Nhìn lại những biến động của điện ảnh Việt trong năm qua
(Dân trí) - Năm 2017 được xem là một năm nhiều biến động của điện ảnh Việt khi liên tục xảy ra những “sự cố” đáng tiếc. Từ vụ “vỡ trận” của Hãng phim truyện Việt Nam cho đến lùm xùm bản quyền phim “Cô ba Sài Gòn”.
Phân loại phim 18+
Điện ảnh Việt mở đầu năm 2017 bằng sự kiện Bộ VHTT&DL thống nhất thông qua bảng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm bốn mức: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18).
Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh.
Theo nhiều nhà sản xuất, việc phân loại độ tuổi chi tiết và tăng thêm 18+ là bước đi quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh Việt với những tiêu chí rõ ràng, riêng biệt.
Và trong năm 2017, khán giả Việt đã liên tiếp được thưởng thức những bộ phim gắn nhãn 18+ của quốc tế mà trước đó thường bị kiểm duyệt hoặc cắt bỏ mạnh tay như: 50 sắc thái Đen, John Wick 2, Rings, Logan, Hotboy nổi loạn 2, Đảo của dân ngụ cư… Hơn thế, việc phân loại phim rõ ràng còn là động lực khiến các nhà làm phim tự tin sáng tạo hơn khi thực hiện các đề tài mang tính xã hội một cách thẳng thắn và trực diện.
Bom tấn "Kong: Skull Island" quay tại Việt Nam gây sốt
Bom tấn "Kong: Skull Island" đến từ Hollwood ra mắt hồi tháng 3/2017 đã thực sự tạo nên một cơn sốt tại các phòng chiếu của Việt Nam. Bộ phim lấy bối cảnh những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, đoàn thám hiểm bao gồm các ngôi sao hạng A của Hollywood như: Samuel L Jackson, John Goodman, Tom Hiddleston và Brie Larson đã đặt chân đến một hòn đảo bí ẩn, nơi sinh sống của Kong.
70% bối cảnh phim được quay tại các tỉnh thành của Việt Nam như: Ninh Bình, Hạ Long, Cát Bà (Hải Phòng) và Quảng Bình khiến khán giả đầy thích thú và tự hào. Vì lẽ đó mà bộ phim đã sớm phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé của các bộ phim Hollywood ngay từ tuần đầu tiên.
Chỉ sau 3 tuần công chiếu, “Kong: Skull Island” đạt mức doanh số 534,4 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, đây là một mức doanh thu lý tưởng so với những đánh giá ban đầu.
Bộ phim còn mở ra nhiều cơ hội trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra bạn bè thế giới. Ngoài ra, còn là dịp để Việt Nam thu hút sự chú ý của các đoàn làm phim đẳng cấp của Hollywood đến ghi hình. Dư âm kéo dài thêm khi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của bộ phim được chọn là đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.
“Em chưa 18" trở thành phim ăn khách nhất trong lịch sử phòng vé Việt
“Em chưa 18” là bộ phim của đạo diễn do Lê Thanh Sơn kể về “cú ngã” của một gã công tử i, thích qua đêm với các cô gái nhưng không bao giờ ngủ với cô nàng nào lần thứ hai. Cuối cùng, anh đã vướng vào rắc rối khi cặp với cô nàng trẻ con Linh Đan khi cô bé chưa đủ 18 tuổi.
Phim tạo được dấu ấn ở những tình huống hài và thẳng thắn khi nói đến cuộc sống hiện đại ngày nay của các cô cậu tuổi teen – không phải chỉ ở nhà làm “con ngoan trò giỏi” như trước kia mà đã biết lên bar dịp cuối tuần, dùng điện thoại xịn và sẵn sàng bộc lộ cảm xúc của bản thân chứ chẳng cần che giấu trước mặt cha mẹ.
Với 175 tỷ đồng thu được, bộ phim đứng số 1 trong bảng xếp hạng doanh thu của tất cả các phim trong nước lẫn quốc tế được trình chiếu tại Việt Nam trong năm 2017. Chưa hết, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 20 diễn ra vào tháng 11, “Em chưa 18” còn được lòng cả giới chuyên môn khi mang về 2 giải Bông sen vàng quan trọng: Phim hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn xuất của Kaity Nguyễn.
Bên cạnh "Em chưa 18", nhiều phim Việt khác cũng có doanh thu cao trong năm 2017 là Cô gái đến từ hôm qua (68 tỷ), Cô Ba Sài Gòn (56 tỷ), Nắng 2 (40 tỷ) và Mẹ chồng (38 tỷ, hiện còn chiếu). Đến thời điểm hiện tại, “Em chưa 18” trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử phòng vé Việt.
Lùm xùm cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam
Đây được xem là sự việc gây ồn ào và tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất trong năm 2017. Vào hồi tháng 9/2017, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc về cách làm việc của lãnh đạo mới là Tổng Công ty cổ phần Vận tải thủy (VIVASO). Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một công ty không am hiểu gì về nghệ thuật thứ 7 nhưng lại nắm quyền điều khiển hãng phim với 65% cổ phần.
Nhiều nghệ sĩ đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng và truyền thông về việc thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim cũng như các hành xử thiếu tôn trọng nghệ sỹ của ban lãnh đạo mới.
Ngày 20/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam và chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì một cuộc họp rút kinh nghiệm với ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam.
Trong cuộc họp này, Bộ trưởng đã yêu cầu ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam phải rút kinh nghiệm về quản lý, đảm bảo thực hiện đúng như cam kết ban đầu.
Trước những lùm xùm kéo dài, ngày 3/10, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam.
“Cô Ba Sài Gòn” bị livestream phát tán ngay khi vừa ra rạp
Việc bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream phát tán trên mạng xã hội đã làm dấy lên những ồn ào về vấn nạn bản quyền phim Việt. Theo đó, ngày 15/11, đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân đã cùng nhà phát hành BHD tố cáo đến công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc một thanh niên sinh năm 1988 sống trên địa bàn đã livestream trái phép bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” khi phim này vừa công chiếu tại một rạp chiếu ở tỉnh này.
Đây được xem là “giọt nước tràn ly” đối với vấn đề vi phạm bản quyền phim ảnh đã tồn tại ở Việt Nam mà vẫn chưa có hướng giải quyết.
Trước đó, bộ phim “Em chưa 18” cũng bị quay lén rồi tung lên mạng khiến nhà sản xuất lẫn nhà phát hành rất đỗi bức xúc. Bộ phim “Xóm trọ 3D” cũng bị phát tán khi đang chiếu khiến NSND Hồng Vân phải lên tiếng.
Sự việc ồn ào thời điểm cuối năm này rút ra một con số thống kê đáng buồn là 40% các bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam bị phát tán ngay khi đang công chiếu. Những việc làm thiếu lương tâm và thiếu tôn trọng pháp luật này đã khiến cho nhiều nhà sản xuất phim bị lao đao, điêu đứng...
Hà Tùng Long