Nhiều bí ẩn trong bức thư họa "triệu đô" vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông
(Dân trí)- Bức thư họa được vẽ trong hoàn cảnh nào, tại Trung Quốc hay tại Việt Nam? Thân phận thật sự của Trần Giám Như? Trần Quang Chỉ – chủ nhân của bức họa đã mời các danh sĩ nhà Minh đề thơ, lời dẫn có phải là người mang dòng máu hoàng tộc nhà Trần?
Ngoài những giá trị về văn hóa lịch sử, bức thư họa này từng khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ vì bản phục chế của nó (không phải bản gốc) được mua với giá 1,8 triệu USD.
Một buổi tọa đàm về bức thư họa vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được tổ chức tại Huế với sự tham gia của rất đông các học giả trong giới nghiên cứu văn hóa, học thuật Huế, những người yêu lịch sử, sinh viên sử học. Tại buổi tọa đàm, các học giả và người yêu mến lịch sử đã được tận mắt thưởng lãm bức thư họa qua một phó bản hoàn chỉnh.
ĐĐ.TS Thích Không Nhiên chia sẽ: “Ngay khi Bắc Kinh bắt đầu bán đấu giá bản phục chế thì chúng tôi đã theo dõi và tìm mọi cách để có được 1 phó bản bức thư họa quý giá này”
700 năm chìm nổi
Bức họa được sáng tác vào năm 1363 bởi họa sư Trần Giám Như, sau đó được các danh sĩ đời Minh viết thêm lời bình dẫn, tôn vinh. Tác phẩm là họa phẩm tranh thủy mặc kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật hoàn hảo không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có giá trị lịch sử to lớn.
Năm 1922, bức thư họa được Phế đế Phổ Nghi bí mật đưa ra ngoài và lưu lạc cho đến năm 1949 mới được đem về cất giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc). Cho đến trước tháng 4/2012 những gì được biết về bức thư họa vẫn chỉ là những lời miêu tả, ghi chép trên văn bản.
Bản phục chế giá triệu đô
Vào tháng 4/2012 sau nhiều năm được cất giấu trong viện bảo tàng, bức thư họa được ra mắt công chúng và giới học thuật hiện đại thông qua một bản phục chế bằng kỹ thuật cao cấp. Trong cuộc đấu giá, bản phục chế bức thư họa có khởi điểm 160 USD, nhưng cuối cùng qua nhiều vòng đã được mua với tổng số tiền lên đến 1,8 triệu USD.
Nguyên bản bức thư - họa này có kích thước 961x28cm (phần tranh 316 x 28 cm). Vẽ trên chất liệu giấy xuyến bằng loại hình tranh thủy mặc với hai màu đen trắng. Tranh vẽ tất cả 82 nhân vật gồm đoàn người xuống núi và đoàn người đến đón. Nhân vật chính trong bức họa là Phật hoàng Trần Nhân Tông với những đặc trưng trên gương mặt: mày dài, tai to, tay cầm tràng hạt.
Những bí ẩn chưa có lời giải
Nội dung trong tranh tạo nên những góc nhìn đặc biệt cần các học giả tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra những bí ẩn lịch sử được thể hiện trong sử liệu này.
Những bí ẩn đó gồm: Bức thư họa được vẽ trong hoàn cảnh nào, tại Trung Quốc hay tại Việt Nam? Thân phận thật sự của Trần Giám Như? Trần Quang Chỉ – chủ nhân của bức họa đã mời các danh sĩ nhà Minh đề thơ, lời dẫn có phải là người mang dòng máu hoàng tộc nhà Trần? Liệu có khả năng tìm ra một cộng đồng người Việt họ Trần lưu lạc sang Trung Quốc thời ấy hay không ?...
Kết thúc buổi tọa đàm, Nhà nghiên cứu cổ vật có tiếng, diễn giả Trần Đình Sơn đã đúc kết: “Quá khứ và văn hóa nước nhà vẫn còn nhiều mảnh vỡ, những bí ẩn chưa tìm được lời giải đáp, việc tìm kiếm, sưu tầm và giải mã những mảnh vỡ này sẽ góp phần phục dựng bức tranh lịch sử - văn hóa nước ta”.
Anh Việt – Đại Dương