Nhiều bài thơ Việt trị giá tiền tỉ!
(Dân trí)- Trước thông tin bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được bán với số tiền 300 triệu, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho biết: “Nếu làm tốt việc bảo vệ bản quyền, nhiều bài thơ sẽ mang về tiền tỉ, ví dụ, Bài thơ về đôi dép có thể thu được hơn 2 tỉ!”
“Bán đứt” hàng trăm triệu
Lâu nay, nhiều người đã nghĩ “ai thèm mua thơ!”. Thơ ca từ bao giờ đã bị “thất sủng” giữa cuộc sống hiện đại. Nhà thơ cũng chẳng mấy khi bận tâm đến thu nhập từ thơ, mà phải bươn chải bằng nhiều công việc khác. Sự kiện bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ của tác giả Trần Hoài Thu (tức Trần Đình Chính) được một công ty mua bản quyền với giá 300 triệu khiến nhiều người giật mình. Có người còn chép miệng không tin: Thơ thì lấy đâu ra tiền triệu?
Ngoài ra, các thi sĩ cũng có được thù lao từ nhuận bút đăng báo hoặc in sách. Tuy nhiên, tất cả những cách khai thác nói trên như bán đứt bản quyền hoặc khai thác từ thơ phổ nhạc… mới chỉ là một phần rất nhỏ trong quyền lợi mà các thi sĩ lẽ ra phải được hưởng.
Bán “đứt” bản quyền bài thơ: Công chúng sẽ thiệt?
Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến- Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép cho biết, việc khai thác và bảo vệ bản quyền thơ ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả, bởi nếu làm tốt, có những bài thơ thu được hàng tỷ đồng, chứ không phải chỉ vài trăm triệu.
Bà Luyến nói, nếu làm tốt việc quản lý bản quyền trên mạng, nếu như chỉ cần 100 nghìn người sao chép, thì đã thu được 100 triệu đồng, mà mức phí rất rẻ, chỉ 1.000 đồng. Bà cho hay, xu hướng này hiện nay rất phổ biến và có hiệu quả, nhưng đòi hỏi tổ chức phải chuyên nghiệp, có năng lực quản lý và trung thực.
Từ so sánh đó, bà Luyến nhận định: Những bài thơ hay như Lá diêu bông, Màu tím hoa sim… còn thu được nhiều tiền hơn thế. Công chúng trên mạng, mỗi người vào đọc chỉ đóng góp 1.000 đồng, 1 triệu lượt truy nhập đã thu được 1 tỉ.
Bà Lam Luyến cho rằng, khai thác theo cách đó hiệu quả hơn hẳn so với việc “bán đứt” như với bài Màu tím hoa sim, công chúng thiệt thòi, khó được thưởng thức bởi doanh nghiệp gần như mua để làm thương hiệu, không bán ra đâu cả.
So sánh việc thu phí bản quyền theo cách này với việc “bán đứt”, bà Lam Luyến cho rằng thu phí có nhiều ưu thế hơn. Tuy nhiên, hiện nay tiếng nói của nhiều nhà thơ chưa thống nhất, nhiều người cứ nghĩ rằng thơ được đăng, có người đọc là tốt rồi. Suy nghĩ đó của các tác giả đã khiến việc thu tiền bản quyền rất khó. “Nếu các thi sĩ biết tự tôn mình, cho rằng thơ cũng là một tác phẩm phải lao động nghệ thuật, trí tuệ mới có được, không nên cho không, biếu không hoặc phát biểu trái quan điểm như vậy”, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép chia sẻ.
Lê Nguyễn