Nhà văn Trần Thị Trường: Những bức tranh giúp lòng mình tĩnh lại

(Dân trí) - Trong khi hàng chục ngàn người đi chùa với tâm thế dâng sao giải hạn, tìm lại sự bình yên của tâm hồn, thì lại có người lặng lặng tìm đến phòng tranh nơi có những bức tranh vẽ chùa với sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối…

Tôi vừa có chuyến đi dài ngày với quyết tâm tách khỏi cái môi trường quen thuộc khiến cho cảm xúc cùn mòn để toàn tâm hoàn thiện cuốn sách tôi đã viết 6 năm không xong.

Thời gian đó, đối với tôi thật quý báu. Cảm xúc của tôi tươi mới trở lại. Tôi đã hoàn tất được cuốn sách, đi được nhiều nơi, chiêm ngưỡng được nhiều vẻ đẹp từ tự nhiên, từ những sáng tạo của con người… 

Sau chuyến đi, trở về với cuộc sống thường nhật, khá buồn tẻ và nặng nề, còn đang hụt hẫng thì rất may tôi lạc vào không gian hội họa của họa sĩ Lê Như Hà. Trước đây, tôi đã biết anh và đã thích những bức tĩnh vật, chân dung, phong cảnh của anh. Vào năm 2002 anh cũng đã có triển lãm riêng…

Trong ngôi chùa cũ.jpg

Bức tranh vẽ chùa của họa sĩ Lê Như Hà.

 

Nhưng lần này, “Những ngôi chùa cũ” của Lê Như Hà đã cho tôi một bất ngờ lớn.  Xem tranh, tôi thấy lại một cảm giác bình an, thanh thản, một sự tự tại tưởng như đã lạc trôi đâu mất. Hơn 20 bức vẽ về những ngôi chùa Việt Nam ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Hoặc là Văn Miếu, hoặc là các chùa, chùa Mía, chùa Dâu, chùa Trăm gian… được đánh số từ 1, 2, 3, 4… trở đi, thực hiện bằng sơn dầu trên vải. Họa sĩ miêu tả cái không gian anh nhìn thấy bằng mắt thường như mọi người và cái phản chiếu trong tâm linh của cá nhân anh. Chỉ với sự biến hóa của gam màu nâu, nhưng 20 bức là 20 khác biệt, không chỉ bởi không gian khác nhau, chi tiết không lặp lại, mỗi chi tiết để lại một ấn tượng sâu đậm cho thị giác và đặc biệt là ánh sáng được miêu tả rất tài tình.  

Để tạo ra một tác phẩm hội họa dĩ nhiên là khó, nhưng những bức tranh đặc tả được thời gian theo tôi là khó vào bậc nhất. Tranh Lê Như Hà “nói ra” được cái tĩnh lặng, rêu phong, ẩm ướt, cái thời- gian- trôi- qua-trong-cái - không- gian đó, hay cái thời gian đọng lại trên mái ngói, trên những bức tường… 

Tôi nghĩ, đó cũng là lý do Lê Như Hà dứt bỏ nghề nhiếp ảnh, dứt bỏ cái nghệ thuật ánh sáng mà anh từng theo đuổi mấy chục năm. Một tác phẩm nhiếp ảnh có đẹp đến đâu cũng vẫn khiến cho người ta thấymột sự giới hạn, giới hạn bởi chính hiện thực- một giới hạn có thể “làm tổn thương những tâm hồn nhạy cảm” như các nhà mỹ học đã nói. Nhưng những bức tranh hiện thực- ấn tượng như của Lê Như Hà được vẽ bằng những nét cọ đầy kỹ thuật, các chi tiết chính xác trong sự rung cảm mãnh liệt của cảm xúc, mảng khối hài hòa, màu chuyển động bằng chất lượn, một hiện thực nâng đỡ cảm xúc.

