.
Sau biến cố, ba bà quả phụ gồm Madeline Astor, Marian Thayer và Eleanor Widener đã cùng chung tiền mua một chiếc đồng hồ vàng đắt giá từ hãng trang sức Tiffany để tặng người thuyền trưởng, vì ông đã nỗ lực hết sức để làm được những điều tốt nhất có thể cho các hành khách tàu Titanic.
Ba người phụ nữ, cùng sống tại New York (Mỹ), đã tặng chiếc đồng hồ như một lời tri ân. Sau chuyến hải trình bi kịch, cả ba người đều trở thành quả phụ, bởi ba người đàn ông tỷ phú của họ, cũng là ba người giàu có hàng đầu thế giới ở thời điểm bấy giờ, đều đã ra đi cùng với con tàu đắm hồi năm 1912.
Khi ấy, hoạt động cứu hộ ban đầu với các xuồng cứu hộ đã được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên phụ nữ và trẻ nhỏ, đó là điều mà hầu hết các hành khách đều tự ý thức tuân thủ và rất nhiều đàn ông có mặt trên tàu Titanic đã nhường chỗ trên xuồng cho vợ con họ.
Giờ đây, chiếc đồng hồ vàng của thuyền trưởng Rostron được đem ra đấu giá và được kỳ vọng đạt mức 50.000 bảng (hơn 1,5 tỷ đồng).
Trong cuộc cứu hộ, thuyền trưởng người Anh Arthur Rostron được xem là người hùng bởi ông đã điều khiển con tàu của mình chạy với tốc độ cao một cách an toàn vượt qua những tảng băng trôi và điều kiện thời tiết không thuận lợi, để sớm có mặt chỉ sau chưa đầy hai tiếng kể từ khi con tàu Titanic bị chìm.
Trước đó, tàu Carpathia đã nhận được tín hiệu từ tàu Titanic. Đến hiện trường đắm tàu giải cứu những người sống sót, tàu Carpathia tiếp tục chạy an toàn tới New York (Mỹ) - điểm đến ban đầu của tàu Titanic.
Thực tế, có một số hành khách dù đã lên được xuồng cứu hộ nhưng vẫn thiệt mạng bởi quần áo của họ đã bị sũng nước, gây nhiễm lạnh, vì vậy, thời gian lúc đó là rất quý giá đối với mạng sống của nhiều người.
Sau khi đã thực hiện xong nhiệm vụ cứu hộ và đưa các hành khách còn sống sót tới New York (Mỹ), ngài thuyền trưởng Rostron đã được mời tới nhà riêng của bà Astor tại New York để nhận chiếc đồng hồ cảm tạ.
Trên tàu Titanic khi ấy, ông John Astor là hành khách giàu có nhất với khối tài sản tương đương khoảng gần 3 tỷ USD ở thời đại hôm nay.
Mặc dù giàu có là vậy, nhưng doanh nhân này đã không cố gắng để tìm cho mình một chỗ trên xuồng cứu hộ và đã chấp nhận cái chết giống như cách nghĩ của nhiều người đàn ông khác có mặt trên tàu Titanic khi đó: chỗ trên xuồng cứu hộ phải ưu tiên cho phụ nữ và trẻ nhỏ.
Hai doanh nhân giàu có khác là ông John Thayer và ông George Widener cũng chịu chung số phận. Về phần thuyền trưởng Rostron, sau khi chuyến tàu cứu hộ cập bến New York, ông đã nhận được rất nhiều quà tặng từ những hành khách trên khoang hạng nhất như lời cảm tạ.
Trên chuyến tàu định mệnh Titanic, vợ chồng ông Astor - người đàn ông giàu có nhất thế giới thời bấy giờ - đang trở về từ kỳ nghỉ trăng mật kéo dài 6 tháng tại Châu Âu. Ông John Astor (47 tuổi) trước đó đã ly hôn người vợ đầu và kết hôn với cô Madeleine (18 tuổi).
Khi lên tàu Titanic, cô Madeleine đã có thai 5 tháng. Về sau, người phụ nữ sinh một cậu con trai vào ngày 14/8/1912 và đặt tên là John Jacob Astor V để tưởng nhớ người chồng quá cố.
Doanh nhân giàu có George Widener và vợ khi ấy cũng đang trở về New York trên con tàu Titanic sau chuyến du chơi Paris để tìm kiếm một đầu bếp cho khách sạn mới của họ.
Chiếc đồng hồ vàng này sẽ được rao bán đấu giá tại sự kiện tổ chức ở thị trấn Devizes (Anh) vào tháng 10 này.
Bích Ngọc
Theo Fox News