“Như có Bác trong ngày đại thắng” và kỳ tích của nhạc sĩ Phạm Tuyên
(Dân trí) - Sáng tác “Như có Bác trong ngày đại thắng” trong hai giờ đồng hồ và hai ngày sau trở thành ca khúc được cả nước hát trong ngày thống nhất đất nước năm 1975, Phạm Tuyên được tặng Huân chương Lao động.
Dự đoán trước ngày thống nhất đất nước
Đêm ngày 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại rằng, sáng hôm sau (ngày 29/4/1975), ông mang bản nhạc lên Đài Phát thanh để thu thì Giám đốc Đài lúc đó là nhà báo Trần Lâm nói: “Bài hay lắm nhưng nếu cho thu bây giờ thì sẽ mang tiếng là “lạc quan tếu”, vì đã thống nhất đâu. Để dành đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ rồi thu vậy”.
“Đến ngày 30/4/1975 thì tin chiến thắng tràn đi khắp nơi. Giám đốc bảo tôi đưa bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” để tốp ca của đoàn ca nhạc thu gấp, phát trong bản tin đặc biệt.
17h, Trung ương công bố tin đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam ra toàn thế giới. Đài Phát thanh phát tin xong là mở bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Bản thu đó, đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách.
Tôi chưa bao giờ dự cuộc thu thanh âm nhạc nào mà từ người chỉ huy cho đến người hát đều… khóc. Khóc vì vui sướng!
“Như có Bác trong ngày đại thắng” là cả quá trình tích luỹ cảm xúc từ những năm tháng chiến đấu gian khổ của dân tộc cho đến khi nghe những tin thắng trận liên tiếp báo về vào cuối tháng 4/1975, kết hợp với tình cảm nhớ thương dành cho lãnh tụ luôn ở trong tim.
Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam, có chung cảm xúc hân hoan, tự hào trong ngày toàn thắng, và tôi chỉ là người ghi cảm xúc ấy thành lời hát mà thôi”, ông bồi hồi nhớ lại.
Kỳ tích nhận Huân chương Lao động cho một ca khúc
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, sức sống của ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã vượt ngoài sức tưởng tượng của ông.
Sức lan tỏa của “Như có Bác trong ngày đại thắng” mạnh mẽ tới nỗi không chỉ nhanh chóng được nhân dân cả nước hát mà “bay sang” cả Nhật Bản, Campuchia… được nhiều người yêu Việt Nam hát.
Không chỉ được nhiều người yêu mến, học thuộc, có thời điểm sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên còn được mang ra làm bài học cho môn lịch sử (dạy lịch sử qua bài hát). “Chẳng hạn câu “30 năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công”. Tại sao lại là “dân chủ cộng hoà”? Học sinh sẽ phải tìm hiểu. Rồi “30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông” là tính từ năm nào đến năm nào? Nhờ đó học sinh sẽ biết đó là khoảng thời gian đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước từ năm 1945-1975. Hay, điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh” vì sao lặp lại nhiều lần? Đó là những “từ khoá” để gợi mở học sinh phải tìm hiểu về các giai đoạn của lịch sử”, vị nhạc sĩ vui vẻ cho biết.
Chính vì sức sống, sự lan tỏa mạnh mẽ mà ca khúc này được đề xuất tặng Huân chương. Và 10 năm sau (1985), nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Huân chương Lao động hạng ba cho “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Đây là điều từ trước đến nay chưa có tiền lệ.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại kỷ niệm vui: “Vì là lần đầu tiên một nhạc sĩ được trao Huân chương Lao động cho một ca khúc nên ai cũng nghĩ đi kèm sự đặc biệt đó phải là phần thưởng to lắm. Nhưng thực ra, chỉ có giá trị tinh thần thôi. Lúc đó, nhà tôi có nuôi vài con gà trên sân thượng. Để mừng đón huân chương, nhà tôi đã thịt hai con gà đang nuôi trong chuồng làm một bữa miến mời bạn bè đến chung vui. Trong bữa “đại tiệc” đó, nhiều bạn bè, đồng chí đến dự đều ngồi bệt xuống sàn nhà ăn liên hoan! Bữa liên hoan đó thật đơn sơ nhưng vui vẻ và ấm cúng...”
Những “giai thoại” vui xoay quanh “Như có Bác trong ngày đại thắng”
“Đầu năm 2000, tôi đi Cao Bằng dự cuộc họp trên đó, ra dự mít tinh, cuối buổi mọi người hát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” . Tôi hỏi một anh thanh niên đứng cạnh: “Bài này là bài gì?”. Anh thanh niên nói: “Bài này mà bác không biết à? Bài này là bài “Giã bạn”. Cứ kết thúc hội họp, liên hoan vui vẻ là vỗ tay hát”. Tôi hỏi: “ Anh có biết ai sáng tác không?” Anh nói: “ Không biết”. Người đi cùng tôi định giới thiệu nhưng tôi đã ngăn lại. Dù anh thanh niên không nhớ tên bài hát, không nhớ tên tác giả nhưng tôi vẫn rất vui. Đối với tôi, không vì khoe tên tuổi, chức danh mà vui vì tác phẩm vẫn sống trong lòng quần chúng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.
Ca khúc lịch sử của Phạm Tuyên còn vang lên ở mọi lúc mọi nơi, từ bóng đá, hội nghị đến liên hoan, hội hè…Trong những ngày cuối tháng 1/2018, khi mà đội tuyển U23 Việt Nam liên tục giành chiến thắng trên sân cỏ tại giải U23 Châu Á, “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục vang lên trên mọi ngả đường, con phố của Việt Nam như khúc khải hoàn cho tinh thần, ý chí, quyết tâm của người dân đất Việt.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ thêm: “Tôi còn nhớ, trong một sự kiện văn hoá mà tôi được tham gia tại Nhật Bản vào năm 1979, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi người Nhật lại hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” ở sự kiện này. Tôi hỏi họ: “Tại sao các ông lại hát ca khúc này?” Họ trả lời rằng, dù ca khúc này có hoàn cảnh sáng tác cụ thể nhưng họ vẫn thích hát vì nó thể hiện tinh thần, ý chí của người Việt Nam. Tôi đã rất cảm động khi nghe nói vậy!".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở huyện Bình Giang, Hải Dương. Ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng. Ngay từ khi ở chiến khu Việt Bắc ông đã có “Em vào thiếu sinh quân”, “Lớp học rừng” (1950), “Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa” (1950), tiếp theo là “Tiến lên Đoàn viên” (1954)…
Trong 200 tác phẩm dành cho thiếu niên, nhi đồng, nhạc sĩ Phạm Tuyên dành không ít tác phẩm cho lứa tuổi mầm non. Đặc biệt những ca khúc đồng dao như: “Con kiến mà leo cành đa”, “Cái bống bình”, “Bầu và Bí”, “Bà còng đi chợ”, “Gánh gánh gồng gồng”, “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Tu hú là chú bồ các”, “Rềnh rềnh ràng ràng”, “Con chim chích choè”…
Bên cạnh đó, ông cũng có rất nhiều ca khúc viết về Đảng, về cách mạng như: “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Từ làng Sen”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”…
Nguyễn Hằng