"Nhiều năm nay, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng không tốt"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Dù được người vợ rất tận tâm, hết mình chăm sóc từng viên thuốc, từng cốc nước, từ áo ấm mùa đông nhưng vì bệnh tật rồi tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ Hồng Đăng đã qua đời", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Trước sự ra đi của nhạc sĩ Hồng Đăng - tác giả ca khúc "Hoa sữa" nổi tiếng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ với PV Dân trí:

"Nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đi lên từ một chàng trai xứ Nghệ, qua học tập, truyền thống quê hương của gia đình đã trở thành một trong những sinh viên, học sinh đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam những năm 1956-1957.

Suốt cả một cuộc đời từ khi là một chàng thanh niên, sinh viên của trường Âm nhạc Việt Nam cho đến khi trở thành Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam 3 khóa liền, ông còn tham gia rất nhiều hoạt động như tham gia Ban chấp hành Hội Việt - Nhật, tham gia vào những tổ chức của học sinh, sinh viên ngay từ lúc trẻ.

Nhiều năm nay, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng không tốt - 1

Nhạc sĩ Hồng Đăng (phải) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh tư liệu).

Nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác, ông còn là một nhà giáo, một người có đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng các giáo trình thuở ban đầu về sáng tác, phối khí, âm nhạc. Khi đó, sách của Việt Nam rất hiếm về tính năng nhạc cụ, về phối khí,… Ông là một trong những nhạc sĩ trẻ tiên phong nhất trong thời gian đó. Một trong những giáo trình ông để lại, hiện nay vẫn được sử dụng trong nhà trường và là những giáo trình lõi, có kiến thức cơ bản.

Nhớ tới nhạc sĩ Hồng Đăng, là nhớ tới ông đã tham gia giảng dạy rất nhiều năm tại trường Âm nhạc Việt Nam ở bộ môn sáng tác. Ông còn là Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong nhiều năm liền.

Với kiến thức sâu rộng và sự nhiệt tình trong nghề nghiệp, ông có sức lan tỏa rất lớn đối với đồng nghiệp, đặc biệt là với các thế hệ nhạc sĩ sau này. Sau ông, từ nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phú Quang…, rồi đến thế hệ chúng tôi - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và các thế hệ cùng là học sinh khoa sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam...

Với cương vị là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông là cầu nối liên kết được giữa âm nhạc miền Bắc xã hội chủ nghĩa với âm nhạc sau khi đất nước thống nhất năm 1975, chính ông là một trong những người kết nối giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao, các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Từ Huy… Hồng Đăng là người bạn lớn trong giới âm nhạc, được các nhạc sĩ Việt Nam sau khi đất nước thống nhất rất ca ngợi và yêu quý.

Ông cũng không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác ca khúc với những ca khúc rất nổi tiếng như "Quà tháng năm", "Hoa sữa", "Lênh đênh"… Những bài hát của ông được công chúng rất yêu thích. Bên cạnh đó,  ông còn là một nhà sáng tác khí nhạc, là một trong những người soạn những bản hợp xướng đầu tiên của Việt Nam.

Nhiều năm nay, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng không tốt - 2

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ (Ảnh sưu tầm).

Công lao của nhạc sĩ Hồng Đăng rất lớn. Sự ra đi của ông vô cùng đáng tiếc. Tôi biết nhiều năm nay, sức khỏe của ông không tốt. Ông được người vợ rất tận tâm, tận tình và hết sức mình chăm sóc từng viên thuốc, từng cốc nước, từ áo ấm mùa đông để ông qua được những ngày khó khăn. Nhưng vì bệnh tật rồi tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời, để lại nuối tiếc, sự tổn thất rất lớn cho giới âm nhạc Việt Nam.

Một điều đáng tiếc nữa, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong 5 nhạc sĩ đợt năm 2021 được Hội đồng cơ sở, chuyên ngành cho đến Hội đồng trung ương xét giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu đồng thuận đề nghị Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ Hồng Đăng.

Ông chưa kịp nhận niềm vui, vinh dự của Đảng và Nhà nước trao tặng cho sự nghiệp âm nhạc của mình thì đã ra đi mãi mãi.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ đặt nền móng cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Trong những ca khúc hay về Hà Nội, không thể không nhắc đến "Hoa sữa", bài hát đã vượt ra khỏi bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" để sống mãi trong lòng công chúng với những giai điệu da diết, ngọt ngào, chạm đến ký ức của bao người.

Nhiều năm nay, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng không tốt - 3

Nhạc sĩ Hồng Đăng vừa qua đời, hưởng thọ 86 tuổi (Ảnh sưu tầm).

Còn ngay từ khi là học sinh trường nhạc, tôi đã rất ấn tượng với "Quà tháng năm" -  một ca khúc rất trong sáng với giọng điệu hào sảng, tự tin của tuổi trẻ về tương lai của đất nước, thể hiện tình yêu đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh một cách rất hồn nhiên.

Đấy chính là tình cảm của nhạc sĩ Hồng Đăng. Mặc dù không phải Đảng viên, nhưng ngay từ thời tuổi trẻ, ông hướng tới Bác Hồ, hướng lãnh tụ của đất nước như một vầng sáng hào quang.

Chính sự hồn nhiên, trong sáng mà nghệ thuật âm nhạc đã diễn tả một cách rất rõ nét, thể hiện rất hiệu quả, tuyệt vời. Ca khúc "Quà tháng năm", tháng 5 không chỉ là sinh nhật Bác, bắt đầu mùa hè mà tháng 5 còn là kỷ niệm của tuổi thanh xuân. Khi bài hát vang lên, ta thấy rằng đó là một tình cảm rất trong sáng, một bài hát rất hoàn chỉnh, ra đời tự nhiên với tấm lòng, tình cảm của nhạc sĩ Hồng Đăng với Bác Hồ, với đất nước của chúng ta.

Và Hồng Đăng còn cho ra đời nhiều ca khúc hay, mỗi ca khúc đều có giọng điệu riêng như "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay"…

Mặc dù xuất thân là một người con xứ Nghệ, nhưng trong ông bao hàm tất cả những giai điệu, âm hưởng của âm nhạc các vùng miền đất nước, tạo ra một ngôn ngữ ca khúc Hồng Đăng, chứ không chỉ khai thác âm nhạc dân gian của quê hương, vùng đất của nơi ông sống".

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đời học sinh và được nhiều bạn bè cùng trang lứa yêu thích. Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu, ông là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao...

Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch "Sông Hồng ngàn năm" (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 - dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu.

Đặc biệt, ca khúc "Hoa sữa" được ông viết trong nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau tháng Chạp "Điện Biên Phủ trên không" đã lay động trái tim triệu người dân nước Việt. "Hoa sữa" đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ.

Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy...

Nhạc sĩ được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2021.