Nhạc sĩ Phú Quang: “Chỉ có một người đàn bà tôi yêu vô điều kiện”

(Dân trí) - Nhắc đến Phú Quang, người ta nhắc đến người nhạc sĩ đa tình, đa cảm, dễ rung động với hình ảnh “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” và những ca khúc lãng đãng buồn đi qua cuộc đời mộng mơ của nhiều thiếu nữ… Tuy nhiên, khi được hỏi về chuyện “yêu nhiều” giống như nhiều nhạc sĩ, ông lại phủ nhận…

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy như viết từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Nghe nhạc Phú Quang, khán giả có lẽ đều nghĩ… ông yêu nhiều lắm?

“Một nửa của thế giới” đã có công rất lớn trong việc tạo nên cảm xúc bất tận để những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại ra đời và lưu lại với đời. Nếu không có mẹ, không có giai nhân, không có tình yêu…thì người nhạc sĩ như tôi đã không có cảm hứng để cho ra đời những tình khúc bất hủ về người phụ nữ.

Nhưng nếu nói là yêu nhiều thì không phải. Người ta cứ nói, tôi sáng tác về hết cô này đến cô kia, nhưng thực ra người tôi yêu chỉ đếm được trên đầu ngón tay có vài cô thôi. Có sáng tác vài trăm ca khúc về tình yêu thì cũng không thể có từng ấy cuộc tình với vài trăm cô được.

Người yêu tôi có thể là hàng nghìn cô gái trẻ đẹp nhưng đó là họ yêu tác phẩm, yêu ông nhạc sĩ chứ có ai yêu… gã Phú Quang này đâu?

nhac si phu quang 6.JPG

Phú Quang: "Người yêu tôi có thể là hàng nghìn cô gái trẻ đẹp nhưng đó là họ yêu tác phẩm, yêu ông nhạc sĩ chứ có ai yêu… gã Phú Quang này đâu?"

 

Vậy ông có thể nói gì trước nghi vấn NSND Lê Khanh là một trong những bóng hồng của nhạc sĩ Phú Quang? “Điều giản dị” là ca khúc ông viết tặng Lê Khanh?

Tôi từng rung động trước vẻ đẹp của Lê Khanh.  Nhưng đó là tình yêu nghệ thuật chứ không phải tình yêu trai gái. Ca khúc “Điều giản dị” là tôi viết về Lê Khanh đấy. Nhưng không phải bởi tình yêu mà tôi lấy cảm hứng từ sự xúc động trước vai diễn của cô cùng câu chuyện tình trong bộ phim “Có một tình yêu như thế”.

Những ai mê nhạc Phú Quang, theo dõi những chia sẻ về ông thì dễ nhận ra có nhiều tác phẩm ông dành tặng cho một người con gái đẹp - người con gái thuộc số người mà ông yêu “đếm trên đầu ngón tay ấy” và cũng chính là “mối tình đầu đẹp và dang dở”… Ông có thể chia sẻ thêm?

Chúng tôi quen nhau, làm bạn và có lẽ tôi là bạn trai đầu tiên của cô ấy. Cô ấy không phải là cô gái đầu tiên của tôi nhưng tôi là bạn trai đầu tiên của cô ấy. Tình cảm giữa chúng tôi rất trong sáng, chưa một lần hôn, chỉ một lần xúc động mà chạm môi cũng khiến cô xấu hổ mất nửa tháng…

Sau đó, cô ấy theo gia đình ra nước ngoài sinh sống. Cô ấy và mẹ mình muốn tôi đi cùng nhưng tôi còn mẹ, còn gia đình nên đành… chia ly. Sang Mỹ, cô vào dòng tu và 13 năm sau mới trở lại cuộc sống bình thường và lên xe hoa.

