Nhiếp ảnh gia nổi tiếng với bức “Em bé napan” giành giải quốc tế
(Dân trí) - Ngày 2/11 vừa qua, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt Nick Ut đã nhận được giải Achievement in Photojournalism (Thành tựu trong Nhiếp ảnh Báo chí) tại giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Lucie Awards.
Nick Ut tại lễ trao giải Lucie Awards
Lucie Awards là giải thưởng thường niên vinh danh những thành tựu xuất sắc nhất trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Đây là một giải mang tầm vóc quốc tế. Mỗi năm Ban Cố vấn của giải sẽ đề cử ra những cá nhân xuất sắc ở nhiều thể loại nhiếp ảnh. Sau khi danh sách đề cử đã được hoàn tất, việc bỏ phiếu bầu chọn sẽ giúp tìm ra gương mặt xuất sắc nhất ở mỗi hạng mục.
Giải thưởng nhiếp ảnh Lucie Awards được hỗ trợ bởi Quỹ Lucie Foundation - một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận. Tên “Lucie” của giải bắt nguồn từ chữ “lux” trong tiếng Latinh có nghĩa là “ánh sáng”. “Lucie” hàm ý đánh giá cao vai trò của ánh sáng trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Bản thân bức tượng của giải Lucie Awards cũng khắc họa vị nữ thần ánh sáng
Tiểu sử của Nick Ut đã được giới thiệu tương đối đầy đủ trên trang chủ của giải Lucie Awards. Ông bắt đầu trở thành một nhiếp ảnh gia chiến trường tại Việt Nam hồi năm 1966 sau khi người anh trai qua đời trong quá trình tác nghiệp tin ảnh cho hãng tin AP hồi năm 1965.
Trong chặng đường đầu tiên trở thành một nhiếp ảnh gia, Nick Ut thường xuyên thực hiện những bức ảnh chiến trường tại Việt Nam, Campuchia, Lào… trong suốt gần 10 năm. Thực tế, ông đã bắt đầu thực hiện những bức hình đầu tiên từ năm 16 tuổi.
Điểm sáng nhất trong sự nghiệp của Nick Ut là bức ảnh ông thực hiện vào ngày 8/6/1972 tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nơi hàng ngàn người Việt Nam đang chạy ráo rác sau một cuộc không kích của lính Mỹ, họ đã bị bom Mỹ nã xuống khu dân cư, gây ra thảm cảnh kinh hoàng.
Đáng chú ý trong chùm ảnh mà Nick Ut thực hiện ngày hôm ấy là bức chụp một cô bé bị bỏng vì bom napan, cô bé có tên Kim Phúc. Cô bé trên người không một mảnh vải, đang gào thét vì bị bỏng.
Nick Ut đã nhanh chóng ghi lại được khoảnh khắc đó để rồi ngay lập tức chạy tới dội nước lên Kim Phúc để giúp cô bé bớt đau đớn vì bị bỏng. Sau đó, Nick Ut đã đưa cô bé tới bệnh viện. Cho tới tận hôm nay, Nick Ut và cô bé Kim Phúc năm xưa vẫn giữ liên lạc thân thiết.
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Nick Ut chuyển tới sống ở thành phố Los Angeles, Mỹ, sau này, ông là một phóng viên ảnh đưa tin về nhiều thể loại đa dạng, nhưng không còn gắn bó với thể loại ảnh chiến trường nữa, thay vào đó, ông thực hiện những bức ảnh về chủ đề thiên tai, bạo động, chính trị, tôn giáo, thể thao và cả giải trí.
Đã lăn lộn trong những cuộc chiến tranh, xung đột, ghi lại nhiều khoảnh khắc đau đớn tột cùng của con người, Nick Ut tin rằng tiêu chí đạo đức đối với một phóng viên ảnh báo chí là một chủ đề rất khó có thể bàn luận một cách rõ ràng, thỏa đáng.
Trong công việc của mình, Nick Ut luôn cố gắng giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, nhưng là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ông cho rằng trách nhiệm cao nhất và cảm quan nghề nghiệp luôn đòi hỏi người cầm máy phải ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng nhất, không thể vì bất cứ lý do nào khác mà trì hoãn, bỏ qua giây phút quan trọng đó.
Việc ghi lại được những khoảnh khắc dù có thể là kinh khủng, ám ảnh nhất về những gì mà con người phải chịu đựng trong những hoàn cảnh khốn cùng, theo ông, là rất quan trọng, bởi nó phục vụ cho yêu cầu của lịch sử.
Trong Chiến tranh Việt Nam, Nick Ut đã mất đi người anh trai và những người bạn, người đồng nghiệp, hơn ai hết, ông hiểu rằng nghề phóng viên ảnh chiến trường là một nghề rất nguy hiểm.
Nick Ut đã từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực nhiếp ảnh như giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 1972, giải Pulitzer năm 1973, được vinh danh trong Sảnh Danh vọng Leica năm 2012…
Bên cạnh giải Thành tựu trong Nhiếp ảnh Báo chí, Lucie Awards còn trao giải Thành tựu Trọn đời, Thành tựu trong Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Thành tựu trong Nhiếp ảnh Tài liệu, Thành tựu trong Nhiếp ảnh Chân dung, và Giải Tầm nhìn.
Bích Ngọc
Theo Lucies