Nhiếp ảnh gia Na Sơn:“Thay vì ăn Tết, tôi chọn Đi và Cho nhiều hơn”

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Tết, nên đường phố Hà Nội, Sài Gòn đã thấy cuống quít lên náo nức chuẩn bị Tết. Ban ngày phố phường cũng chật ních người đi lại hối hả, mua bán rất có không khí Tết...

Dân Việt, dù cho cuộc sống và xã hội có phát triển tới đâu nữa, dù những thế hệ mới cũng hân hoan đón mừng Giáng sinh, năm mới thì Tết vẫn sẽ là một dịp thiêng liêng. Một dịp để mọi người nghỉ ngơi, hưởng thụ sau một năm dài bươn chải với công việc, một dịp để người ta có thể gặp nhau, có nhiều thời gian để yêu thương nhau hơn…

"Sống là Đi và Cho nhiều hơn"


Người Việt xưa hay dùng cụm từ “Ăn Tết”.  Quả thực với một đất nước của miền văn minh lúa nước thì chỉ có dịp Tết người ta mới có thể ăn uống no đủ. Nhà nghèo mấy thì ngày Tết cũng cố gắng có chút gì tươm tất để ăn. “Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà” là cái lẽ hiển nhiên. Nhưng thực sự tôi không thích từ “Ăn Tết” lắm. Cuộc sống khấm khá hơn hiện nay khiến mọi người cũng không cần đợi đến Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp. Không cần đến Tết mới được ăn bánh chưng, canh bóng hay măng hầm. Giờ những thứ ấy ngoài quá xá bán quanh năm. Thế nên ngày Tết, tôi sợ nhất là đi ăn. Mùng 1 ăn cũng từng ấy món, mùng 2 sang nhà khác cũng những món ấy lặp lại và cũng không khác mấy trong những “mùng” tiếp theo. Tôi sợ ăn Tết!

Tết đoàn viên là quan tâm trọn vẹn gia đình…
Tết đoàn viên là quan tâm trọn vẹn gia đình…

Tết thích nhất là được chia sẻ trọn vẹn với những người thân, bạn bè. Thường thì ở nhà tôi, sẽ tổ chức gói bánh chưng vào quãng 27,28 tháng Chạp. Tất cả các thành viên gia đình sẽ tâp trung lại, rủ thêm vài gia đình bạn bè thân quen, chúng tôi về trang trại của gia đình tôi ở cách Sài Gòn độ gần 2 tiếng xe chạy. Lũ trẻ con chạy chơi, bơi hồ  thoả thích xong thì phụ người lớn chuẩn bị các nguyên vật liệu và cùng ngồi gói bánh chưng. Lũ trẻ vui nhất. Được người lớn hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn rồi đứa nào cũng tự gói 1,2 cái bánh chưng, bánh tét cho riêng mình. Bánh thì méo, bánh thì bé xíu, bánh thì xộc xệch nhưng đứa nào cũng phải kiếm thứ gì đó thật nổi để buộc vào đánh dấu “thành quả” của mình, chỉ sợ nhầm với bánh người khác. Và bên nồi bánh chưng đỏ lửa, những câu chuyện cứ được kể râm ran, chuyện cũ, chuyện mới liên quan đến ngày Tết, liên quan đến họ hàng, bạn bè cứ tiếp nối mãi đến tận khuya… Vài người lớn thì thức trông nồi bánh, trong đó có tôi. Đấy cũng là thời gian thư thái nhất- ngồi tự tổng kết lại những việc năm cũ, suy nghĩ về những dự định cho năm mới.

… nhưng cũng không quên những chuyến đi cùng đồng đội
… nhưng cũng không quên những chuyến đi cùng đồng đội

 …để cùng mang niềm vui Xuân đến cho những mảnh đời khó khăn
 …để cùng mang niềm vui Xuân đến cho những mảnh đời khó khăn

Tôi thích đi chơi Tết. Không chỉ là đi thăm họ hàng nội ngoại hay bạn bè mà là đi chơi xa, nhất là ra Bắc. Thường là tầm mùng 2, tôi và người yêu sẽ lên đường. Bay ra Hà Nội vài hôm để hưởng không khí Tết đất Bắc trong tiết Xuân lạnh lạnh và đi xem Hội làng. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”- hội làng Đồng Kỵ mùng 4, Hội Gò Đống Đa mùng 5, chợ Viềng (Nam Định) mùng 7, Hội Lim ngày 13, Hội làng Diềm đất gốc quan họ ngày 14… Mỗi nơi là một đặc trưng văn hoá hội hè khác nhau. Chúng tôi còn  có thêm những chuyến đi lên những vùng cao xa xôi như Đồng Văn, Mèo Vạc của miền cao nguyên đá Hà Giang hay Lai Châu, Điện Biên. Còn gì thú vị hơn rong ruổi qua những đèo những dốc , lặng người ngắm cả vùng núi cao ngập tràn trong sắc màu của hoa đào đỏ rực, hoa mận trắng muốt và những cánh đồng hoa cải vàng ruộm, trải dài những triền núi. Nhưng vui hơn cả khi đi miền núi là được đến với những làng bản thăm thú mọi người, chơi với bọn trẻ con, mang cho chúng những món quà nho nhỏ, vài bộ quần áo mới, một ít đồ dung học tập… Những món quà ngày Tết bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt với chúng dù trong năm tôi vẫn thường cũng nhóm bạn tổ chức nhiều chuyến từ thiện đến những vùng đói nghèo, heo hút ấy.

Trong thời buổi cuộc sống đi qua quá nhanh như hiện nay thì có lẽ chỉ dịp Tết chúng ta mới có đủ thời gian để tạm gác bộn bề công việc sang một bên để làm nhiều việc mà trong năm chả có thời gian để làm. Tết là đoàn viên, là phải về với gia đình. Điều đó không sai, nhưng tôi muốn sự đoàn viên được nhìn ở một khía cạnh xa hơn, rộng hơn. Nếu bạn sẵn sàng, sau khi đã trọn vẹn với gia đình, hãy cùng chúng tôi mang niềm vui đoàn viên đó đến với những hoàn cảnh khó khăn ở những vùng đất lạ qua những chuyến đi ngày Tết. Bởi cho dù là ngày thường hay Tết, thì “sống là cho đâu phải chỉ riêng mình”.


Na Sơn