Nhạc cổ điển vẫn có sức sống trong lòng giới trẻ
(Dân trí) - Thời gian gần đây các chương trình hòa nhạc thính phòng nhận được nhiều sự đón nhận của công chúng yêu nhạc. Sau chương trình hòa nhạc mang tên Piano và Vilon, Đêm của tài năng trẻ là đêm nhạc hòa tấu của tam tấu Tutti.
Thời gian gần đây các chương trình hòa nhạc thính phòng được tổ chức liên tiếp nhưng vẫn nhận được rất nhiều sự đón nhận của công chúng yêu nhạc. Tại trung tâm Văn hóa Pháp, sau chương trình hòa nhạc mang tên Piano và Vilon, Đêm của tài năng trẻ là đêm nhạc hòa tấu của tam tấu Tutti.
Tam tấu Tutti là sự kết hợp của 3 nghệ sĩ Việt Nam: Đinh Thị Đoàn Hòa (Violon), Trần Thu Vân (Cello) và Đào Trọng Tuyên (Piano). Chương trình gồm các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới như Bản sonata số 9 của Beethoven, Bản ballade số 1 của Chopin, Trio No.1 của Rachmaninoff và giai điệu bất hủ Passacaglia của Handel.
Bản sonata số 9 của Beethoven là bản sonata dài và đồ sộ nhất cho violon và piano, cùng với bản ballade số 1 của Chopin được xem như một trong những tác phẩm hay nhất của Chopin. Đây là những tác phẩm đã được chơi trong nhiều bộ phim nổi tiếng như The Pianist, Rhapsody, Thank you for smoking và là âm nhạc cho “Black” pas de deux của vở ballet The Lady of Camellias. Giai điệu bất hủ Passacaglia của Handel đươc Halvorsen viết cho violon và cello. Và cuối cùng là Trio No.1 của Rachmaninoff cho piano, violon, cello với giai điệu trữ tình lãng mạn và vô cùng sâu lắng, đây cũng là một trong những tác phẩm hay nhất được viết cho trio piano trong kho tàng âm nhạc cổ điển trên thế giới.
Buổi hòa nhạc kéo dài hơn một giờ đồng hồ đã dành được nhiều tràng vỗ tay của những khán giả tham dự mỗi khi tiết mục kết thúc. Rõ ràng rằng, âm nhạc thính phòng giao hưởng gần đây có một sức hút mãnh liệt đối với cả giới trẻ, điều này thể hiện rõ nhất qua việc những buổi hòa nhạc như thế này luôn kín chỗ và chật kín khán phòng bởi những chiếc ghế kê thêm và những người đứng phía sau hàng ghế cuối.
Nghệ sĩ Violon Đinh Thị Đoàn Hòa đã biểu diễn với vai trò nghệ sỹ violon chính với nhiều dàn nhạc và nhạc trưởng nước ngoài như: Dàn nhạc Nhật Bản Sakura, nhạc trưởng Masanori Tokuhisa (Nhật Bản), Dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nhạc trưởng Terje Groendahl (Na-uy), Graham Sutcliff (Anh)…
Là nghệ sỹ cello chính của Dàn nhạc Nhà nhát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nghệ sĩ Trần Thu Vân đã tham gia Dàn nhạc trẻ Châu Á từ năm 1997 đến 1999 trong chuyến lưu diễn tại Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ dưới sự chỉ huy của Sergiu Comissiona, với những nhạc công nổi tiếng như nghệ sỹ cello Yo Yo Ma, nghệ sỹ violon Young Uck Kim và Gil Shaham, nghệ sỹ piano Leon Fleisher… Năm 2002, cô là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất được mời tham dự Liên hoan âm nhạc Châu Á – Thái Bình Dương tại Sapporo, Nhật Bản.
Là giảng viên piano tại Nhạc viện Hà Nội, Đào Trọng Tuyên đã nhận bằng Thạc sỹ âm nhạc, chuyên ngành biểu diễn vào năm 2001 tại Đại học Laval, Québec và bằng Tiến sỹ âm nhạc, chuyên ngành biểu diễn tại Đại học Montréal năm 2007. Anh đã biểu diễn tại nhiều nước như Pháp, Nhật Bản, Canada…