“Nhiều người không xem phim Việt nhưng “ném” ra những câu đau lòng”

(Dân trí) - Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền, trong khi các nhà sản xuất đang lăn xả để chứng minh điện ảnh Việt đang dần khởi sắc thì có một bộ phận khán giả Việt luôn quay lưng với phim Việt. Thậm chí, có nhiều người chưa hề xem phim nhưng cũng “ném” ra những câu nói đau lòng.

Được biết đến với tư cách là đạo diễn của những bộ phim về đề tài hậu chiến đầy xúc động nhưng mới đây chị lại thức sức ở lĩnh vực phim điện ảnh kinh dị. Chị cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên làm đạo diễn của thể loại phim này?

Tuy là lần đầu tiên tôi làm phim điện ảnh chiếu rạp thuộc thể loại kinh dị nhưng đối với tôi, khi đã bắt tay vào dự án nào tôi đều phải tự tin vào bản thân và biết là mình có thể làm được một phim “chất” gửi tới khán giả. “Lời nguyền gia tộc” bắt nguồn từ một ý tưởng rất thú vị của nhà sản xuất gửi cho tôi. Tôi phát triển tiếp thành một kịch bản hoàn chỉnh.


Hình ảnh đạo diễn Đặng Thái Huyền phía sau những ống kính trên phim trường. Ảnh: NVCC.

Hình ảnh đạo diễn Đặng Thái Huyền phía sau những ống kính trên phim trường. Ảnh: NVCC.

Những khó khăn mà chị gặp phải khi làm phim này là gì?

Tôi nghĩ là những gì chúng tôi gặp phải còn hơn cả khó khăn. Nó dường như là những vận đen liên tục xảy ra, khiến nhà sản xuất và tôi choáng váng. Trước khi quay, chúng tôi bị vỡ bối cảnh chính, đổi diễn viên… Trong khi quay mưa trái mùa ở Đà Lạt khiến đoàn bị vỡ kế hoạch không biết bao nhiêu lần, rồi diễn viên ốm, có người còn suýt gặp tai nạn…nhiều lắm. Giờ nghĩ lại, tôi nghĩ đó là sự xắp đặt của số phận, của cơ duyên.

Vì bối cảnh tôi tìm thấy sau này đẹp và phù hợp hơn rất nhiều với bộ phim. Mưa Đà Lạt kéo dài liên miên làm cho không khí u ám hợp với chất phim hơn. Và Tuấn Trần - nam diễn viên chính sau khi ốm dậy, không phải hóa trang nhiều cũng rất hợp với hình ảnh và thần thái của một người bị tàn lực khi bước vào ngôi nhà ma quái. Tôi rút ra một điều, đôi khi bước qua khó khăn là chúng ta đang mở ra cho mình một cơ hội mới.

Chị nghĩ sao khi nhiều người nói, chị là nữ đạo diễn duy nhất trong lịch sử điện ảnh dám liều mình làm phim kinh dị?

Tôi rất ngại dùng những từ đao to búa lớn như: duy nhất, cá biệt, đặc biệt... Tôi cũng không phải là người liều lĩnh bởi ai mà dám liều với số kinh phí "khủng" của nhà sản xuất bỏ ra với dòng phim như máy ngốn tiền này chứ. Hãy cứ nghĩ đơn giản, tôi là một đạo diễn đang đảm đương công việc của mình với một đề tài mà tôi yêu thích.

Nhưng rõ ràng, đạo diễn nữ mà làm phim kinh dị quả là trăm thứ bất lợi, nhất là khi đạo diễn cũng là người sợ ma không kém gì các thành viên trong đoàn?

Tôi chỉ thấy bất lợi nếu tôi thực hiện một bộ phim có đề tài tôi không hiểu, không cảm được. Nhưng chắc điều đó sẽ không xảy ra đâu vì tôi đã hứa với lòng mình, sẽ không bao giờ nhận lời làm đạo diễn một bộ phim mà ngay từ đầu tôi đã thấy mình không thể làm tốt nó trong phạm vi khả năng của mình. Còn về sợ ma, tôi cá là tôi không thể làm phim ma tốt nếu tôi không hiểu cảm giác sợ ma là thế nào.


Đạo diễn Đặng Thái Huyền trong ngày ra mắt phim Lời nguyền gia tộc. Ảnh: NVCC.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền trong ngày ra mắt phim "Lời nguyền gia tộc". Ảnh: NVCC.

Người ta nói lợi thế của Đặng Thái Huyền là “tâm lý tính nữ” khi khai thác nội tâm nhân vật. Vậy trong phim điện ảnh này, cái lợi thế đó được chị sử dụng triệt để hay giấu nhẹm?

Đó là dấu ấn của Đặng Thái Huyền trong các tác phẩm của mình mà sao phải giấu chứ. Phụ nữ và trẻ em luôn là những nhân vật chủ chốt trong phim của mình. Trong “Lời nguyền gia tộc” cũng vậy, không hề ngoại lệ.

