Nhiếp ảnh gia đi dọc đất nước "săn" những nụ cười
(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, dù đi đến đâu, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cũng lưu lại những nụ cười, từ những em bé còn nằm ngoan trên lưng mẹ, những người phụ nữ miền duyên hải cười hiền trong lúc kéo lưới…
Bắt đầu bước chân vào làng Nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 2000, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong (sinh năm 1969) ở Sài Gòn đã thích chụp những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên trong cuộc sống thường nhật.
Đến năm 2014, một cơ duyên đã đưa ông đến đất nước Thụy Sĩ để triển lãm ảnh cá nhân. Trong dịp triển lãm này, đã có người đàn ông nha sĩ mua một bức ảnh cười trong triển lãm và sau đó đã mua thêm 20 file ảnh cười của ông.
"Người đàn ông nha sĩ rất thích những nụ cười bình dị, lạc quan của người Việt Nam, từ trẻ thơ cho đến người già. Mà ở một đất nước thanh bình, hạnh phúc như Thụy Sĩ cũng hiếm có những hình ảnh như vậy. Từ đó đã mang đến cho tôi nhiều động lực để âm thầm thực hiện dự án chụp những bức ảnh về nụ cười", nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Có được động lực to lớn, ông lên đường đi săn tìm những nụ cười, những khoảnh khắc tràn đầy năng lượng tích cực, vui tươi trên mọi miền của Tổ quốc.
Trần Thế Phong cho biết, việc săn tìm nụ cười cũng tựa như một hành trình mà ai trong chúng ta cũng đang dấn bước, để tìm kiếm những niềm vui, khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống của chính mình.
Mỗi khi "bắt" được một nụ cười trong ống kính của mình cũng là khoảnh khắc Trần Thế Phong hạnh phúc với niềm đam mê, hạnh phúc và năng lượng lan tỏa từ nụ cười của nhân vật.
Cuối tháng 3 vừa qua, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã cho ra mắt sách ảnh và triển lãm "Cười". Cuốn sách ảnh gồm 108 tác phẩm về những nụ cười được ông ghi lại trong suốt hàng chục năm qua.
Những tập sách ảnh đã xuất bản: Sài Gòn covid-19 (10/2020); Nhịp sống Sài Gòn (8/2019); Chân dung (6/2018); Mưu sinh (5/2017); 45 ngày tại Thụy Sĩ (7/2016); Ánh sáng cuộc sống (8/2015); Vượt qua bóng tối (4/2014); Những nẻo đường tuổi thơ (5/2012); Gánh (5/2011).
Trong 108 tác phẩm ảnh được tuyển chọn đưa vào tập sách ảnh, mỗi tác phẩm là một câu chuyện. Ví dụ như bức ảnh một bé gái ôm lấy một chân bị cụt ½ của người cha của mình với niềm hạnh phúc yêu thương; hay Nghệ sĩ harmonica, quái kiệt Tòng Sơn, ở tuổi 92 vẫn luôn lạc quan yêu đời với nụ cười hiền hòa; hoặc niềm vui với nụ hôn hạnh phúc, đầy cảm xúc của vận động viên khuyết tật bơi lội, chú rể Nguyễn Hồng Lợi và nhà thiết kế, cô dâu Phan Thị Tường Nghĩa; hay nụ cười an vui trong cuộc sống thường nhật hằng ngày của một bà cụ bán rau ở Hà Nội…
"So với 9 tập sách ảnh trước mà tôi đã phát hành, thì triển lãm và ra mắt sách sách ảnh lần thứ 10 "Cười" cá nhân tôi cảm thấy rất ý nghĩa. Những nụ cười đầy lạc quan, thể hiện bản chất của con người, dân tộc Việt Nam cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau để vượt qua những khó khăn hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên toàn cầu", Trần Thế Phong bày tỏ.
Đặc biệt, ảnh trong triển lãm và trong sách ảnh được Trần Thế Phong để toàn bộ là ảnh trắng đen. Ông lý giải: "Tôi không muốn người xem bị chi phối bởi các màu sắc. Tất cả chỉ còn tập trung vào thần thái và cảm xúc từ nhân vật. Chỉ có nụ cười lan tỏa năng lượng, nụ cười của tình yêu thương và sự kết nối".
Sau hành trình này, Trần Thế Phong cảm nhận và đúc ra được cho mình nhiều lý tưởng trong cuộc sống, xung quanh ta còn rất nhiều chất đẹp bình dị, giản đơn ở một đất nước yên bình, hạnh phúc.
Qua tập sách ảnh "Cười", ông muốn gửi thông điệp đến với mọi người: "Nụ cười cũng như hạnh phúc, dù giàu hay nghèo cũng có quyền được sở hữu, được tự tạo niềm vui cho bản thân. Nụ cười còn giúp chúng ta sống vị tha hơn, thông cảm nhiều hơn, làm ta hạnh phúc và mở rộng trái tim với mọi người".