Sự nhẹ nhàng, trầm tĩnh, chân phác ở tranh Lê Như Hà dường như tạo cho con người có được một khoảng lặng quý giá trong cuộc đời vốn xô bồ, vội vã của mình… Phải chăng vì thế mà hơn 100 bức khác nhau với chủ đề “Trong ngôi chùa cũ” vẽ trong 25 năm qua của Lê Như Hà đều đã thuộc quyền sở hữu của những người hâm mộ từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tại ViệtNam và ở một vài quốc gia khác.

Từ phòng tranh của Lê Như Hà trở về, tôi đã gửi vài bức ảnh chụp sang bên Mỹ cho một người bạn, hiện đang làm làm nghiên cứu Mỹ thuật tại Trường ĐH thuộc California. Viết lại cho tôi, chị bảo nhất định chị về Việt Nam ngày gần nhất để không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức và nghiên cứu những tác phẩm quý giá này.   

trong ngôi chùa cũ 3.jpg
trong ngôi chùa cũ 4.jpg

Một số bức tranh trong chủ đề "Trong ngôi chùa cũ".

 

Tôi biết họa sĩ Lê Như Hà từ những ngày Hà nội bước sang giai đoạn mới của lịch sử. Lớp sinh ra trong thập kỷ 40 của các gia đình sống lâu đời ở Hà Nội là những người ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Pháp, ưa phong cách lãng mạn, nuôi ước mơ nghệ sĩ và có khát vọng sáng tạo. Nhiều người học âm nhạc, hội họa, văn chương từ khi còn nhỏ. Cách mạng thành công, xã hội có nhiều thay đổi, đời sống kinh tế chuyển sang một hình thức khác nhưng ước mơ của họ thì vẫn y nguyên, chỉ chuyển đổi hình thức học tập, trau dồi, rèn rũa.

Lê Như Hà sau khi học lớp chuyên nghiệp, ra trường về làm họa sĩ trang trí cho Công ty Bách hóa, ngoài ra làm hợp đồng vụ việc (tranh cổ động, tranh tường, khẩu hiệu… những dịp lễ tết) cho Sở Văn hóa Hà Nội. Ngày đó, vật phẩm như màu nước, sơn dầu, khung, vải, bút đều hiếm, chỉ các họa sĩ thuộc biên chế của Hội Mỹ thuật mới được mua, vì thế không ít người phải nén ước mơ làm tác phẩm tạo hình lại. Lê Như Hà sắm một series máy ảnh, làm phòng ảnh, phần để kiếm sống nuôi gia đình ngoài lương, phần để “chơi” cuộc chơi ánh sáng. Anh thành công trong loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh. Đã có 30 bức ảnh 50 cm x 60cm bày trong triển lãm Alliance- Francaise (Trung tâm ngôn ngữ và văn minh Pháp) từ 1996. Nhưng, thay đổi, ngoặt bước luôn là đặc tính của nghệ sĩ, mặc dù Lê Như Hà là người trầm tĩnh và hiền hậu, anh bỗng thay đổi “đối tượng” sáng tạo sau những lần đi chùa. Anh thấy những gì có trong chùa mới phản ánh đúng tâm thế, tâm trạng, niềm an ủi, sở thích của anh, và anh rời nhiếp ảnh, kể từ ngày vẽ chùa lần thứ nhất.          

Những nhà sưu tập tranh cũng đem tới cho anh một khích lệ đáng kể. Sự tĩnh lặng bằng mầu sắc, và không gian của chùa mỗi khi vẽ xong, lập tức có người mua. Và anh nhận ra rằng, vẻ đẹp của chùa có khả năng cứu rỗi không chỉ tâm hồn anh mà nhiều người. Anh tiếp tục cho ra đời những tác phẩm hội họa về chùa, hầu hết khổ lớn (từ 1m x 1,2 m đến 1,2m x 1,6m…)

Lê Như Hà sẽ bày loạt tranh mới vẽ về chùa tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền Hà Nội vào ngày 24/2/2019.

Trần Thị Trường