Nhân vật đột ngột qua đời ngay trước buổi ghi hình “Hát mãi ước mơ”

(Dân trí) - Một câu chuyện hy hữu nhưng cũng đầy xót xa đã xảy ra đối với ê-kíp “Hát mãi ước mơ” đó là nhân vật của chương trình đột ngột qua đời ngay sát buổi ghi hình vì không thể chống chọi được với căn bệnh nan y.

Tuần này, 4 người chơi của chương trình “Hát mãi ước mơ” mang đến những câu chuyện rất dung dị, mộc mạc nhưng ẩn chứa sâu sắc tình người.

Câu chuyện đầu tiên đến từ một thầy giáo còn rất trẻ đến từ vùng biên giới xa xôi -Lê Phước Bảo. Thầy Bảo hiện đang giảng dạy bộ môn Thể dục ở trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ngôi trường với 50% học sinh là người dân tộc thiểu số vì thế thầy rất yêu học sinh và vùng đất nơi đây.

Thầy giáo Lê Phước Bảo tâm sự về hoàn cảnh của người học trò dân tộc thiểu số khiến thầy tham gia chương trình.
Thầy giáo Lê Phước Bảo tâm sự về hoàn cảnh của người học trò dân tộc thiểu số khiến thầy tham gia chương trình.

Thầy luôn tâm niệm phải làm sao để các em có thể tiếp tục đi học. Trong đó có một em học sinh lớp 5 là Rơ Châm BYới, em lớn lên ở ngôi làng mà người dân gọi là Làng Cùi. Ngôi làng này là nơi cư ngụ của hơn 40 con người bị bệnh phong sinh sống, nằm heo hút trong những cánh rừng hoang sơ giáp biên giới Campuchia.

Tuy BYới không bị di truyền căn bệnh của bố mẹ nhưng cuộc sống gia đình rất khó khăn vì bố bị khiếm thị, mẹ mắc bệnh phong nặng. Cả hai đều mất khả năng lao động, sống phần lớn dựa vào tiền trợ cấp của nhà nước. Chính vì điều đó nên thầy Bảo sẽ hát cho em BYới có thể tiếp tục đi học và phần nào hỗ trợ cho gia đình em.

Tiếp theo, chị Hoàng Thị Giang sẽ mang đến một câu chuyện về tình người, tình mẫu tử. Chị Giang hiện là công nhân may, chị hát giúp cho một người hàng xóm tên là Lương Thị Huyền.

Chị Hoàng Thị Giang tham gia chương trình để mong kiếm chút tiền giúp đỡ chị Lương Thị Huyền. Tuy nhiên, khi chỉ còn 2 ngày nữa chương trình bước vào buổi ghi hình thì chị Huyền đã đột ngột qua đời.
Chị Hoàng Thị Giang tham gia chương trình để mong kiếm chút tiền giúp đỡ chị Lương Thị Huyền. Tuy nhiên, khi chỉ còn 2 ngày nữa chương trình bước vào buổi ghi hình thì chị Huyền đã đột ngột qua đời.

Trước đây chị có buôn bán nhỏ nhưng từ sau khi bị tai nạn giao thông thì bị tật 2 chân, phải nằm một chỗ. Vợ chồng chị Huyền ly thân đã 7 năm, giờ chị sống cùng bé Trọng - cậu con trai đang học lớp 11.

Chị Huyền bị suy thận mãn tính đã 12 năm, lại bị suy tim, và xương thủy tinh, vì thế chị không còn đủ sức lao động. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào các chị em của chị Huyền và hàng xóm xung quanh. Do đó, chị Giang muốn tham gia chương trình để dành số tiền thưởng cho chị Huyền, giúp chị thực hiện ước mơ nhìn thấy con trai của mình bước vào cánh cửa Đại học. Tuy nhiên, không may, cách hai ngày trước buổi ghi hình chương trình, chị Huyền đã qua đời vì không đủ sức chống chọi với bệnh tật.

Dẫu vậy, chị Giang vẫn tham gia chương trình để giúp bé Trọng có cơ hội tiếp tục con đường học vấn. Liệu chị có đi sâu vào vòng trong, hoàn thành ước nguyện của người hàng xóm khốn khổ?

Thí sinh Dương Công Danh thi hát để giúp con gái thực hiện ước mơ.
Thí sinh Dương Công Danh thi hát để giúp con gái thực hiện ước mơ.

Tiếp đến là câu chuyện của người cha muốn viết tiếp ước mơ của cô con gái, ông Dương Công Danh. Ông Danh hiện sinh sống và làm việc tại TP. HCM nhưng số tiền kiếm được từ công việc bảo vệ không đủ để trang trải cho hai con ăn học. Vì thế, ông vận chuyển hàng hóa thêm vào ban ngày để kiếm thêm thu nhập.

Con gái lớn Dương Ngọc Thảo hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc, con gái nhỏ Dương Ngọc Thảo Nguyên là học sinh lớp 10. Tuy làm việc cực khổ nhưng ông Danh rất vui mừng vì hai con chăm học, gia cảnh nghèo khó nhưng chú chưa bao giờ có ý định cho hai con thôi học.

Thậm chí, dù có vắt hết sức lực của mình, ông vẫn muốn mang kiến thức đến cho hai cô con gái. Ông Danh tham gia chương trình mong có được một ít tiền hỗ trợ thêm cho việc trang trải các thiết bị, đồ dùng học tập cần thiết cho con gái lớn cũng như giúp con hoàn thành ước mơ bấy lâu không đủ điều kiện thực hiện. Với giọng hát trầm ấm cùng phong thái như một người nghệ sĩ, ông Danh nhận được nhiều sự tán dương từ phía giám khảo và khán giả.

Thí sinh lớn tuổi nhất tập 4 là bà Huỳnh Thị Ngọc Thắm. Bà Thắm tham gia chương trình để giúp đỡ anh họ Trần Hữu Thành.
Thí sinh lớn tuổi nhất tập 4 là bà Huỳnh Thị Ngọc Thắm. Bà Thắm tham gia chương trình để giúp đỡ anh họ Trần Hữu Thành.

Sau cùng là hoàn cảnh của bà Huỳnh Thị Ngọc Thắm. Trước đây, bà Thắm làm nghề buôn bán hoa quả nhưng do đã lớn tuổi nên bà giúp con mình trông coi cửa hàng áo cưới tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bà hát giúp cho người anh họ tên Trần Hữu Thành.

Ông Thành bị trùng HP trong bao tử, phải uống thuốc và điều trị hàng tháng. Ông vẫn đi làm thuê, làm mướn một số việc nhẹ để lo ăn ở cho gia đình. Vợ chú ông là bà Nguyễn Thị Quyên bị bệnh tim và thoát vị đĩa đệm, sức khỏe yếu. Con trai ông Thành là anh Trần Thanh Tuấn không có khả năng lao động, lại bị tâm thần.

Cả gia đình ông Thành đang ở là nhờ nhà Đại Đoàn Kết do mọi người xung quanh góp tiền hỗ trợ xây dựng từ năm 2007. Nhà hiện dột nát và hư hỏng nhiều chỗ. Bà Thắm sẽ hát cho ông Thành để có một số vốn chăn nuôi nhỏ, sửa sang lại nhà cửa và chữa bệnh.

Hà Tùng Long