TPHCM:
Nhiều công trình kiến trúc được xếp hạng di tích
(Dân trí) - Đền thờ Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên, chùa Quán Thế Âm, Viện Pasteur, trường chuyên Lê Hồng Phong,... là những công trình nghệ thuật kiến trúc được UBND TpHCM xếp hạng di tích.
UBND TpHCM vừa có quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố cho 8 công trình nghệ thuật kiến trúc. Trong đó, 7 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường THCS Hồng Bàng (quận 5); trường THPT Marie Curie và Viện Pasteur (quận 3); Đền thờ Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên (quận 1); Hội quán Tam Sơn (quận 5); chùa Giác Hải (quận 6). Còn chùa Quán Thế Âm (quận Phú Nhuận) là di tích lịch sử.
UBND TP nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch UBND TP.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong– ngôi trường kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, rộng rãi, thoáng mát. Với trên 3/4 thế kỷ thành lập, trường Lê Hồng Phong là 1 trong 3 trường THPT lâu đời nhất thành phố. Được xây dựng vào năm 1927 với tên gọi Collège Petrus Ký (Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký), nhưng năm 1928 trường mới khai giảng năm học đầu tiên với 200 học sinh.
Từ ngôi trường này, các thế hệ học sinh – thanh niên yêu nước đã châm ngòi cho cách mạng chống Pháp, chống Mỹ như: bãi khóa, đình công, biểu tình. Một trong những tấm gương chói lọi là anh Trần Văn Ơn đã anh dũng ngã xuống trong cuộc xuống đường chống Pháp ngày 9/1/1950 tạo nên làn sóng biểu tình dâng cao khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, đòi bảo vệ quyền lợi cho học sinh. Từ đó, ngày 9/1 đã đi vào lịch sử dân tộc khi được chọn là ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.
Tiếp nối tên tuổi Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, trường trung học Petrus Ký còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc các Liệt sĩ như: Hồ Hảo Hớn, Anh hùng Nguyễn Thái Bình…
Trường Lê Hồng Phong là nơi sản sinh nhiều nhà giáo, nhà cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: GS Nguyễn Văn Chì, GS Phạm Thiều, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, GS –Viện sĩ Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, GS – Viện sĩ – Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, GS – TS – Nhạc sĩ Trần Văn Khê, GS – TS Nguyễn Ngọc Trân...
Năm học 1976 – 1977, trường vinh dự mang tên cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Phong. Năm học 1981 – 1982 tổ chuyên toán đầu tiên của trường ra đời. Năm học 1990 – 1991 trường chính thức được giao nhiệm vụ chuyên đào tạo học sinh giỏi cho TPHCM. Năm 1995 Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trung tâm chất lượng cao các tỉnh, thành phía Nam.
Vinh dự nhất là tập thể nhà trường được Chủ tịch nước tặng 2 Huân chương Lao động: hạng 3 (1989) và hạng 2 (2001). Nhà trường được xét tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (20/11/2004).
Quốc Anh