Ngày xưa tôi viết “Chuyện bình thường” vì cô ấy. 13 năm xa cách, tôi viết tặng 13 “Chuyện bình thường”. Ngày cô đi lấy chồng, tôi viết “Chuyện bình thường” thứ 13: “Có những khi về qua phố/ Phố quá đông không thấy mặt người/ Chợt gặp mình cười như đá ngây ngô/ Một sớm mai nào thấy mình trong gương, tóc mờ như sương/ Có những khi về trong gió/ Gió xót xa thương mối tình hờ/ Có những khi chiều nghe nhớ, nỗi nhớ xưa nay vẫn nhạt mờ/ Chợt gặp niềm đau vẫn như đợi chờ". Và, sau đó tôi không bao giờ viết nữa.

nhac si Phu Quang 2.JPG

Những ai mê nhạc Phú Quang, theo dõi những chia sẻ về ông thì dễ nhận ra có nhiều tác phẩm ông dành tặng cho một người con gái đẹp - người con gái thuộc số người mà ông yêu “đếm trên đầu ngón tay ấy” và cũng chính là “mối tình đầu đẹp và dang dở”...

 

Ngoài những tình khúc nổi tiếng, được mệnh danh là “nhạc sĩ Hà Nội”, tình yêu đối với mẹ còn là niềm cảm hứng cho Phú Quang viết lên nhiều ca khúc xúc động về mẹ như: “Mẹ”, “Mẹ ơi”… Được biết, niềm say mê nghệ thuật của ông ảnh hưởng nhiều từ bậc sinh thành?

Chỉ có một người đàn bà mình yêu vô điều kiện, yêu không hoài nghi, người đàn bà không bao giờ phản bội mình. Đó là mẹ. Mẹ đã dạy tôi triết lý sống ở đời. Mẹ tôi không học cao nhưng có thể thuộc làu Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... và dạy tôi toàn bằng thơ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương...

Tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, tôi làm một câu đối treo ngay trên bàn học: "Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi".

Khẩu khí ấy tôi có là vì nhiễm tính cách mẹ tôi, chứ bố tôi thì khác, vì cụ cho rằng người có khẩu khí như thế sau này sẽ rất khổ.

Có kỷ niệm tuổi thơ nào về mẹ mà ông nhớ nhất?

Tôi nhớ ngày nhỏ, một lần học bọn trẻ con nói bậy, tôi bị mẹ đánh đòn. Sau khi đánh đòn, mẹ đưa tôi ra cầu ao để tắm. Nhìn vào vết lằn vì roi, tôi hỏi: “Cái gì đây hả mẹ?”, mẹ bảo “con lươn” xong rồi khóc. Đấy là lần duy nhất tôi bị đánh đòn.

Khi tôi ngoài 30 thì mẹ mất. Lúc đó, tôi đang ở Sài Gòn, cứ đi đi về về Hà Nội. Thế nhưng những ngày cuối cùng tôi đã không có mặt ở bên mẹ. Về đến nhà thì mẹ đã đi rồi.  Đến giờ, tôi vẫn ân hận vì điều đó.

Nhớ mẹ, tôi càng thấm thía hơn câu hát trong bài “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến: “Hà Nội có lần khóc thầm chạy lên thang gác, bóng mẹ còn đâu…”

nhac si phu quang 7.JPG

"Chỉ có một người đàn bà mình yêu vô điều kiện, yêu không hoài nghi, người đàn bà không bao giờ phản bội mình. Đó là mẹ..."

 

Có người nói, vì quá thương yêu người mẹ hiền mà thời trẻ Phú Quang từng giận cha ghê lắm?

Cha tôi là nhà nho lại rất mê nghe hát cô đầu. Trong quan niệm của nhiều người  trước đây, hát cô đầu vẫn bị cho là hư hỏng, người đi nghe hát cô đầu cũng bị cho là người “ăn chơi”. Tôi thương mẹ và giận cha vì nghĩ ông “ăn chơi quá!”

Nhưng sau này, một phần được những nghệ sĩ bạn của cha đến nhà chơi rồi giảng giải, một phần càng lớn khôn tôi càng hiểu chuyện và suy nghĩ chững chạc hơn. Tôi nhận ra rằng cha không “hư” như mình tưởng. Nghe hát cô đầu là thú vui văn minh, người đến nghe không được đụng chạm đến người hát, đôi khi chỉ được thưởng trống… Và ca khúc “Đêm ả đào” được tôi viết ra như lời xin lỗi dành tặng người cha của mình. Trước “Đêm ả đào”, tôi cũng từng viết ca khúc tặng cha, “Trước mùa đông”…

Xin cảm ơn nhạc sĩ về những chia sẻ!

Nguyễn Hằng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm