Nhiều nghệ sĩ Việt Nam không nhìn thấy cái đẹp của mình

Vấn đề của của nghệ sĩ Việt Nam là không nhìn thấy cái đẹp của mình, chối bỏ cái đẹp của mình. Mà cái của người khác đôi khi không đẹp lắm vẫn nhìn thấy nó đẹp. Thế mới khổ!

Nguyễn Nhất Lý không chỉ được biết đến như một chuyên gia âm thanh mà còn là người sáng lập và đứng sau các sản phẩm đa nghệ thuật gây tiếng vang như Xiếc Làng tôi, À Ố Show. Ông mới mở Studio Phù Sa tại Hà Nội làm nơi đi về cho các nghệ sĩ mong muốn tạo nên những sản phẩm âm nhạc mới từ chất liệu Việt truyền thống. Câu chuyện với Nguyễn Nhất Lý - bố Việt, mẹ Pháp, sinh tại Paris - không chỉ xoay quanh âm nhạc.

Nguyễn Nhất Lý tại Studio Phù Sa, Hà Nội, tháng 7/2014. Ảnh: N.M.Hà

Nguyễn Nhất Lý tại Studio Phù Sa, Hà Nội, tháng 7/2014. Ảnh: N.M.Hà

Đến Studio Phù Sa, nghệ sĩ có đầy đủ phương tiện để sáng tạo, quan trọng nhất là họ gặp được nhau. Đâu có ai vừa nắm được nhạc cổ truyền vừa nắm được nhạc hiện đại. Chắc phải đến thế hệ sau. Bây giờ phải làm sao nghệ nhân - nghệ sĩ gặp được nhau tạo ra dòng chảy mới để thế hệ trẻ nhìn thấy con đường đi, để họ đầu tư cả hai phía.

Nguyễn Nhất Lý

Tôi cảm nhận anh có sự lạc quan với việc mình đang làm, trong khi người khác sẽ ngần ngại vì tính khả thi không cao?

Không phải đâu. Người ta có khi cũng nhìn thấy đấy, nhưng bận rộn lao vào cuộc sống. Ở Việt Nam ai cũng biết, quá khó để tạo ra một môi trường tương đối tự do, có phương tiện, điều kiện làm việc để khuyến khích người ta trỗi dậy tiềm năng và khám phá những điều mới lạ.

Ở đây, người ta sẽ làm cái gì có đầu ra nhanh, có tính thị trường, trong khi anh…

Đấy là cách nhìn đơn giản của người làm kinh doanh. Làm nghệ thuật khác, nghệ thuật phải đẹp. Vấn đề của của nghệ sĩ Việt Nam là không nhìn thấy cái đẹp của mình, chối bỏ cái đẹp của mình. Mà cái của người khác đôi khi không đẹp lắm vẫn nhìn thấy nó đẹp. Thế mới khổ!

Ngoài phạm trù độc lập tư duy, sáng tạo, khả năng thẩm mỹ có vấn đề. Nghe thế nào là hay, xem thế nào là đẹp, sống thế nào cho đẹp... Nhiều người Việt quá cơ hội, quá ngắn. Cái đấy không chỉ trong kinh tế, mà thành một nếp sống, thành văn hóa ứng xử rồi.

Thành ra chuyện mình làm ít người hiểu và ít người chia sẻ được, vì nó không phù hợp với đời sống thực tế hiện nay, người ta sống rất gấp. Sau bao nhiêu năm sống cực khổ, bị kìm nén, nay có một chút bung ra, thì người ta rất vội vã tìm đến những thành công nhanh và dễ. Thì mình cũng không trách được. Kể cả những người không muốn sống như thế cũng rất khó.

Những việc anh làm không hề lãng mạn mà có căn cứ, vì một số dự án của anh như Xiếc Làng tôi hay À ố Show có khán giả mặc dù đa số là người nước ngoài. Anh có chạnh lòng khi mình ít được khán giả trong nước biết đến?

