Nhớ lại phong vị phim Tết xưa

Dù đã ra đời cách đây cả thập kỉ nhưng “Tết này ai đến xông nhà”, “Hoa đào ngày Tết”, “Vị khách lúc giao thừa”… vẫn luôn là những bộ phim mang lại dư vị ngọt ngào, ấm áp về ngày Tết cổ truyền trong lòng khán giả yêu điện ảnh.

Nhớ lại phong vị phim Tết xưa



Từ trước đến nay, những bộ phim làm về ngày Tết, chiếu trong ngày Tết luôn nhận được sự quan tâm không nhỏ của công chúng, đặc biệt là vào thời điểm cách đây gần chục năm, khi số lượng phim Tết không nhiều, thậm chí còn được nhà đài phát đi phát lại nên hầu như khán giả xem phim nào là sẽ nhớ như in phim đó.

Khác với những bộ phim Tết thời nay, thường tập trung khắc họa sự xung đột cười ra nước mắt giữa các yêu tố tân – cổ, thì phim Tết xưa lại thường hướng tới việc khẳng định giá trị nền tảng của ngày Tết cổ truyền - dịp để mọi người thuộc mọi địa vị, mọi nghề nghiệp, lứa tuổi… bỏ qua những định kiến và rào cản xã hội để đến gần nhau hơn.

Nổi tiếng nhất và được khán giả nhớ nhất có lẽ là “Tết này ai đến xông nhà”, một bộ phim hài nhẹ nhàng và ý nghĩa của đạo diễn Trần Lực.

Poster phim Tết này ai đến xông nhà

Poster phim "Tết này ai đến xông nhà"

Chuyện phim kể về công cuộc tìm người vợ hoàn hảo của Thi (do Quốc Khánh thủ vai) – một anh chàng kỹ sư vào loại đẹp trai, ăn nói có duyên và khá dẻo miệng, gia đình lại thuộc dạng khá giả, tuy đã có tuổi nhưng vẫn chưa muốn lấy vợ.

Lí do là bởi Thi luôn đặt ra những tiêu chuẩn quá cao về người bạn đời, trong khi bản thân anh lại là một chàng trai hà tiện đến mức keo kiệt. Nếu tỏ tình không thành, Thi sẽ lập tức chia tay, đòi quà.

Poster phim Tết này ai đến xông nhà

Cảnh anh kỹ sư Thi (Quốc Khánh) đi mua quà tặng người yêu. Sau một hồi nâng lên đặt xuống, anh quyết định mua cho người yêu một lọ nước hoa to bằng... ngón tay.

Kết thúc phim là cảnh anh Thi kỹ sư vội vã tìm mua một đôi giày cao gót để tặng cho cô gái mà trước đây bạn anh đã giới thiệu nhưng anh chê lùn với quyết tâm lấy bằng được vợ trước khi hết năm.

Chung cảnh ngộ với anh Thi của “Tết này ai đến xông nhà”, anh Hải trong “Hoa đào ngày Tết” (Đức Khuê thủ vai) cũng đau đầu khi năm hết Tết đến mà chuyện vợ con vẫn còn dang dở chỉ vì mải mê công việc.

Để làm yên lòng cha mẹ, Hải đã thuê Thảo – cô gái bán hoa sống cùng khu tập thể (Thùy Dương thủ vai) giả làm bạn gái anh để về ra mắt gia đình. Đóng vai một cô gái Thủ đô xinh đẹp lại nhẹ nhàng, lễ phép, tình cảm, Thảo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của gia đình và họ hàng nhà Hải.

Cảnh trong phim Hoa đào ngày Tết

Cảnh trong phim "Hoa đào ngày Tết"

Sống trong không khí ấm cúng của làng quê Việt Nam ngày Tết và sự yêu thương chân thành của bố mẹ Hải, tâm hồn cô gái làng chơi bỗng dưng xao động. Thảo dần nhận ra sự đáng quý của những điều giản dị mà cô đã quên đi khi lao theo vòng quay hối hả của cuộc sống. Trong cô nhen lên một tình cảm đặc biệt dành cho Hải, cho gia đình Hải, cùng với đó là khát vọng hoàn lương.

Thế nhưng, Thảo nhanh chóng bị kéo về thực tại khi cô chứng kiến cảnh một cô gái trong làng lầm lỡ đi theo nghề “buôn phấn bán hương” phải tự tử vì không chịu nổi ánh mắt khinh miệt của người đời. Sau mọi chuyện, Hải vẫn thể hiện rằng anh luôn yêu quý và trân trọng Thảo, nhưng cô đã quyết định bí mật bỏ đi và chỉ để lại một bức thư giã biệt khiến Hải không khỏi buồn bã.

Dù đoạn kết khiến không ít khán giả nuối tiếc khi hai nhân vật chính không đến được với nhau, nhưng những giá trị tình cảm trong trẻo mà bộ phim để lại cũng đã đủ khiến khán giả cảm thấy ấm áp và hài lòng.

Khác với số đông phim Tết, “Vị khách lúc giao thừa” lại là một bộ phim có nội dung khá lạ với đoạn kết đầy bất ngờ và ý nghĩa. Phim mở đầu bằng cảnh một nghệ sĩ thổi kèn vì say xỉn nên thay vì về nhà mình đã bước vào nhà một người hàng xóm ở khác tầng trong khu tập thể. Chủ căn nhà đó là một người phụ nữ mới bỏ chồng (do Minh Hòa thủ vai), hiện đang ở cùng một cậu con trai nhỏ tuổi nghịch ngợm.

Vị khách lúc giao thừa là bộ phim có nội dung đơn giản, ít nhân vật nhưng vẫn rất hay và ý nghĩa.

"Vị khách lúc giao thừa" là bộ phim có nội dung đơn giản, ít nhân vật nhưng vẫn rất hay và ý nghĩa.

Giật mình sợ hãi khi phát hiện có kẻ lạ đột nhập vào nhà đêm giao thừa, người mẹ trẻ còn ngạc nhiên hơn khi người lạ say xỉn ấy cư xử như thể đó là nhà mình và coi chị là khách, thậm chí còn bóc bánh kẹo và mời chị uống trà. Tuy nhiên, sau khi nhận ra sự nhầm lẫn của mình, người nghệ sĩ thổi kèn vui tính đã được người mẹ trẻ và cậu con trai mời ở lại để cùng đón giao thừa.

Bộ phim kết thúc đầy bất ngờ, khi người nghệ sĩ đó chính là một anh bạn của người chồng cũ, và con đường mà người nghệ sĩ rủ 2 mẹ con đi du xuân cũng chính là con đường đưa 2 mẹ con về với tổ ấm gia đình, về với vòng tay yêu thương của cha, của chồng.

Đúng như tên gọi của mình, bộ phim “Quà năm mới” chính là một món quà độc đáo, ý nghĩa mà các nhà làm phim ưu ái dành cho các bạn nhỏ Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán.

Phim kể về 3 người bạn Hiếu, Duy, Đản. Hiếu là một cậu bé người Việt mới cùng bố từ nước ngoài về, bị bạn bè gọi là “Gà Tây” vì Tết mà lại trưng bày và trang trí… cây thông Noel. Duy là con trai duy nhất của một gia đình trí thức tại Thủ đô, ngoan ngoãn, chăm học, nghe lời. Còn Đản là một cậu bé nghèo từ quê lên, thất học, phải đi đánh giày kiếm tiền và sống với một cụ già trong túp lều ven sông.

Duy - cậu bé mọt sách, Hiếu Gà Tây và Đản - cậu bé đánh giày.

Duy - cậu bé "mọt" sách, Hiếu "Gà Tây" và Đản - cậu bé đánh giày.

Nhân dịp Tết, Hiếu được bố tặng cho “cả thế giới” – một chiếc máy tính nối mạng Internet để trò chuyện với các bạn nước ngoài. Duy thì nhận được một bộ sách lịch sử. Đản không những không có quà Tết, mà thậm chí còn phải ở lại thành phố để kiếm thêm tiền, chỉ có thể gửi bạn cầm về cho mẹ và em ở quê một ít tiền.

Theo lời mẹ dặn, Duy sang nhà rủ Hiếu đi đến nhà thầy giáo chúc Tết. Trên đường đi, một biến cố bất ngờ xảy ra khiến 2 anh “công tử bột” trở thành bạn với Đản và được cậu bé nghèo rủ về nhà chơi. Chứng kiến gia cảnh nghèo khó của Đản và bà, Duy liền tặng họ món quà mà mẹ đã soạn sẵn để cậu biếu thầy.

Bộ phim kết thúc có hậu khi cả 3 cậu bạn đều nhận được món quà ngày Tết mà mình mong muốn, nhưng đồng thời cũng học được một bài học lớn về tình bạn, tình người.

Duy - cậu bé mọt sách, Hiếu Gà Tây và Đản - cậu bé đánh giày.

Trong "Quà năm mới", khán giả sẽ gặp lại nghệ sĩ Hoàng Yến, vốn gây ấn tượng với vai diễn trong phim "Của để dành".

Tuy đã ra đời cách đây cả chục năm, nhưng những bộ phim Tết xưa vẫn luôn có một sức hút đặc biệt đối với khán giả không thua kém bất cứ một chương trình giải trí hiện đại nào. Ở đó, người xem có thể tìm lại những nét đẹp cổ truyền đã mai một, đồng thời hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị thực sự của ngày Tết Nguyên đán.

Theo Minh Hạnh
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm