Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau

Hà Hiền

(Dân trí) - Để tránh cây bị ngập úng khi trồng dưới đất, anh Thịnh tận dụng luôn mái tôn rộng khoảng 60m2 và sân thượng của nhà mình để trồng "vườn sung Mỹ trên mây" với hàng trăm giống quý hiếm.

Biết đến sung Mỹ từ năm 2019 qua một người bạn ở Mỹ, anh Phạm Thịnh (28 tuổi) hiện đang làm nhiếp ảnh gia ở Đà Nẵng liền nghiên cứu, mua giống về trồng thử. Sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu, anh sưu tầm được hơn 130 giống sung khác nhau, với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 1
"Vường sung Mỹ trên mây" khiến nhiều người mơ ước của anh Thịnh.

Cây sung Mỹ vốn được gọi là sung đường, sung ngọt, có tên khoa học là Ficus carica, thuộc họ dâu tằm. Cây này được trồng nhiều ở vùng Địa Trung Hải, nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 2

Cây sung Mỹ có lá to bằng bàn tay, trồng khoảng 3 tháng thì kết trái và mất khoảng 3 tháng để trái chín. Loài cây này cho quả ở nách lá, cứ mỗi nách cho một quả chứ không ra cả chùm như sung thông thường.

Lo sợ cây ngập úng vào mùa mưa nên anh đã nghĩ ra cách trồng sung trên mái tôn: "Mình dùng mái tôn 60m2 và thêm 1 vườn sân thượng để trồng hơn 130 giống. Khu vực mình ở vào mùa mưa nước ngập nặng nên không thể trồng dưới đất. Chi phí đầu tư cây giống cao nên trồng dưới đất cũng khó quản lý", chàng trai Đà Nẵng chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 3
Gần đây nhất, anh mua hơn 60 triệu đồng cành sung giống nhưng chỉ được 10 cây sống sót. Vì vậy, anh đúc rút được kinh nghiệm ưu tiên chọn mua cây giống từ Mỹ, việc vận chuyển khó khăn, chi phí cao nhưng ngược lại anh đỡ tốn thời gian để giâm cành.
Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 4
Quá trình bê đất, chậu, phân bón lên mái tôn và sân thượng là giai đoạn vất vả nhất.

Anh Thịnh trồng sung trong chậu 20 lít, sử dụng là đất Namix đóng bao sẵn. Trước khi trồng, anh trộn đất theo tỉ lệ: 40% đất sạch, 30% phân trùn quế và vụn xơ dừa, 20% đá perlite, 10% nấm trichoderma, nấm 3 màu.

Vào mùa mưa bão, giá thể trồng sung vẫn tơi xốp do anh đã làm hệ thống thoát nước. Ngoài ra, để tránh gió bão, cây nào chàng trai 9X cũng cắm cọc tre để giữ thân cây cố định.

Để cung cấp dinh dưỡng cho cây, anh Thịnh sử dụng phân hữu cơ như phân gà, trùn quế, đạm cá để bón định kì 2-3 tuần/lần.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 5
Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, đến nay ông bố Đà Nẵng đã sưu tầm hơn 130 loại sung Mỹ nổi tiếng trên thế giới, những giống sung anh Thịnh yêu thích nhất như: Smith, Socorro Black, Albacor de Molla Vermella, Cessac, Ouriola, Citrullara…
Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 6

Nằm trong bộ sưu tập Monserrat Pons tại Bồ Đào Nha, giống Albacor de Molla Vermella cho quả màu da đen, quả trung bình đến lớn. Thời gian chín của giống này lâu hơn các giống khác, gần 4 tháng mới chín. Ruột quả có màu đỏ tươi như quả mâm xôi. Rất ngọt và có vị cherry khác biệt so với các dòng khác.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 7

Quả sung Socorro Black có màu tím đậm rất đẹp, có thể chịu được mưa và độ ẩm cao mà không làm nứt quả. Ruột quả có màu đỏ sẫm và dẻo như mứt, rất đáng trồng.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 8
Quả sung Robert Golden Rainbow có màu vàng, rất to, ngọt và thơm. Một trong những dòng honey fig rất đáng để sưu tầm.
Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 9
Violetta FL, quả sung có màu đen đậm, bên trong ruột màu mật ong. Quả có thể chín héo trên cây, rất ngọt và mọng nước.
Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 10
De La Gloria - một giống sung rất năng suất đến từ Tây Ban Nha. Quả chín có màu vàng và hình chuông rất đẹp mắt. Thời gian chín kể từ lúc nhú quả hơn 90 ngày. Vị ngọt mát, đặc biệt không có vị chua.

Trong thời gian tới, anh Thịnh sẽ sưu tầm thêm các giống sung: San Josep, Cateto, Barran…

Cây sung Mỹ cho quả liên tục nên sau khi thu quả, ông bố đảm sẽ cắt tỉa cành để cây đẻ nhánh sẽ cho nhiều quả hơn.

Trong bộ sưu tập 130 giống sung của mình, anh Thịnh cho biết, loại sung đắt nhất là Cessac, Ouriola, Hivernenca, Tia Penya.

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 11
Cây sung Cessac anh mới đặt mua từ Mỹ về đến Việt Nam có giá hơn 12 triệu đồng (tính cả chi phí vận chuyển).
Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 12

Để thu hồi vốn, chàng trai 9X nhân giống và bán cây nhỏ cho những người có cùng đam mê. 

Nhiếp ảnh gia bê đất lên mái tôn, trồng vườn sung Mỹ 130 giống khác nhau - 13

Chăm sóc và chờ đến ngày nhìn từng quả chuyển màu chín trên cây khiến ông bố trẻ rất hạnh phúc. Tuyệt vời hơn là tự tay hái và ăn ngay tại vườn, con gái anh Thịnh rất mê thưởng thức loại quả này.

Ngoài trái tươi ăn trực tiếp, sung Mỹ còn có thể sấy khô, làm mứt hoặc đem ngâm rượu.

Trong tương lai, anh Thịnh không dự định mở rộng diện tích mà chỉ sưu tầm thêm những giống sung hiếm và ngon. Ngoài trồng 2 vườn sung, ông bố đảm còn nghiên cứu trồng các giống ớt cay quý hiếm, ớt siêu cay và dưa lưới.