Không phải là không phục vụ được người trong nước. Ở Việt Nam vẫn có cái nhìn méo mó về chuyện phục vụ nhân dân. Phải sống với niềm đam mê của mình chứ. Tại sao một người làm nghệ thuật phải cả trăm triệu người biết đến. Không cần nhiều thế! Mở một nhà hàng mà cả nước không đổ đến ăn thì nhà hàng không ngon à?

Nghệ thuật cũng thế, tại sao phải phục vụ tất cả công chúng. Tôi không có chức năng và cũng không ai giúp tôi làm nghệ thuật để phục vụ cho tất cả công chúng. Chạnh lòng là chạnh lòng thế nào?! Tôi rất tự hào làm được những sản phẩm cao cấp và người nước ngoài thừa nhận. Người Việt Nam cũng thừa nhận chứ, nhưng phải có đủ tri thức mới thừa nhận được!

Có một lúc nào đấy anh sẽ thiết kế sản phẩm cho khán giả trong nước?

Thực ra Làng tôi và À ố đều cho khán giả trong nước tốt cả. Nhưng khán giả nào. Tôi phục vụ những người yêu cái đẹp, có tri thức, có địa vị kinh tế… Trứng cá đắt tiền, không phải ai cũng ăn được. Cho người ngoài đường ăn có khi họ chê tanh. Làm sao? Xã hội phát triển là ông phải mang trứng cá cho tất cả mọi người cùng hưởng, ai cũng thấy ngon à?!

Trong danh sách biểu diễn khai trương studio của anh có Lê Cát Trọng Lý, sắp tới anh có sự giúp đỡ gì cho các nghệ sĩ có khả năng độc lập sáng tạo như vậy?

Không hẳn giúp đỡ đâu, mà là mình chia sẻ được. Giúp đỡ tức là mình phải dư thừa rồi mới giúp người ta. Còn chia sẻ thì kể cả tôi vẫn thiếu, tôi có ít thôi, tôi vẫn chia sẻ. Tôi chia sẻ với các anh chị cái tôi có, tư duy của tôi, cách nhìn nhận của tôi, thẩm mỹ của tôi, ngôn ngữ nghệ thuật của tôi, phương tiện nghệ thuật của tôi.

Đương nhiên, tôi không chia sẻ hết với mọi người được. Tôi phải chọn đối tượng. Người ta cũng phải muốn sự chia sẻ đó chứ. Người ta nhìn tôi từ trên xuống, sao tôi chia sẻ với họ được. Họ không chia sẻ với tôi thì thôi chứ.

Rời khỏi anh thì liệu những nghệ sĩ, nhóm nhạc đó ít có cơ hội hoạt động?

Đến với tôi có khi họ mất chứ lại không được. Xây dựng những sản phẩm lâu dài thường nghịch với kinh tế. Trong chừng mực nào đó, họ chia sẻ với tôi trong công việc thì họ phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống hằng ngày. Đáng lẽ phải chạy show kiếm được tiền thì họ đến đây làm việc mà không có tiền. Chứ tôi có mang lại tiền bạc được cho ai đâu.

À ố Show vẫn đang sáng đèn tại Nhà hát Lớn TPHCM đấy thôi?

Nhưng từ ban đầu khi mọi người đến với tôi, ai biết được nó thành công hay không. Chứ nếu chỉ đến vì việc này tôi sẽ sống tốt, sẽ kiếm tiền thì… Bây giờ nó đang từ từ trở thành như thế, nhưng ban đầu không hoàn toàn như thế.

Xiếc Làng tôi vẫn du diễn nước ngoài?

