Bộ trưởng Bộ VHTTDL: "Kỳ vọng từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021"
(Dân trí) - "Sau Hội nghị, chúng ta phải thực hiện triển khai giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết của Đảng đề ra, đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã có những trao đổi trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 (dự kiến diễn ra từ ngày 24/11). Báo Dân trí xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc!
Bối cảnh tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
2021 là năm đất nước ta có rất nhiều sự kiện chính trị hết sức quan trọng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước 10 năm mà Nghị quyết Đại hội đã xác định.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã hoạch định đường lối phát triển đất nước đến năm 2030 nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng, đến năm 2045 kỉ niệm 100 năm thành lập Nước và đặt mục tiêu đất nước ta đến thời điểm đó phải trở thành một đất nước công nghiệp phát triển.
Đồng thời, ngoài ý nghĩa là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đảng, chúng ta cũng thấy tình hình trong nước và thế giới có thuận lợi và thách thức đan xen.
Đất nước ta phải đối diện với đại dịch Covid-19, nhất là từ tháng 4/2021. Đợt bùng phát dịch thứ 4 đã gây ra cho đất nước ta nhiều thiệt hại rất lớn, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư đến Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, các chương trình cụ thể của Chính phủ cùng với sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân, đến thời điểm này, chúng ta cũng đã từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh để đưa đất nước ta vào tình trạng bình thường mới theo hướng thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả.
Và vì vậy mà chúng ta đang chăm lo tốt hơn, làm tốt hơn vai trò phục hồi nền kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, phải gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước, quê hương. Trong đó:
Năm 2021, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ kỉ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.
Chính vì vậy, đặt ra một yêu cầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.
Thường trực Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho các ban Đảng, các tổ chức có liên quan để tích cực tổ chức các hoạt động để triển khai sớm Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa.
Theo đó chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc mà mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Hội nghị này diễn ra vào thời điểm quan trọng, có tính chất lịch sử.
Hội nghị không dành riêng cho văn hóa, mà lấy văn hóa thực hiện lần lượt các nhiệm vụ của Đảng.
Nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Như tiêu đề của Hội nghị là Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa, ở đây chúng ta thấy sự quan tâm rất lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa.
Sự quan tâm đó có cơ sở lí luận, thực tiễn. Các văn kiện của Đảng đều khẳng định, phải đặt văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là một trong bốn trụ cột.
Chính vì vậy, quy mô của Hội nghị được tổ chức khá lớn. Ngoài việc tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ, các tổ chức chính trị xã hội được lựa chọn để dự hội nghị còn nối với các điểm cầu ở các địa phương trên cả nước.
Trọng tâm xuyên suốt của sự kiện này là chúng ta dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa.
Ngoài việc hệ thống, dẫn luận quan điểm tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa dựa trên đường lối của Đảng ta và đặc biệt là tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin về văn hóa, về tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là kim chỉ nam.
Chúng ta nhìn lại sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa xem đã đạt được những thành tựu, khó khăn và tồn tại yếu kém gì để rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Khi chúng ta có một nhận thức đúng sẽ có một hành động đẹp.
Từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm đường lối của Đảng, nhìn lại thực tiễn qua 35 năm thực hiện đổi mới của Đảng, dưới góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì.
Trên một trục xuyên suốt là phải phát triển văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước văn hóa hùng cường. Đó chính là yêu cầu cũng như nội dung của Hội nghị.
Kỳ vọng từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Mong muốn sau Hội nghị, chúng ta phải nhận thức đúng hướng, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm đường lối của Đảng.
Chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống, nâng tầm nhận thức của cán bộ Đảng viên mới có điều kiện để thực hiện văn hóa đúng đường lối quan điểm của Đảng, không đi chệch hướng và phát huy được đầy đủ nội hàm, xây dựng nền văn hóa chúng ta đang hướng đến.
Đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Chúng ta cần chủ động để khắc phục tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình, diễn biến văn hóa.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta phải xác lập xây dựng hệ sinh thái văn hóa, bao trùm xuyên suốt, xây dựng môi trường văn hóa. Vì vậy, chúng ta phải tiếp cận chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực, ưu tiên trong vấn đề văn hóa doanh nghiệp, nhân dân.
Khi chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường này như thế nào để đảm bảo văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa?
Văn hóa phải bắt đầu từ cơ sở, chúng ta phải phát huy và giữ gìn, phải trở lại để làm chất hơn việc xây dựng văn hóa từ các khu dân cư, đô thị để đó trở thành một môi trường văn hóa, để chúng ta sống trong nó.
Sau Hội nghị, chúng ta phải thực hiện triển khai giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết của Đảng đề ra, đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước và sáng tạo. Nhưng không thể xây dựng con người theo hướng chỉ có một số giải pháp đặt con người trong tổng thể vừa là nhân vật trung tâm, vừa là chủ thể xây dựng văn hóa và ngược lại.
Văn hóa hình thành nên những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, con người giữ được những bản sắc văn hóa.