Trong phim này, nhân vật chính là nam nhưng các nhân vật nữ khi xuất hiện đều chuyển tải những điểm chốt của phim, làm thay đổi cục diện và đưa câu chuyện phim chuyển biến.

Phim Việt hiện nay khi ra rạp thường phải đối diện với những khó khăn trong bị đối xử không công bằng khi không chịu khoan nhượng với tỉ lệ phần trăm mà nhà phát hành đưa ra. Phim do chị đạo diễn có vấp phải tình cảnh đó?

Tôi nghĩ, câu này nên để nhà sản xuất trả lời thì tốt hơn. Nhưng ở cương vị một người làm nghề, nhìn cục diện hiện nay, tôi thấy thật ái ngại cho các nhà sản xuất phim Việt và phục sự dũng cảm của họ. Ví dụ như với phim “Lời nguyền gia tộc”, nhà sản xuất bỏ ra một kinh phí "khủng" để muốn phim tới với khán giả một cách tốt nhất, hoàn hảo nhất về mặt bối cảnh, đạo cụ, trang phục...

Nhưng lại phải đối mặt với một nỗi đau lòng đó là nếu phim nội và phim ngoại cùng thể loại, chiếu cùng lúc thì một bộ phận khán giả sẽ so sánh kèm review (mô tả) rất nặng mà nực cười là phần nhiều trong số họ còn không thèm xem phim. Tôi khẳng định, nhiều khán giả không hề xem phim Việt nhưng “ném” ra những câu rất đau lòng. Những câu kiểu như: “phim Việt xem phí thời gian”, “quên phim Việt đi”, “tỷ năm không tới rạp xem phim Việt”...

Những câu nói đó không chỉ làm tổn thương đâu mà còn khiến tôi thấy bàng hoàng khi họ đang quay lưng lại với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một một tập thể. Chúng tôi luôn đã và đang dấn thân, thậm chí là lăn xả để mong muốn chứng minh điện ảnh Việt đang dần khởi sắc.

Trong “Lời nguyền gia tộc”, lúc diễn viên Tuấn Trần treo mình trên dòng thác yêu cầu không dùng người đóng thế khi đóng xong cảnh kết trên thác Tuấn đã ngã sụm xuống vì kiệt sức, vì sợ hãi bản năng.. tôi nghĩ chắc lúc đó Tuấn Trần không nghĩ hoặc giả không biết tới những comment (bình luận) rất thiếu thiện chí về phim Việt hiện nay. Quan điểm của tôi, khen chê là phải thiện chí, công bằng, công tâm chứ không thể phát ngôn “ném đá” cho vui.

Phía sau sự gai góc trên phim trường là một người phụ nữ rất đỗi dịu dàng. Ảnh: NVCC.
Phía sau sự gai góc trên phim trường là một người phụ nữ rất đỗi dịu dàng. Ảnh: NVCC.

Trong phim có câu: “Khi yêu yếu đuối nhất là đàn bà, khi hận tàn nhẫn nhất cũng là đàn bà”. Điều này có đúng với chị không vì chị là người viết ra câu thoại đó?

Đó là một trong những câu thoại chốt, thoại đinh - giải thích cho toàn bộ sự hận thù từ đời này đến đời khác trong phim. Còn ở ngoài đời, tôi là người coi trọng duyên phận.

Chuyện tình cảm không thể giành giật, gượng ép mà có thể có được. Cái gì của mình sẽ là của mình. Tôi chắc không thể tàn nhẫn với ai được đâu (cười).

Việc chị xa gia đình đi làm phim thường xuyên có thể coi là một sự tàn nhẫn?

Là tôi thấy tôi tàn nhẫn với chính bản thân mình thì đúng hơn. Những dự án làm phim xa nhà triền miên, đôi lúc tôi thấy thèm một bữa cơm gia đình, thèm một buổi tối quây quần cùng người thân, thèm đi đâu đó du lịch cùng gia đình... nhưng tôi đã không thể thu xếp thời gian nhiều như tôi muốn.

Người ta thường nói, đàn ông xa vợ con đã cô đơn 10 phần, đàn bà xa chồng con nhiều cô đơn nhân lên gấp 10. Nhìn vào chị, dường như sự cô đơn đó không hề tồn tại?

Tuổi Canh Thân ngồi giữa đám đông cũng thấy mình cô độc, đó là tử vi nói về tuổi của tôi. Còn tôi nghĩ, không phải tôi chọn sự cô đơn mà cô đơn chọn tôi thì phải. Mà có lẽ với những người làm nghệ thuật, luôn có một khoảng trống cô đơn để mình mình đắm chìm trong đó. Cứ nghĩ vậy đi cho an nhiên (cười).

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long