Làng tôi hiện không diễn ở đâu cả, đang rất khó khăn. Sau khi đã rất thành công ở quốc tế thì về Việt Nam lại chưa tổ chức biểu diễn được. Không phải người ta không đón nhận, dư luận rất tốt, nhiều người xem rất thích, nhưng để đến được với công chúng, câu chuyện lại không đơn giản. Vì nếu chỉ để lâu lâu diễn một buổi chỗ này chỗ kia thì chẳng giải quyết được chuyện gì cả.

Phải như À Ố Show tìm được điểm diễn hằng đêm, và như vậy phải giải được bài toán kinh tế, phải nuôi được các nghệ sĩ. Vì họ làm mô hình như thế, không thể như Nhà nước trả lương 2-3 triệu được. Họ toàn 15-30 triệu/người/tháng. Nhiều thứ phải chi để nuôi một chương trình như thế. Chưa làm được chứ không phải không muốn làm. Ai là người làm?

Một phần do khán giả Sài Gòn nhiệt tình với À Ố Show và đơn vị tổ chức làm việc tốt hơn Hà Nội?

Tất nhiên. Thực tế như vậy, nhưng không chỉ có thế. Rõ ràng trong kia họ biết làm kinh tế hơn. Sáng tạo và sản xuất ra một chương trình nghệ thuật chất lượng, nhưng sau đấy nếu không giải được bài toán kinh tế thì cũng chẳng giải quyết được chuyện gì, vì thời đại này là như vậy.

Hoặc lại phải giống ngày xưa. Nhà nước bỏ tiền nuôi, xong đi phục vụ nhân dân. Thì đấy, ngày hôm nay mấy trăm đoàn nghệ thuật Nhà nước làm gì thì các bạn biết. Mô hình mới thì chưa hình thành. Kinh tế thì đã xong, chúng ta đã quyết bỏ bao cấp. Và người Việt cũng có ăn có mặc, mọi cái phát triển. Thế còn vấn đề văn hóa thì sao?

Kinh tế bao cấp là ngăn sông cấm chợ, mang cân gạo, con gà từ tỉnh này sang tỉnh kia thì cấm, phạt, coi là buôn lậu. Không cho lưu thông hàng hóa, không cho đầu tư, thuê người thì bảo là tư bản bóc lột. Thì làm sao phát triển?! Ngày hôm nay làm văn hóa lại phải thế này, thế kia… Làm sao làm văn hóa?! Phải bung ra chứ…

Anh hẳn còn nhiều ý tưởng, mô hình trong đầu, nhưng phải kìm hãm do bài toán đầu ra?

Đúng rồi. Người ta cứ bảo ý tưởng quan trọng, chứ một ngày tôi đẻ ra một đống ý tưởng cũng được. Từ ý tưởng đến hiện thực là cả một quá trình khó khăn, liên quan đến rất nhiều vấn đề. Mình cứ chia quá trình đó ra làm 4 giai đoạn.

Trước hết là phải ngộ, phải nhìn được vấn đề, ý thức được nó. Sau khi ngộ, rất khó khăn để chọn lựa: Cái này hay quá nhưng không làm vì rất nhiều lý do…
Sau khi chọn lựa mới đến tổ chức thực hiện. Làm thế nào, với ai, ở đâu, bằng cái gì… Sau đó, khi có thành quả nếu trong kinh doanh, phải biết tái đầu tư. Người Việt mình xoay quanh thực hiện, đầu tư và hưởng thụ. Không giác ngộ và cũng cóc chọn lựa. Ô có phi vụ này hay lắm, bỏ tiền ra mua, mấy tháng sau bán có tiền.
 
Nhiều người Việt rất giỏi chuyện đó, nhưng họ không ý thức hành vi của họ trong tổng thể nền kinh tế. Họ cũng không chọn lựa có tiền thì làm gì, làm gì cho đời sống, cho dân sinh. Vấn đề mấu chốt của người Việt Nam là như thế. Người ta không nghĩ xa, không nghĩ nhiều, không chọn lựa… Quyền của người ta, làm sao cấm được.




Theo Nguyễn Mạnh Hà
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm