Nhớ anh Việt Phương, nhớ lắm!

(Dân trí) - Tôi đang đi công tác thì nhận được tin nhà thơ Việt Phương qua đời lúc 8 giờ 50 ngày 6/5/2017, hưởng thọ 90 tuổi ta. Tôi thấy ân hận vì lâu rồi không đến thăm ông.

Tôi thực sự khâm phục ông khi có được tập thơ Cửa mở ngay sau khi mới được Nxb Văn Học phát hành năm 1970. Lúc đó tôi đang đóng quân ở Thanh Hóa và nhận được tập thơ này do người chị làm nghề bán sách ở hiệu sách Nhân dân huyện gửi cho.

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và thuộc nhiều bài. Bởi thơ ông có cái nhìn rất mới lạ, với một tư tưởng xã hội thực sự sâu sắc, không giống thơ của những nhà thơ khác lúc bấy giờ. Có thể nói, thơ Việt Phương đã làm xáo trộn tư duy thơ của tôi với ngòi bút hết sức trung thực. Có lẽ vì thế mà một người con trai của ông đã được ông đặt tên là Trần Trung Thực.

Nhà thơ Việt Phương.
Nhà thơ Việt Phương.

Nhiều câu thơ của ông đến giờ tôi vẫn nhớ: "Ta đi yêu người ta yêu nhau/ Người ta cũng là ta, khác đâu", "Mở đài địch như mở toang cánh cửa/ Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai", "Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ/ ...Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”, "Quanh Hồ Gươm tuổi trẻ cứ đi vòng"... vân vân và vân vân.

Sau chiến tranh, tôi về Hà Nội và được gặp ông trong một cuộc rượu tại nhà Nguyễn Trung Đức số 8 Tràng Tiền. Nhưng ông không uống rượu mà chỉ xin một cốc nước lọc. Ông ngồi thật khiêm tốn và nghe lũ đàn em chúng tôi có Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh... luận bàn về thơ. Khi mời ông đọc thơ, ông nói ông không thuộc thơ mình, và tự nhận xét "thơ mình chỉ là những ghi chép lại những cảm xúc và suy nghĩ của mình, không biết nó có phải là thơ không". Lúc đó tôi nghĩ ông quá khiêm tốn, nhưng sau này tôi biết là ông nói rất trung thực. Là ông nghĩ thế thật, và ông nói thật. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Ông là một nhà thơ đích thực.


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và cố nhà thơ Việt Phương (thứ 3,4 từ trái sang phải) trong một cuộc gặp gỡ cùng bạn bè

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và cố nhà thơ Việt Phương (thứ 3,4 từ trái sang phải) trong một cuộc gặp gỡ cùng bạn bè

Có lần tôi và Hữu Thỉnh ngỏ ý mời ông gia nhập Hội Nhà Văn, nhưng ông bảo thôi. Đến năm 80 tuổi ông mới gia nhập Hội. Ông nói rất đơn giản: Giờ mình thấy cần vào hội để được gần gũi các nhà văn hơn.

Thỉnh thoảng Việt Phương gọi điện cho tôi để trao đổi về thơ hoặc báo tin là ông vừa viết xong tập thơ mới, và ông gửi qua email cho tôi đọc. Có lần ông gửi cho tôi bản dịch chương Nhã Ca trong kinh Tân Ước do chính ông dịch. Tôi ngỏ ý xin công bố bản dịch rất thú vị này, nhưng ông bảo là chỉ gửi cho tôi đọc thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện công bố. Sở dĩ ông dịch là vì ông đã đọc các bản dịch của người khác mà chưa thấy hài lòng.

Nhà thơ Việt Phương (giữa) cùng các đồng nghiệp.
Nhà thơ Việt Phương (giữa) cùng các đồng nghiệp.

Một lần ông gọi điện hẹn đến nhà tôi chơi. Từ Hoàng Cầu, ông gọi xe ôm đưa đến Lương Định Của, rồi ông đi bộ 6 tầng cầu thang lên phòng tôi. Tay ông cầm một cuốn sách tiếng Pháp dày nghìn trang, in những bài viết về thơ của nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng phương Tây. Ông nói ông vừa đọc xong, và có "nhiều điều muốn trao đổi với Tạo". Câu chuyện kéo dài vài giờ, đến gần trưa. Tôi mời ông ăn trưa nhưng ông bảo ông phải về ăn trưa với vợ là chị Tú Lan.

Giữa năm 2004, tôi đến nhà thăm ông, và ông trao cho tôi tập "Biên bản cuộc họp về tập thơ Cửa mở của Việt Phương, ngày 12/11/1970", (bản in roneo). Sở dĩ có cuộc họp này là vì có nhiều ý kiến trái chiều về tập thơ Cửa mở của ông. Nhưng ông là một cán bộ cấp cao (Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) nên người ta cần thận trọng. Có thể nói đây là một "tài liệu mật" mà ông lưu giữ đã 30 năm. Tài liệu này dài trên 7 nghìn chữ. Tôi về đọc một mạch và càng đọc, càng thấy cần phải công bố sự thật này cho mọi người biết, để thấy các quan điểm văn chương của giới văn học, giới nghiên cứu và giới lãnh đạo lúc bấy giờ. Tôi gọi điện và xin phép ông cho in lên báo Thơ (Phụ trương của báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam - do tôi làm Trưởng ban biên tập). Ông có vẻ ái ngại, nhưng vì tôi tha thiết xin được in nên cuối cùng ông cũng đồng ý.

Chuẩn bị xong số Thơ tháng 7/2004, tôi đưa Tổng biên tập Hữu Thỉnh đọc duyệt. Nhưng Hữu Thỉnh đã để lại "Biên bản..." này, bảo tôi là chưa nên công bố. Đến số Thơ tháng 8/2004 tôi lại đưa bài này để duyệt. Hữu Thỉnh hỏi tôi: Tạo không sợ à? Tôi bảo: Có gì mà sợ. Nếu có chuyện gì thì tôi nhận là do tôi đưa lên. Anh Việt Phương cũng đồng ý rồi mà. Thế là Hữu Thỉnh ký cái rẹc, đồng ý.

Quả là biên bản này khá dài, dàn trang vừa đúng 2 trang báo. Nhưng cần đăng cái ảnh Việt Phương cười, nên tôi đã phải thu nhỏ co chữ để 2 trang vẫn đẹp.

Sau khi tài liệu này được "bạch hóa", Việt Phương vui lắm. Ông làm thơ thật nhiều. Bắt đầu là tập Cửa đã mở, rồi tiếp theo nhiều tập khác. Tên tập thơ, tên bài thơ của ông thường chỉ có 1 chữ. Ví dụ: Nắng, Lan... Lan là tập thơ ông dành riêng cho vợ.

Giờ này Nhà thơ Việt Phương đã vào cõi vĩnh hằng, mãi mãi tuổi 90. Tôi vẫn chưa về Hà Nội để được tiễn ông. Viết vội mấy dòng này, mong ông thanh thản ra đi và biết rằng, đứa em rất nhớ Anh, nhớ Anh lắm.

Hà Nội, 6.5.2017
Nguyễn Trọng Tạo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm