Nhớ Hải Triều - ngòi bút chiến

Nhà báo Nguyễn Khoa Văn (bút danh Hải Triều) từng mở ra cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Tọa đàm “Hải Triều - nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa” kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông cũng xoay quanh chủ đề này.

Bà Diệu Hương (đứng), con gái Hải Triều công bố di chúc của ông. Ảnh: Trung Dũng

Bà Diệu Hương (đứng), con gái Hải Triều công bố di chúc của ông. Ảnh: Trung Dũng

Cuộc chiến chưa phân thắng bại

Nổi bật trong tọa đàm là tham luận của hai giáo sư Nguyễn Đình Chú và Trần Đình Sử, cùng dành sự quan tâm tới cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935 - 1939.

Theo GS Sử, Hải Triều chủ động gây chiến sau khi đọc bài Hai quan niệm về văn học của Thiếu Sơn trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy.

“Thiếu Sơn viết bài phê phán quan điểm của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học về quan niệm xem văn học thẩm mỹ là vô ích. Hai ông Quỳnh, Học, vì quan điểm thủ cựu trong vấn đề này mà hạ thấp vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật. Cuộc tranh luận này, nếu được tiếp tục, sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với văn học hiện đại Việt Nam trên con đường hiện đại hóa”.

Nhưng điều đó không thể xảy ra vì “Hải Triều đã giật lấy, gây ra cuộc tranh luận khác: Nghệ thuật vị nghệ thuật va nghệ thuật vị nhân sinh. Thiếu Sơn hoàn toàn bất ngờ nên bị Hải Triều đưa vào tròng” - cũng theo GS Sử.

GS Chú trích lục cho thấy Thiếu Sơn bắt đầu thay đổi quan điểm rồi đưa ra giả thuyết. “Thiếu Sơn vừa thế này, vừa thế khác. Hay ông đã được Hải Triều thuyết phục, cảm hóa? Có điều là tranh luận giữa Hải Triều với Thiếu Sơn coi như đã chấm dứt, để lại được tiếp tục sôi nổi hơn với Hoài Thanh”- theo GS Chú.

Quay lại với GS Sử: “Hoài Thanh chủ động tranh luận với Hải Triều. Hải Triều phê bình tập truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh không phục, lên tiếng chỉ trích. Hải Triều quay ngược lại phê bình. Diễn biến cho thấy trí tuệ, vốn hiểu biết, chiến thuật của Hải Triều đều rất cao tay”.

Cuộc chiến kéo theo nhiều nhân vật có tiếng như Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Hải Thanh, Trần Huy Liệu… - chia làm hai phe do Hải Triều và Hoài Thanh thủ lĩnh - kéo đến năm 1939 mới dừng. Theo GS Chú thì do “đã cạn điều tranh luận”. Ông dẫn lời GS Đặng Thai Mai: “Xem chừng trận bút chiến hồi ấy dĩ nhiên kết thúc, không phải vì thiếu “chiến sĩ” mà chính là đối với một vấn đề như vậy, công chúng ta vẫn rất lạnh lùng nhất là trong thời kỳ mà những trạng thái khủng hoảng về kinh tế và chính trị còn ám ảnh tinh thần người ta như một con ma bệnh”.

Quan niệm văn nghệ mới

Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn (1908-1954) người Huế. Bố ông- Nguyễn Khoa Tùng là nhà nho từng được bầu vào Viện dân biểu Trung Kỳ. Mẹ- nữ sử Đạm Phương, tôn thất nhà Nguyễn đồng thời là nhà giáo, nhà báo yêu nước.

Khi còn học Quốc học Huế, Nguyễn Khoa Văn tham gia biểu tình đòi ân xá Phan Bội Châu. Ông vào đảng Dân Việt (sau thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) bắt đầu viết các bài báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác với bút danh Nam xích tử (chàng trai đỏ). Ông bị địch bắt tù một năm. Ra tù lấy bút danh Hải Triều để viết sách, báo truyền bá quan điểm của Đảng Cộng sản về văn hóa văn nghệ.

“Là nhà lý luận mác xít, Hải Triều hẳn đã vui và sung sướng khi gặp được tập Kép Tư Bền rồi Lầm than của Lan Khai để minh chứng và khẳng định niềm ao ước của mình về một nền văn học tả thực xã hội” - GS Phong Lê nhận định - “Đáng tiếc Hải Triều còn chưa biết hoặc chưa viết về Bước đường cùng và Tắt đèn chứa hiện thực và sức tố cáo còn cao hơn. Càng tiếc là những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như Bản án chế độ thực dân Pháp và Nhật ký chìm tàu còn nằm ngoài tầm đọc của ông”. GS Trần Ngọc Vương khẳng định các chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ 20 đã dùng văn học với công năng (vị nhân sinh) lớn lao nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. “Phan Bội Châu viết văn tế Phan Chu Trinh nói về chuyện dụng văn: Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê // Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm rạng chói. Rồi Huỳnh Thúc Kháng viết văn tế Phan Bội Châu: Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa từng không mù cuốn mây tan. Phan Bội Châu dùng văn chương hơn bất kỳ người nào đầu thế kỷ 20 về mặt hiệu quả vậy mà bị Hải Triều phê hai chữ sai lắm”.

Cho dù nỗ lực của Hải Triều dẫn tới “lu mờ tính thẩm mỹ của văn học” thì cũng chỉ là cách ông “xây dựng quan niệm văn nghệ mác xít, biến văn học thành công cụ đắc lực của cách mạng” - GS Trần Đình Sử kết luận.

Theo GS Trần Ngọc Vương thì Hải Triều không ngoa mà bởi lý luận văn chương của cụ Phan Bội Châu nặng về sách vở khác hẳn với cách cụ dùng văn chương để chiến đấu. Còn GS Sử: “Cụ Phan chỉ là cái cớ để Hải Triều tuyên truyền quan niệm văn học là sản phẩm của xã hội. Vì cụ Phan là nhân vật nổi tiếng, danh vọng cao, uy tín lớn, cho nên Hải Triều mượn danh cụ, mượn uy cụ, nhân cãi với cụ để gây chú ý cho toàn xã hội về tư tưởng của mình. Có thể nói đó là nghệ thuật PR gây thanh thế của Hải Triều, một thanh niên mới 26 tuổi”.









Theo Trung Hiền
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm