Nhan Phúc Vinh sốc khi thấy người dân hoảng loạn, ào vào siêu thị gom đồ...
(Dân trí) - Nam diễn viên phim "Tình yêu và tham vọng" nhớ tới trải nghiệm bị mắc kẹt tại Hà Nội thời điểm giãn cách xã hội và chứng kiến sự hoảng loạn của nhiều người, 2-3 giờ sáng vẫn ào đến siêu thị gom đồ…
Năm 2020, cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, cướp đi rất nhiều sự sống, công việc của biết bao người. Câu chuyện về đại dịch toàn cầu đã được đề cập đến với đủ những góc nhìn trong chương trình Ký ức vui vẻ vừa phát sóng.
Nhắc tới điều này, Nhan Phúc Vinh nhớ ngay tới trải nghiệm "mắc kẹt" ở Hà Nội khi giãn cách đúng lúc đang quay phim và không thể bay về nhà. Nam diễn viên nói, đó là những trải nghiệm anh không thể quên.
"Tôi nhớ đợt đầu tiên Việt Nam áp dụng cách ly toàn xã hội, khoảng tháng 3/2020, tôi mắc kẹt khi đang đóng phim tại Hà Nội. Dù đã nghe thông tin có thể sẽ cách ly toàn xã hội nhưng phim chuẩn bị phát sóng rồi nên cần chạy tiến độ.
Đến khi có lệnh cách ly toàn xã hội, đoàn phim không thể tiếp tục quay mà tôi cũng không có cơ hội mua vé bay về nhà đoàn tụ gia đình. Tôi bị mắc kẹt 3 tuần tại Hà Nội.
Tôi cũng quen sống một mình từ năm 18 tuổi rồi nên không sợ cảm giác cô đơn. Nhưng khi dịch bệnh diễn ra có những thay đổi rất rõ, nhất là trên mạng xã hội. Người dân xuất hiện sự hoảng loạn, 2-3 giờ sáng, người ta vẫn ào đến các siêu thị gom đồ về. Tôi thấy cảnh tượng như đang sống trong bộ phim nào đó. Khi ấy cảm thấy mình chơi vơi giữa cuộc đời, không ai bên cạnh mình cả…
Nhưng tôi lại nghĩ, có những người giống như mình: những công nhân, những người sống xa nhà vì nhiều lý do không thể ở cạnh người thân. Chắc chắn nhiều quan điểm và suy nghĩ về cuộc sống này đã thay đổi và nhận ra những giá trị thật sự, đặc biệt là sức khỏe của bản thân và gia đình", nam diễn viên phim "Tình yêu và tham vọng" chia sẻ.
Mạc Văn Khoa cũng xúc động kể: "Tết năm nay là cái Tết buồn nhất của bố mẹ tôi. Nhà có 3 chị em, năm nào cũng có ít nhất một người ăn Tết cùng bố mẹ. Năm nay là năm đầu tiên bố mẹ tôi ăn Tết thiếu vắng cả 3 đứa con.
Như mọi người cũng biết, đợt dịch vừa rồi diễn biến dịch bệnh ở Hải Dương rất phức tạp, chưa khi nào tôi thấy dịch gần nhà, gần bố mẹ như vậy. Nhà tôi ngay Chí Linh luôn. Khi nghe tin ở quê bùng phát dịch, trong lòng tôi như lửa đốt luôn.
Trước Tết tôi đã chuẩn bị mọi thứ, rồi đặt vé, chuẩn bị về ăn Tết với bố mẹ. Mà bố mẹ cũng gọi điện, trồng rất nhiều rau, nuôi nhiều gà, đợi các con về ăn. Đùng một cái, hủy, không về quê ăn Tết được. Chưa khi nào tôi lo lắng đến thế. Bố mẹ cũng gọi vào, bảo đừng về.
Đêm giao thừa, tôi gọi điện chúc Tết bố mẹ mà lòng nhiều cảm xúc, giọng mẹ thì… nghẹn đi.
Giờ dịch cũng đỡ rồi, đợi con gái cứng cáp chút, tôi đưa cháu về thăm ông bà".
Kha Ly thì bật khóc khi nhớ tới bạn thân của mình, cố diễn viên Mai Phương. "Năm ngoái cũng thời điểm này bùng phát dịch, người bạn thân của tôi, diễn viên Mai Phương mất vào thời điểm này. Vì dịch bệnh nên mọi thứ khó có thể trọn vẹn. Đám tang Mai Phương cũng không nhiều người đến viếng. Sau này, các anh chị nghệ sĩ khác nữa…, không có sự trọn vẹn cho đám tang của họ", cô nghẹn ngào.
Với ca sĩ Tùng Lâm, anh chia sẻ dịch bệnh đã khiến mình thay đổi suy nghĩ. Bước chân vào nghề, Tùng Lâm đã có 8 cái Tết không về nhà và gia đình anh cũng thông cảm cho điều này. Chỉ tới khi dịch bệnh bùng phát, tất cả các hoạt động nghệ thuật giải trí đều tạm ngưng, nam ca sĩ mới quyết định về quê ăn Tết.
Khi trở về nơi thân quen, Tùng Lâm cảm nhận ngay không khí ấm cúng khi được quây quần bên gia đình. Anh cũng không khỏi chạnh lòng xót xa khi thấy bố mẹ ngày một già, gầy ốm, tóc bạc đi nhiều. Tùng Lâm tự hỏi: "Tại sao những năm vừa qua mình không về? Chắc chắn không có một cái Tết nào cháu vắng nhà nữa".
Đối với NSND Tự Long, anh mong mọi người hãy luôn nhớ tới sự hi sinh vất vả của các chiến sĩ bộ đội, phải nhường chỗ ở làm nơi cách ly. Thậm chí có những người không thể về nhà khi vợ sinh, ba mẹ mất. Đối với họ, Covid-19 là một ký ức rất buồn…