Nhiều kỳ vọng về Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Bình Minh

(Dân trí) - Tiến tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc, lãnh đạo ngành Văn hóa tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng kết quả đạt được của hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội.

Xứ Thanh- những dấu ấn văn hóa riêng biệt

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, xuyên suốt từ thuở các Vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh, ít có nơi nào như Thanh Hóa, vừa có đầy đủ các hình thái địa - văn hóa, vừa chứa đựng trong đó những thành tố văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. 

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, xứ Thanh là "sân khấu chính trị" của các vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Lê Trung Hưng, Nguyễn… Các di tích lịch sử tiêu biểu như: Đền Bà Triệu, Thành nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh…

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết số 33-NQ/TW, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy.

Bên cạnh đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm.

Nhiều kỳ vọng về Hội nghị Văn hóa toàn quốc - 1

Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.

"Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, xứ Thanh luôn tạo ra những dấu ấn văn hóa riêng nhưng đậm đà bản sắc hòa chung trong dòng chảy của mạch nguồn văn hóa dân tộc", Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định.

Theo bà Vương Thị Hải Yến, tiến tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Sở đã tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ công chức, viên chức toàn ngành về tầm quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị to lớn và rộng khắp. Đồng thời, phát động đợt thi đua cao điểm đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, lập thành tích chào mừng hội nghị.

Kỳ vọng sau hội nghị

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa kỳ vọng, kết quả đạt được của hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Kết quả đó cũng là yếu tố quan trọng góp vào dòng chảy chung của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhiều kỳ vọng về Hội nghị Văn hóa toàn quốc - 2

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Bà Vương Thị Hải Yến cũng hy vọng kết quả hội nghị sẽ tạo cơ chế, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch, chính sách và chế độ đãi ngộ để thu hút lực lượng cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Khai thác sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa có hiệu quả phục vụ xã hội trên mọi lĩnh vực đặc biệt là văn hóa, chính sách phát triển nghệ thuật truyền thống, điện ảnh, công tác phổ biến phim đối với các tỉnh có đặc thù miền núi, ven biển hải đảo.     

Với cương vị là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa (nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa), ông Phạm Duy Phương cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những mặt tốt còn có không ít những mặt xấu ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

"Sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai tăng nhanh trong xu hướng phá vỡ nét đẹp truyền thống, nhất là trong giới trẻ đã ngập chìm trong không gian mạng, nảy sinh những hành vi phi đạo đức, phi văn hóa", ông Phương nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc nhận thức của một số bộ phận quản lý coi văn hóa là của riêng ngành Văn hóa nghệ thuật có xu hướng hiểu sai ở một số địa phương. Từ hiểu sai dẫn đến xem nhẹ nên lĩnh vực văn hóa không chú ý lãnh đạo dẫn đến thực hiện thiếu hiệu quả.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, các đại biểu rất nóng lòng muốn nâng cao hơn nữa về nhận thức văn hóa của mọi người. Văn hóa phải được coi trọng, là phương tiện cứu cánh của các hoạt động ngành nghề trong xã hội.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa cũng kỳ vọng sau hội nghị, ngành Văn hóa trong đó có mảng Văn học nghệ thuật sẽ được ứng xử "văn hóa" nhất, được lựa chọn là lĩnh vực đầu tư thỏa đáng nhất, phát huy tối đa sức mạnh của nó vốn có trong thời hiện đại. Đó cũng chính là cách phát triển kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng bền vững nhất.