Nhạc kịch có Tấm Cám, Thánh Gióng sử dụng 205 bộ trang phục truyền thống
(Dân trí) - "Đồng dao cổ tích" - vở nhạc kịch được đầu tư bài bản, chỉn chu - lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Vở diễn khiến khán giả thấy yêu hơn những câu truyện cổ nước mình.
Chương trình nhạc kịch Đồng dao cổ tích vừa diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi nhân dịp Trung thu 2023.
Nhạc kịch kể về hành trình của Thi Ca, Thi Họa ở thế giới hiện đại đi lạc vào thế giới cổ tích. Một câu chuyện thần kỳ của thế giới song song được bắt đầu, nơi đó hiện đại xen lẫn cổ tích, cái thiện và cái ác không có ranh giới...
Tất cả hòa vào nhau thành một bản nhạc lúc trầm lúc bổng, khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ban Tổ chức đêm nhạc kịch cho biết, Đồng dao cổ tích góp phần vào mục tiêu lan tỏa và khẳng định nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vở kịch nhắc tới 7 truyện cổ tích: Tấm Cám, Thánh Gióng, Mai An Tiêm, Sơn Tinh Thủy Tinh, Cóc kiện trời, Cây tre trăm đốt và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ với cách kể chuyện dễ hiểu, vui tươi.
Bên cạnh đó, nhạc kịch được đầu tư kỹ lưỡng từ đội ngũ dàn dựng, biểu diễn hùng hậu cho tới hiệu ứng sống động. Nhạc cụ và các bài hát được sử dụng trong nhạc kịch đều mang âm hưởng của dân tộc, kết hợp với yếu tố hiện đại khiến người xem vô cùng thích thú và không thể rời mắt.
Ê-kíp đã sử dụng 205 bộ trang phục truyền thống để giúp khán giả hình dung dễ hơn nhân vật trên sân khấu. Ban Tổ chức muốn gửi gắm những điều ý nghĩa tới người xem và muốn đánh thức những giá trị văn hóa, ký ức tuổi thơ tươi đẹp trong lòng mỗi người.
Chị Quyên Trần - người khởi xướng dự án Đồng dao cổ tích - cho biết, mục đích của dự án này chính là muốn phá vỡ những định kiến cho rằng nhạc kịch phải được làm nên bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp với rất nhiều tiêu chuẩn về diễn xuất, giọng hát, đối tượng khán giả...
"Nhưng ở Đồng dao cổ tích, 100% diễn viên của chúng tôi chưa từng qua khóa học diễn xuất nào trước khi nhận vai. Chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi mà ở đó những diễn viên không chuyên có cơ hội để tỏa sáng theo cách mà họ có thể, bằng chính niềm tin, sự đam mê và nỗ lực không ngừng của bản thân", chị Quyên Trần cho biết.
Chia sẻ cảm xúc sau buổi diễn, NSƯT - Họa sĩ Nguyễn Văn Trực, nguyên Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật Sở Văn hóa thể thao Hà Nội, cho rằng Đồng dao cổ tích là chương trình nghệ thuật hiếm có, làm kỹ lưỡng và chỉn chu trong mùa Trung thu năm nay.
"Vở kịch công phu từ chọn diễn viên đến trang phục, biên đạo múa, âm nhạc… Việc xây dựng kịch bản, làm mới cổ tích trong thời đại mới với cách kể chuyện đi xuyên thời gian là ý tưởng rất hay. Cái khó nữa là ở nhạc kịch, các em nhỏ vừa diễn kịch vừa hát, vừa phải đảm bảo vũ đạo… Điều đó đã tạo nên một chương trình đa sắc", ông Trực nói.